CHỦ NGHĨA
Ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng có cấu trúc khá phức tạp. Có nhiều cách tiếp cận để xác định cấu trúc và phân loại ý thức pháp luật, song nhìn chung phần lớn các học giả tán đồng quan điểm dưới đây:
1. Cấu trúc của ý thức pháp luật
Căn cứ vào nội dung, tính chất của các bộ phận hợp thành, ý thức pháp luật được cấu thành từ hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật.
Hệ tư tưởng pháp luật là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm và học thuyết của pháp luật. Hệ tư tưởng mang tính tự giác, tính hệ thống, tính khoa học. Tư tưởng pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hình thành trên cơ sở học thuyết Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về pháp luật.
Tâm lý pháp luật là sự phản ánh những tâm trạng, cảm xúc, thái độ, tình cảm đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý cụ thể khác. Nếu yếu tố tư tưởng của ý thức pháp luật bao gồm các yếu tố thuộc phạm vi ý thức hệ, thì yếu tố tâm lý pháp luật thuộc lĩnh vực tình cảm pháp luật. Ở đây đối tượng mang tâm lý pháp luật là con người với tư cách là một cá nhân, một thành viên tập thể, thành viên cộng đồng dân tộc, một công dân của một quốc gia. Trong tâm lý pháp luật, thói quen pháp luật là yếu tố quan trọng. Nhờ có thói quen pháp luật mà con người hành động một cách rất rõ ràng, dứt khoát.
So với tư tưởng pháp luật, tâm lý pháp luật là bộ phận bền vững hơn, bảo thủ hơn. Tâm lý pháp luật gắn bó chặt chẽ với những truyền thống, tập quán, thói quen của con người. Nó được hình thành chậm chạp và ít thay đổi.
Tuy nhiên giữa hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật có mối quan hệ qua lại với nhau: Hệ tư tưởng pháp luật tác động mạnh mẽ tới tâm lý pháp luật, đồng thời tâm lý pháp luật là tiền đề cho sự hình thành và phát triển các tư tưởng, quan điểm pháp luật.
2. Phân loại ý thức pháp luật
a. Căn cứ vào cấp độ và giới hạn nhận thức, ý thức pháp luật được chia thành ý thức pháp luật thông thường, ý thức pháp luật có tính lý luận và ý thức pháp luật mang tính nghề nghiệp.
- Ý thức pháp luật thông thường được hình thành một cách tự phát dưới tác động trực tiếp của điều kiện và kinh nghiệm cuộc sống cá nhân.
- Ý thức pháp luật mamg tính lý luận thể hiện dưới dạng quan điểm, khái niệm, học thuyết về pháp luật. Ý thức pháp luật mang tính lý luận hình thành trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp sâu sắc các kiến thức pháp luật. Ý thức pháp luật mang tính lý luận là cơ sở để hoạt động sáng tạo pháp luật.
- Ý thức pháp luật mang tính nghề nghiệp là ý thức pháp luật của các luật gia, của các nhà chức trách mà trong hoạt động của mình thường xuyên vận dụng sáng tạo pháp luật. So với ý thức pháp luật thông thường và ý thức pháp luật mang tính lý luận, ý thức pháp luật mang tính nghề nghiệp đặc trưng bởi sự kêt hợp hài hoà giữa yếu tố tư tưởng và yếu tố tâm lý. Ý thức pháp luật nghề nghiệp không chỉ đặc trưng bởi trình độ hiểu biết cao về pháp luật, mà còn đặc trưng bởi khả năng thực tế cao như thành thói quen trong sự vận dụng và áp dụng pháp luật trong thực tế.
b. Căn cứ vào chủ thể của ý thức pháp luật ta có: ý thức pháp luật xã hội, ý thức pháp luật nhóm và ý thức pháp luật của cá nhân.
- Ý thức pháp luật xã hội là ý thức pháp luật của bộ phận tiến tiến đại diện cho xã hội, nó chứa đựng những tư tưởng, quan điểm khoa học về những vấn đề cơ bản nhất của pháp luật. Vì nó tiến bộ và có cơ sở khoa học nên ý thức pháp luật xã hội được chính thức hoá trong toàn xã hội.
- Ý thức pháp luật nhóm chỉ phản ánh những quan điểm, tư tưởng, tâm lý, tình cảm của một nhóm xã hội nhất định về pháp luật. Ý thức pháp luật nhóm có phạm vi tác động nhỏ hơn so với ý thức pháp luật xã hội.
- Ý thức pháp luật của cá nhân phản ánh những quan điểm, tư tưởng, tâm lý, tình cảm, thái độ của mỗi người về pháp luật và đối với pháp luật. Trình độ ý thức pháp luật của cá nhân thường thấp hơn ý thức pháp luật xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra là không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của cá nhân lên ngang tầm ý thức pháp luật xã hội.