2. Nghệ thuật trần thuật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật
2.3. Giọng điệu trần thuật
“Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [23, tr.112].
I.X. Turgenev đã hết sức có lý khi cho rằng mỗi nghệ sĩ giống như con chim. Mỗi loại chim có một cấu trúc thanh quản khác nhau, bởi thế tiếng hót của chúng khác nhau. Cũng tương tự như thế, mỗi nhà văn phải biết tạo ra một giọng điệu nghệ thuật riêng. Giọng điệu ấy chỉ có cất lên từ cổ họng của người nghệ sĩ. Vì vậy, tìm cho đúng giọng điệu để viết là công đoạn khó khăn nhất của nhà văn. Hoàng Ngọc Hiến kể lại câu chuyện của Marquez khi viết cuốn sách Trăm năm cô đơn rằng: sau khi viết xong truyện
“Giờ rủi ro”, nhà Văn đã có đủ tư liệu để viết Trăm năm cô đơn nhưng ông không thể nào cầm bút vì chưa tìm ra giọng. Mãi năm năm sau ông mới tìm ra giọng điệu thích hợp đó là cách kể của một bà già nói về những chuyện hoang đường, siêu nhiên bằng một giọng hết sức tự nhiên. Chỉ khi ấy, tác giả mới viết được” [37, tr.92]. Như vậy, tính chất của giọng điệu vừa phụ thuộc vào nội dung của câu chuyện, vừa phụ thuộc vào tâm trạng cảm hứng và cách cảm nhận của tác giả.
Trong một tác phẩm văn học có thể có một hoặc nhiều giọng điệu khác nhau: có giọng điệu người kể, có giọng điệu nhân vật, có giọng điệu khinh bạc, hài hước, mĩa mai, châm biếm,…Chẳng hạn như giọng điệu trầm tư trắc ẩn của Nguyễn Minh Châu; Giọng điệu mĩa mai, châm biếm của Phạm Thị Hoài; Giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn của Nguyễn Huy Thiệp..v.v…
Giọng điệu xót xa thương cảm trong văn học Việt Nam trở thành cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm nữa cuối thế kỷ XVIII và nữa đầu thế kỷ XIX. Bắt đầu từ Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều,…thể hiện tinh thần xót xa thương cảm đối với mỗi kiếp người nhất là phụ nữ. Sang thế kỷ XX, XXI các nhà văn kế thừa có cách
tân và đem lại tiếng tăm cho một số nhà văn như: Nam Cao, Kim Lân…Võ Thị Hảo, Trần Thuỳ Mai,…
Giọng điệu, một trong những yếu tố quyết định sự thắng bại của nhà văn. Vậy, giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có sắc thái gì đặc biệt mà tác phẩm dự thi dẫu có cắt phách thì đọc giả vẫn nhận ra? Giọng điệu chi phối trong toàn bộ truyện ngắn Ngọc Tư là giọng điệu xót xa thương cảm.
Giọng điệu xót xa thương cảm được coi giọng chủ âm trong toàn bộ sáng tác của chị. Điều này bắt nguồn từ cội rễ “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, truyền thống ấy được kết nối dài lâu qua mỗi thời đại, vì văn học nói gì thì cái đích hướng đến là con người.
Giọng điệu này thể hiện rõ thái độ của Ngọc Tư trước hiện thực được miêu tả. Nó góp phần quan trọng trong việc khắc hoạ số phận nhân vật, cho nên khi người trần thuật kể về bất cứ nhân vật nào cũng đầy sự xót xa, thương cảm. Để phát huy hiệu quả cho giọng điệu này, chị đã sử dụng một lượng câu hỏi tu từ cực lớn nhằm khắc họa những diễn biến tâm lí phức tạp bên trong nội tâm nhân vật. Mỗi truyện chị đặt ra năm, bảy câu hỏi tu từ, câu hỏi tu từ có sức nặng chan chứa tình người, tình đời như: Tắm ở đâu, mấy cưng? Ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời, hen mấy cưng? Mấy cưng thương chị thiệt hả? Tôi lắc đầu, hai gàu nước của má anh, tôi nỡ nào sẻ nửa? Thí dụ như đêm nay, cái gì khiến tim ta đau nhói, cái gì làm cho ta thấy giận dữ, nặng nề? Trời đất, sao vậy nè cưng?...(Cánh đồng bất tận). Bên cạnh đó, những từ ngữ ngoại cảnh có tính cộng hưởng nhằm tạo dựng thêm trường ngôn từ gợi đau, gợi buồn như “bẻ bàng ngồi”,“cười héo qoeo héo quắt”. Ngoài ra giọng điệu xót xa, thương cảm còn gắn với các môtíp: mối tình tay ba (cải lương Miền Nam)…
So với các cây bút cùng thế hệ, Ngọc Tư thực sự đã tìm cho mình một vị trí đứng riêng biệt. Chị chảy tiếp mạch văn chương truyền thống, đó vừa là lợi thế vừa là thử thách, vì để bạn đọc không chán mình thì nhà văn phải vượt qua truyền thống, tự tìm tòi sáng tạo và tự đổi mới làm lạ hoá trang văn.
Bên cạnh giọng chủ đạo – xót xa thương cảm, chị còn sử dụng giọng tự nhiên, tưng tửng. Để phát huy hiệu quả giọng điệu này, tác giả dùng dạng ngôn ngữ suồng sã và thủ
pháp thật như đùa. Song, những lời nói tự nhiên, tưng tửng ấy không làm cho người đọc cười lâu mà ngưng tiếng cười còn lại âm vang nỗi đau khổ, dằn vặt và cô đơn. Cái ngày má bỏ đi theo trai đồng nghĩa với nó là hai đứa trẻ mất mẹ, chúng phải truy lùng nguyên nhân bằng sự ngây ngô của mình.
- “Hồi chiều má con không nấu cơm… - Vậy sao?
- Má con nằm trên giường thở dài… - Vậy hả? Thở ra làm sao?
- Tôi hết biết tả [78, tr.170].
Hay: “Có người hỏi sao bữa nay không uống cà phê. Ông Chín Vũ cười, lắc đầu, cười tiếp với cái vẽ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:
- Để dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm. Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười: - Già mà còn yêu.
- Mắc yêu thì yêu – ông già cự lại vẻ mặt sung sướng không giận gì ai”. [75, tr.38]. Do nhân vật phát ngôn tự nhiên hồn hậu, nghĩ sao nói vậy như “nước chảy mây trôi”,
không rào trước đón sau, nên khi đọc đến những đoạn văn trên, ngay cả những độc giả ít “tếu lâm” nhất cũng không thể không tủm tỉm cười. Cũng chính nhờ đặc tính của chất giọng này đã làm cho truyện bớt đi phần nặng nề, cay cú.
Ngoài hai giọng điệu trên, chị còn chọn cho người trần thuật của mình giọng điệu
triết lý, suy ngẫm. Chất giọng này được chị lấy từ cuộc sống đời thường, do vậy, triết lý không chỉ có ở người già mà ngay đứa trẻ con cũng có: “Ba, ông cố nói, uống rượu có chừng thôi, uống ít còn nhiều, uống nhiều là mất hết đó” [75, tr.121]. Nếu so với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thì giọng điệu triết lý của truyện Huy Thiệp đậm và đặc hơn. Ông triết lý rất nhiều về tình đời và kiếp người. Gần như truyện nào nhân vật cũng nói năm ba câu triết lý nhằm làm cho người đọc chiêm nghiệm sâu xa hơn về cuộc đời. Mặt khác, ông thường xuyên đảo mạch truyện hoặc bỏ rơi mạch truyện tuỳ tiện một cách rất nghệ thuật…Do vậy, về cơ bản triết lý ở Nguyễn Huy Thiệp cũng chính là những tính
hiệu thẩm mỹ để độc giả suy ngẫm tiếp. Còn với Ngọc Tư, triết lý lộ thiên “coi lại, làm gì có con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi? Phải lựa chọn và trả giá chớ…[76, tr.56]. Chị không lên giọng dạy đời hay rao giảng bài học đạo đức mà triết lý ấy tan chảy vào trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và được rút ra từ hạnh phúc và nỗi đau của mỗi kiếp người.
Giá trị giọng điệu triết lý, suy ngẫm không phải là bài học đạo lí để con người học theo nên hành động thế này hay thế khác mà triết lý chảy bên cạnh mỗi cuộc đời để con người cảm thông, chia sẽ hiểu biết lẫn nhau, nhằm giúp con người trở nên hoàn mỹ hơn, người hơn.
Giọng điệu không chỉ thay mặt nhà văn bày tỏ quan niệm về con người mà còn xác lập nên một kiểu ngôn ngữ kể chuyện in đậm cá tính sáng tạo của tác giả. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng giọng điệu trữ tình tha thiết. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là ba gam giọng mà chúng tôi vừa khảo sát.