2. Nghệ thuật trần thuật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật
2.2. Điểm nhìn trần thuật
Hệ thống điểm nhìn được coi vấn đề rất quan trọng trong tác phẩm văn học. Điểm nhìn là nơi vị trí đứng của người trần thuật khi quan sát, đánh giá các sự kiện tình tiết trong tác phẩm, bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể cả phương diện tâm lý, vật lý, văn hóa, chính trị và xã hội. Thông qua điểm nhìn, người đọc có thể xác định hệ tư tưởng, thế giới quan của nhà văn. Điều đó giúp cho độc giả có cái nhìn đúng đắn và đánh giá khách quan chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng là sự cụ thể hóa các quan niệm của nhà văn trong những tình huống nhất định. Truyện ngắn Ngọc Tư có hai điểm nhìn cơ bản sau:
Khi ném nhân vật vào thế giới văn học, ít hay nhiều nhân vật đã có một đời sống riêng tương đối độc lập. Nhân vật nói năng, hành động không hoàn toàn lệ thuộc hay bị chi phối cách nhìn, quan điểm tác giả, nói thế không có nghĩa điểm nhìn nhân vật hoàn toàn tách biệt khỏi vị trí quan sát mà phần lớn các nhân vật đều nằm dưới con mắt theo dõi của tác giả và thông qua tác giả nhân vật nhận diện cuộc sống.
Trong truyện ngắn Ngọc Tư, tiếng nói của nhân vật gần như hòa đồng với tiếng nói tác giả, điểm nhìn nhân vật gần như trùng khít điểm nhìn tác giả. Chị đưa lời vào miệng nhân vật để nhân vật suy nghĩ, nói năng, hành động theo ý của mình. “Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì,… má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được, chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi” [78, tr.133]. Nhân vật đóng vai trò người trần thuật xưng Tôi, một hình thức hoá thân của tác giả. Nhà văn ẩn sau để độc giả tưởng nhân vật độc lập trong suy nghĩ, nhận xét, bình phẩm nhưng thực chất tác giả thể hiện gián tiếp thái độ của mình với cuộc đời thông qua nhân vật. Xét đến cùng, hầu hết nhân vật được thừa hưởng trường nhìn chủ quan của tác giả khi đóng vai trò kể chuyện. Tác giả và nhân vật có khoảng cách, song bao giờ quan niệm của cái tôi sáng tạo cũng được bộc lộ ít nhiều qua điểm nhìn của nhân vật.
Cùng với thay đổi trong tư duy nghệ thuật là thay đổi QNNT về con người, chị nhìn cuộc sống đa diện hơn và độc giả cũng thế. Họ không chấp nhận những ý đồ lộ thiên, công khai rao giảng, áp đặt nên tác giả phải thông qua nhân vật để bộc lộ quan điểm của mình. Vì vậy, điểm nhìn tác giả trùng với điểm nhìn nhân vật, một thủ pháp đắc địa cho nhân vật độc thoại, đối thoại hướng vào bản chất con người. Thông qua tác phẩm miệng của nhân vật thốt ra những lời mang tư tưởng của tác giả. Ngoài điểm nhìn tác giả trùng với điểm nhìn nhân vật, Ngọc Tư còn sử dụng linh hoạt sự đẩy đưa điểm nhìn.
2.2.2. Sự đẩy đưa điểm nhìn
Truyện ngắn thời kỳ đổi mới thường sử dụng thủ pháp đa điểm nhìn, thông qua sự luân phiên thay thế điểm nhìn ở người trần thuật, nên các quan điểm của nhà văn được bộc lộ rõ nét. Sự di động điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật là một cách để “khách quan hóa” hiện tượng. Đây là phương thức trần thuật kết hợp nhiều phương thức,
Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái…là những cây bút sử dụng thành công phương thức đa điểm nhìn.
Nguyễn Ngọc Tư thuộc thế hệ lớp sau, song chị được xem cây bút khá điêu luyện trong cách thể hiện nhiều điểm nhìn. Luân phiên đẩy đưa điểm nhìn, người kể chuyện sẽ trao ngôn ngữ của mình cho nhân vật để nhân vật nói về mình hoặc về người. Do chuyển lời lại cho nhân vật nên nhân vật tự do sống với những suy nghĩ, ước mơ riêng. Nhờ tính linh hoạt của điểm nhìn nên nhà văn có điều kiện để thâm nhập một cách tế nhị vào mạch tâm trạng nhân vật, để cho nhân vật tự giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. do đó độc giả có cảm giác như mình đang trực tiếp đối thoại với nhân vật, khoảng cách giữa người trần thuật và độc giả được rút ngắn. “Một người sống không quê hương, sống đầy mặc cảm, dằn vặt, sống mà đau đáu hoài chuyện cũ thì biết níu đâu bây giờ?...Dì chợt nghe lòng quạnh quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ như mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ…Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương thì đợi làm chi…Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy” [77,tr.48-49]. Ở đây, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật gần như không còn biên giới.
Khám phá “cái tôi bề sâu” là khát vọng lớn nhất của con người Hiện đại và Hậu hiện đại. Truyện ngắn thời kì đổi mới nói chung, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nói riêng quan tâm nhiều đến con người tâm trạng trong thời đại đầy bất an. Thay vì nhìn cuộc sống bằng cái nhìn khách quan hoá, chị đã nhập vai cùng nhân vật, nhìn bằng điểm nhìn nhân vật để lí giải thế giới nội tâm phức tạp của con người trong “thời đại @” – di chuyển điểm nhìn từ hướng ngoại đến hướng nội. Vì nếu không di động điểm nhìn mà cứ đứng ngoài quan sát thì thật khó để khơi tỏ lòng người. Sự tài tình của chị ở cách bố trí, dàn xếp truyện nhằm kiểm soát việc kể. Một người kể song nhân vật đứng ở nhiều điểm nhìn khác nhau và toàn quyền kể và liên tục đẩy đưa điểm nhìn. Cho nên, mượn điểm nhìn được xem là sở trường của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Mặc dù phân mảnh ra các điểm nhìn như vậy, nhưng tất cả đều chịu sự điều phối của điểm nhìn tác giả. Nhờ sự linh động trong di chuyển điểm nhìn, quan niệm của nhà văn - chủ thể sáng tạo – đã được bộc lộ phong phú và nhiều chiều hơn.