1. Thủ pháp xây dựng nhân vật
1.2. Dòng ý thức nhân vật
“Xây dựng dòng ý thức, các nhà văn cố ý vứt bỏ tính nhất quán và hoàn chỉnh của cốt truyện, không chú ý bối cảnh, ngoại cảnh, câu văn không dùng dấu chấm, dấu phẩy. Các nhà văn sáng tạo nhiều thủ pháp nghệ thuật mới như đảo ngược thời gian, thời gian đồng hiện, hòa trộn thực hư, hiện tại, quá khứ, tương lai”. [23, tr.93].
Trên thế giới, dòng ý thức có thời điểm trở thành một “xu hướng sáng tạo văn học” và đã từng có những đại diện tiêu biểu Marcel Proust – Đi tìm thời gian đã mất, Jame Joyce – Ulysses. Song, kể từ khi Hemingway vận dụng kỹ thuật dòng ý thức vào truyện
ngắn nổi tiếng Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro (1936), cho đến nay, ở truyện ngắn, sức mạnh tiềm tàng của kỹ thuật ấy ảnh hưởng vô số nhà văn trên khắp thế giới.
Đọc truyện ngắn Ngọc Tư, độc giả sẽ gặp ở đây lối trần thuật dung dị, đề tài thường chẳng có gì to tát, người kể chuyện cứ điềm nhiên (có phần tưng tửng), cái đắc địa nhất nằm ở cách xây dựng dòng ý thức nhân vật. Vì vậy, độc giả tiếp xúc với truyện có cảm giác như đang thâm nhập vào bên trong để “xem trộm” nhật ký tâm trạng của mỗi con người. Nhân vật không theo một nguyên tắc, một quy luật trước sau của thời gian hiện thực mà theo cách cảm nhận riêng. Cùng với nó, sự đồng hiện thời gian càng khắc sâu
dòng ý thức, làm cho độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về nhân vật để rồi trải lòng ra chia đôi nỗi buồn và nhân lên niềm vui cùng nhân vật. Đọc Dòng nhớ, Cuối mùa nhan sắc, Một trái tim khô, Cái nhìn khắc khoải, Vệt chim trời..v.v..chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Đi vào Cánh đồng bất tận, mọi sự kiện như bị xoá nhoà bởi dòng ý thức miên man của nhân vật Tôi. Sau sự kiện mẹ Nương theo trai, ba con người, ba tâm trạng, ông Vũ chìm đắm trong những toan tính trả thù, hai đứa trẻ bị đời bỏ rơi lâu nên quên luôn tiếng người. Tại sao lại như vậy? Phải chăng cuộc sống ngày một khốc liệt nên con người vô tình trước nỗi khổ đau của con người? Hay muốn tồn tại được trong xã hội Hậu hiện đại con người phải bài trừ đồng loại? Ba cha con sống trên một chiếc đò nan, trôi dạt khắp nơi như trôi trong đám mây mù của số phận, nhằm thể hiện một kiểu cô đơn đến bất tận. Thì ra, cuộc sống của con người Hậu hiện đại là thế: người ta dường như đang tự đánh mất mình, đánh mất tình thương yêu và đánh mất những giá trị đạo đức cao đẹp. Truyện ngắn Ngọc Tư đã cảnh tỉnh.
Nỗi buồn chiến tranh, tác phẩm để đời của Bảo Ninh, ông viết rất thành công về kỹ thuật xây dựng dòng ý thức. Nhờ vậy, người đọc cảm nhận một cách sâu sắc về Kiên và biết tường tận những hồi ức, giấc mơ và những mất mát trong tình yêu của Kiên.
Truyện ngắn Ngọc Tư hầu hết không có cốt truyện kịch tính, ly kì và những tình tiết éo le. Diện mạo nhân vật không có gì độc đáo, hành động nhân vật không làm cho ta đọc một lần nhớ mãi, cái lôi cuốn chính ở dòng ý thức nhân vật, nó có sức lan toả rất mạnh trong tác phẩm.