1. Thủ pháp xây dựng nhân vật
1.3. Nhân vật gắn bó với ngôn ngữ, không gian và văn hóa đặc trưng Nam bộ
1.3.1. Ngôn ngữ
Thật sự sẽ chưa đủ nếu khẳng định thành công của tác phẩm nghệ thuật mà không đề cập đến đóng góp của ngôn ngữ. “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học,…ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn…” [23, tr.185].
Nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không thể không đề cập đến ngôn ngữ nghệ thuật. Chị được xem bậc kì tài trong việc sử dụng tiếng địa phương, khẩu ngữ…Nhờ vận dụng linh hoạt nhiều kiểu ngôn ngữ này nên truyện ngắn của chị rất hấp dẫn và tràn đầy sức sống. Với chị dù người kể giấu mặt hay trực tiếp xuất hiện; kể chuyện về mình hay về người khác thì ta cũng phải đều công nhận rằng chị có một lối văn trần thuật trong sáng, dung dị, tự nhiên, tưng tửng và giàu sức hóm hỉnh. Có lẽ ai cũng nhận thấy rằng, phương ngữ trong truyện ngắn Ngọc Tư tạo cho mạch tâm trạng của nhân vật một nền tảng, một điểm tựa dấu ấn địa văn hoá, đó là hồn đất chất người. Thu Tứ khái quát: “Khởi đầu, trầm trồ lối viết lưu loát nhẹ nhàng như mây trôi nước chảy của các nhà văn thơ Miền Bắc. Vào Miền Trung bị cái nội dung hướng ra “ngoài” của thứ văn chương nơi xứ trọ trẹ, xứ nẫu ám ảnh, suýt quên mất khái niệm động. Tiếp tục Nam tiến, qua đất Đồng Nai của nhà văn Đồng Nai…, về “miệt vườn văn minh” bờ sông Tiền, xuống Cần Thơ gạo trắng nước trong bờ sông Hậu, xuống tận cõi U Minh, đâu đâu lời ăn tiếng nói nghe cũng mượt mà trôi chảy quá chừng, cũng lưu thuỷ hành vân “tới bến”, “sức mấy” mà nhịn “cha nội” ở bất kì miệt nào! Mà nói làm sao viết y làm vậy (tức dùng ngôn ngữ đời sống và phương ngữ - chúng tôi nhấn mạnh) (80).
Chị kế thừa và phát triển, một nổ lực lớn của tác giả để cống hiến cho độc giả những trang văn chân chất, sinh động, thật như cuộc đời. Phương ngữ nhiều tất sẽ có vướng mắc, ắt sẽ có người không hiểu hết từ phương ngữ mà tác giả sử dụng. Nhưng khi thật sự nhấn sâu vào thế giới nhân vật và ngụp lặn trong bầu không khí đặc quánh chất Nam bộ thì một vài mắc mớ về phương ngữ nó sẽ tự giải tỏa hoặc bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, để có một giọng văn chân thật, tác giả rời chuyển ngôi kể từ người kể chuyện sang nhân vật chính, cho nhân vật nói bằng ngôn ngữ cảm xúc, suy tưởng, tất cả được soi nhìn qua trường nhìn của nhân vật. Nhờ vận dụng linh hoạt, đặt phương ngữ đúng nơi, đúng
chổ đã đem lại hiệu quả to lớn và có sức hấp dẫn cũng như tạo được văn phong riêng. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến chính M.Gorki đã gọi “khẩu ngữ là máu của văn xuôi nghệ thuật”.
Ngọc Tư bày tỏ; ngôn ngữ, không khí Nam bộ đã thấm vào tôi từ môi trường sống. Bây giờ muốn gột bỏ cũng không dễ. Sở dĩ có được điều này là do chị có cách quan sát thấu đáo cuộc đời, cái nhìn của chị dù rất hiện thực nhưng vẫn không hề bi quan, đây đó vẫn cháy sáng niềm hy vọng đầy ấm áp tình người. Xét ở góc độ này ta thấy chị có dáng dấp của một nhà văn lãng mạn, điểm này tạo nên nét cá biệt. Ngôn ngữ chị dùng rất trong trẻo, lời kể mộc mạc chân thành khiến cho người đọc cảm giác nhà văn đang nói chuyện với mọi người xung quanh mình chứ không phải làm công việc sáng tạo nghệ thuật. “Chị Hai nhớ không, thím Bảy nhớ không, hồi má con Nga xáp lại với Tư Nhỏ, bụng đã mang bầu, rồi con nhỏ Nga mới lẩm chẩm biết đi, chị ta bỏ ra Chợ Cũ, Tư Nhỏ phải làm mẹ gà chắt chiu con vịt…” [77, tr.123].
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngược lại, ngôn ngữ xương xẩu, gân guốc, ngắn cụt nhưng sắc bén hàm xúc. Thông qua tác phẩm điểm mạnh và điểm yếu của nhà văn lộ thiên. Nguyên nhân, ông để cho nhân vật chưởi tục quá nhiều, khảo sát tác phẩm Trương Chi có đến mười một lần từ “cứt” xuất hiện. Chửi tục nhiều nên văn chương nặng nề, đầy vẻ cay cú, hận đời. Tuy nhiên, tài năng không thể phủ nhận của Nguyễn Huy Thiệp là ở cái đằng sau tiếng chửi đó; một tấm lòng tha thiết với khát vọng muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân phẩm con người ngày càng trong sáng hơn.
Nguyễn Ngọc Tư đã biết tận dụng thế mạnh của phương ngữ, chị khai thác “mỏ quặng” của đời nhằm biến chúng thành “đặc sản” riêng. Thông qua ngôn ngữ chị đưa người đọc bước vào thế giới QNNT về con người.
1.3.2. Không gian nghệ thuật
“Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ
tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học [23, tr.135].
Văn phong Nguyễn Ngọc Tư thiên vào lối phân tích cặn kẽ các trạng thái tâm lý, tâm trạng của nhân vật. Vì vậy, các nhân vật chìm trong dòng chảy ý thức (đã bàn ở phần: Dòng ý thức nhân vật). Cho nên, không gian chiếm ưu thế trong truyện là không gian tâm lý, tâm tưởng nhưng không gian vật lý lại không thể vắng mặt. Như vậy, cả hai không gian ấy có tính chất hộ trợ đắc lực cho nhau.
Ở đây, không gian vật lý có sự đối lập; những ngôi nhà nhỏ nhoi, nhàu nát đối lập với hệ thống kênh, rạch, sông, ngòi và những cánh đồng mênh mông, nó khiến cho con người càng trở nên cô đơn dữ dội hơn bao giờ hết. Ghe vừa phương tiện kiếm sống vừa tổ ấm gia đình. “Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa để xoay lưng, để nằm co, để cúi người…mà cũng dài rộng vô phương bởi cuốc sống rày đây mai đó...” [78, tr.112]. Không gian lưu lạc kéo theo những mảnh đời, những số phận, những kỷ niệm…đồng hiện, đứt nối làm cho thời gian “nhoè” đi tính biên niên nên không khí truyện bị kéo căng ra, ngột ngạt, bức bối. Điều đó làm cho sự ý thức về thân phận con người giằng xé hơn, day dứt và đau đớn hơn. Nhân vật hiện lên thoáng chốc nhưng động lại trong tâm trí người đọc vấn đề nhân sinh nhức nhối. Không gian ở đây giãn nở từ hẹp đến
rộng; từ đóng đến mở. Cho nên, dòng sông, cánh đồng không chỉ là đất đai màu mỡ mà còn mang số phận của những kiếp người đau đớn, hoang hoải vô biên giới song hành cùng không gian, thời gian và cuộc đời. Dòng sông, cánh đồng cưu mang nuôi sống họ nhưng đồng thời cướp đi đứa con yêu (Dòng nhớ), cướp đi người mẹ (Nhớ sông). Và Cánh đồng bất tận, ba con người sống như đang đày đoạ ở địa ngục trần gian, họ không có nhà để về, “không có cục đất chọi chim”. Hình ảnh người cha hiện lên như “con quỷ dữ” của đất mũi Cà Mau, khiến cho hai đứa con kinh hãi và khiếp sợ, chúng không có một giấc mơ đẹp, ngay vừa khi nhắm mắt những gì đau buồn nhất về cha về má hiện lên. Vì vậy, chúng từ chối cả những giấc mơ, sống một cuộc đời nhạt nhẻo, đắng cay. Những cánh đồng, con sông đã đưa đẩy ba con người rày đây mai đó và dán tiếp quy định “nghề nuôi vịt chạy đồng”, nghề phổ biến trong truyện ngắn Ngọc Tư.
Như đã nói, tạo dựng không vật lý không phải cứu cánh nghệ thuật của nhà văn mà không gianhiện thực giúp khơi gợi tâm tư của nhân vật. Vì cái tất nhiên, yếu tố ngoại cảnh tác động mạnh đến tâm hồn, nhằm đánh thức miền bí ẩn bên trong của con người. Cánh đồng bất tận, mở ra trước mắt người đọc một thế giới đau đớn đến tột cùng, yêu thương đến tột cùng và cái giá phải trả cũng tột cùng bi đát. Tác phẩm mở đầu bằng một không gian hiện thực “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi nầy. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô công như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn…” [78, tr.155]. Những “cánh đồng rộng” ấy dự báo những cuộc hành trình vất vã, đớn đau của những kiếp con người. Hai đứa trẻ chứng nhân chứng kiến cuộc trả thù tàn khốc của cha, chúng sao quên ảnh hình “Cha ghé một chợ nhỏ…biểu chị lên mua một ít củ cải muối đem theo… cha cười… nó vừa dữ dội, vừa đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài riết lấy khuôn mặt cha làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước” [78, tr.186]. Nếu mở đầu tác phẩm là cánh đồng bất tận thì ở cuối tác phẩm “Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặt chát, những cánh đồng vắng bóng người và…giờ đang vất vả kiếp sống ở thị thành” [78, tr.208]. Dòng sông, cánh đồng thì thanh thang bất tận nhưng con người không thể bất tận trong mù chữ, nghèo, đói và hận thù. Cánh đồng cuộc đời sẽ tốt đẹp và thăng hoa nhờ tình yêu thương của mỗi con người lây lan trãi dài trong cuộc sống.
Không gian nghệ thuật là hình thức hiện hữu của con người đồng thời vừa là ký hiệu nghệ thuật thuộc về thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ, nó bộc lộ thế giới quan của nhà văn về thế giới con người.
1.3.3. Văn hóa
Tiếp cận văn hoá như nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương. Truyện ngắn sau 1975 chịu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ đời sống, nên bộc lộ khá rõ đặc trưng văn hóa vùng miền. Phương ngữ được sử dụng có chủ ý chứ không chỉ đơn thuần do chất giọng “bản địa” của nhà văn. Tác phẩm không chỉ hướng con người đến bến bờ chân - thiện - mỹ mà còn chuyên chở những giá trị văn hoá nằm sâu dưới lớp ngôn từ và lặn vào bản thể con người. Những nếp nhà cổ Hà Nội, những hương vị Bắc kì nỗi lên trong truyện Y Ban,
Tạ Duy Anh. Nét duyên dáng cổ xưa của thiên nhiên, con người và những lời dạ, thưa xứ Huế được thể hiện ở nhiều tác phẩm: Quỷ trong trăng, Khói trên sông Hương của Trần Thuỳ Mai, Mưa sáng đầy trời của Hồng Nhu…Song, thể hiện đậm đặc chất giọng “bản địa” và tạo thành một dòng văn học vùng miền chỉ có thể kể đến mảng truyện ngắn Nam bộ. Trong dòng truyện ngắn phương Nam ấy, Ngọc Tư được xem gương mặt sáng giá nhất, nhịp đập trong trang văn chị là vẻ đẹp bình dị của vùng sông nước Cửu Long qua những bờ kênh, con rạch, cù lao, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, những kiếp người sống đời du mục, nuôi vịt chạy đồng hoặc theo gánh hát cũng thể hiện nét văn hóa Nam bộ. Chị vừa thể hiện ấn tượng riêng về văn hóa vùng, vừa có cách thể hiện độc đáo QNNT về con người.
Nếu chấp nhận mọi sự so sánh đều khập khiểng thì hẳn độc giả yêu văn sẽ không thấy xa lạ với cái tên Cao Hành Kiện (Trung Quốc), ông đã dành được giải thưởng Noben văn học với kiệt tác Linh sơn. Tác phẩm đề cập đến những cuộc du hành vào các vùng đất sơn cùng thủy tận, phía Nam và Tây Nam Trung Quốc. Nhân vật chính hành hương tìm về nguồn cội, chỉ có điều đọc Linh sơn chúng ta hiểu rõ nguồn gốc văn hóa và văn vật của đất nước Trung Quốc. Còn ở truyện ngắn Ngọc Tư lại hiện rõ lên văn hóa đặc trưng riêng miền Nam bộ. Chất văn hoá thể hiện ở trang phục: chiếc áo bà ba, khăn rằn, sinh hoạt cộng đồng cũng chính nơi bộc lộ phẩm chất người dân: như hát cải lương,… Điều đó biểu hiện nét văn hoá độc đáo, ngoài ra đất đai hào sảng, thiên nhiên phong phú dồi dào ảnh hưởng cực lớn đến tính cách con người.
Ngọc Tư đã gắn đời mình với nghiệp văn - nghề báo, lặng lẽ đi tìm những giá trị tinh thần dân tộc Việt còn nương náo ở mỗi vùng quê. Trong khi các nhà văn khác đang tất bật hối hả để theo cho kịp cuộc sống thời công nghiệp, chị lặn lội tìm về cội nguồn văn hoá – hành trình đáng trân trọng của người nghệ sĩ.