II. Quan hệ tài sản giữa cha, mẹ và con
c. Người có nghĩa vụ
Ảnh hưởng của mối quan hệ giữa cha và mẹ. Người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con tất nhiên là cha mẹ. Sự việc có vẻđơn giản; nhưng, trên thực tế, chỉ đơn giản trong trường hợp cha mẹ và con cùng sống chung dưới một mái nhà và cha mẹ có đăng ký kết hôn. Có thể hình dung các trường hợp sau đây.
- Trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn và sống chung. Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con thuộc loại nghĩa vụ xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Bởi vậy, trong những hoàn cảnh, điều kiện được dự kiến tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 25, cha mẹ có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ đó, trong quan hệ với người thứ ba. Việc đóng góp của vợ chồng được thực hiện theo các quy định chung vềđóng góp vào việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn nhưng sống riêng. Dù sống riêng, cha mẹ vẫn phải liên đới thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, trong quan hệ với người thừ ba, một khi các giao dịch trong khuôn khổ thực hiện nghĩa vụ đó đã được một trong hai người xác lập.
- Trường hợp cha mẹ không có đăng ký kết hôn và sống riêng. Trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn và sống riêng, thì mỗi người vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, nhưng giữa hai người không thể có tình trạng liên đới về trách nhiệm đối với các giao dịch do một trong hai người xác lập nhằm thực hiện nghĩa vụ đó. Trong quan hệ nội bộ giữa cha và mẹ, việc xác định mức đóng góp của mỗi người trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con có thểđược thực hiện theo thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con có thể yêu cầu Toà án buộc người còn lại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Trường hợp cha mẹ không có đăng ký kết hôn và sống chung. Trên nguyên tắc, nếu cha mẹ không đăng ký kết hôn, thì không được coi là vợ chồng và do đó, không thể bị ràng buộc vào tình trạng liên đới về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con bằng cách áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 25. Tuy nhiên, vấn đề là: khi cùng với cha hoặc mẹ xác lập một giao dịch liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con, người thứ ba hầu như không có quyền yêu cầu cha mẹ xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn43. Một cách hợp lý, ta nói rằng người thứ ba ngay tình có quyền coi như là vợ chồng hợp pháp cha mẹ chung sống không đăng ký kết hôn mà có con sống chung với mình và có quyền yêu cầu cha hoặc mẹ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con, như một người có nghĩa vụ liên đới.