2001 2002 2003 2004 2005 2006 Cơ cấu GDP (giá hiện hành)100.0 100.0 100.0 100.0 100.0 100
2.5.2 Những tồn tại, hạn chế của cơ cấu đầu tư 1 Cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lí
2.5.2.1 Cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lí
* Khả năng đáp ứng các nguồn vốn thấp.
Với các số liệu trên đây, có thể thấy rằng trong thời gian qua, chúng ta đã thu hút được một khối lượng vốn lớn vào nền kinh tế. Điều này là vô cùng cần thiết trong quá trình ta đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, khả năng đáp ứng các nguồn vốn của chúng ta vẫn còn thấp đặc biệt có thể thấy rõ nhất trong một số ngành, một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế…hay việc đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng chậm phát triển chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn do số lượng vốn thì có hạn, lại phải chú trọng đầu tư cho các vùng trọng điểm, các mục tiêu kinh tế quan trọng. Nhiều công trình, nhiều dự án đang thi công phải nằm chờ vì thiếu vốn. Có một thực tế đang diễn ra là ngân sách của Nhà nước và nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có giới hạn. Các nhà phân tích ước tính "lỗ hổng tài chính" cho đầu tư cơ sở hạ tầng vào khoảng 2.5 tỷ USD một năm. Lỗ hổng này có thể được giải quyết phần nào nếu khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng cũng như các
dịch vụ liên quan. Trong khi đó, một tình hình chung diễn ra phổ biến hiện nay là sự thiếu kinh nghiệm thực tế và thiếu quy định của Nhà nước điều chỉnh việc đầu tư tư nhân tham gia vào dịch vụ cơ sở hạ tầng. Hay trong lĩnh vực công nghiệp, tổng nhu cầu vốn cho công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng nhu cầu xã hội. Trong khi đó, số vốn huy động từ ngân sách chỉ chiếm 7% và phần còn lại phải do doanh nghiệp tự tìm kiếm. Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, năm 2008 cần phải huy động vốn cho đầu tư phát triển khoảng 554000 tỷ đồng, tăng 19.6% so với ước thực hiện năm 2007 và bằng 41.5% GDP. Trong khi ngân sách chỉ có khả năng đáp ứng 17.5% tổng nguồn vốn thì "gánh nặng" đầu tư sẽ được trông chờ từ các nguồn khác, nguồn vốn từ tư nhân, dân cư và của nước ngoài.
* Chính sách huy động các nguồn vốn thiếu đồng bộ chưa mang tính khuyến khích, hấp dẫn cao, thiếu tính năng động sáng tạo.
Mặc dù, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhiều kêu gọi đối với các nguồn đầu tư ở khu vực dân cư, tư nhân. Tuy vậy, điều đó dường như là chưa đủ. Tỷ lệ cơ cấu đầu tư của khu vực này vẫn còn hạn chế so với khu vực có vốn đầu tư của Nhà nước .Thực tiễn thế giới và Việt Nam trong những năm đổi mới đã cho thấy sức sống kỳ diệu của khu vực kinh tế tư nhân. Sau bao nhiêu năm bị kỳ thị, bị coi là đối tượng cải tạo nhằm xoá bỏ khu vực này trong mô hình kế hoạch hoá tập trung, nhưng chỉ cần Nhà nước có chủ trương chấp nhận sự tồn tại của nó thì khu vực này sẽ huy động được nguồn lực rất lớn từ dân, góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, do ảnh hưởng của quá trình lịch sử, khu vực này ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh yếu. Việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chính phủ vẫn là rất khó khăn với các doanh nghiệp tư nhân. Việc đầu tư vào khu vực kinh tế Nhà nước đã lấn át khu vực tư nhân. Đó là chưa kể một khối lượng vốn, tài sản cố định lớn và đất đai… thì khu vực Nhà nước vẫn có ưu thế hơn.
Nghiên cứu của ADB cho thấy, vốn tư nhân hiện đang tham gia rất khiêm tốn vào cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. 12 năm qua, chỉ có 18 hợp đồng Xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) hoặc hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) được VN thực hiện với các đối tác tư nhân nước ngoài, chiếm khoảng 15% tổng số vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hầu hết đều tập trung vào lĩnh vực năng lượng hoặc viễn thông. Cũng theo ADB, lý do của sự thiếu vắng này là Chính phủ có thái độ không nhất quán về đầu tư tư nhân và kỳ vọng không thực tế vào hiệu quả khu vực kinh tế này mang lại. Cụ thể như việc sử dụng bảo lãnh của Chính phủ không rõ ràng, trong nhiều lĩnh
vực thời hạn chuyển giao các dự án BOT không được xác định, vai trò tương quan còn chênh nhau giữa luật pháp VN và quốc tế khi giải quyết tranh chấp... Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân đầu tư hạ tầng cơ sở, VN phải tạo ra các dự án thí điểm để rút kinh nghiệm, đa dạng hơn các hình thức quan hệ đối tác công cộng - tư nhân (PPP), thay vì chỉ có các hình thức dự án BOT hoặc BCC như hiện nay.
Hay như tình trạng giải ngân rất chậm chạp nguồn vốn ODA hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong các nguyên nhân đó cũng là do các chính sách huy động vốn ở nước ta còn nhiều bất cập, thiếu tính năng động, sáng tạo.Các văn bản pháp quy hiện hành của Việt Nam về quản lý đầu tư, xây dựng và đấu thầu, quản lý và sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều quy định chưa nhất quán, mấu thuẫn với nhau. Quy trình, thủ tục của nhà tài trợ và Việt Nam còn thiếu hài hoà, gây trở ngại cho các đơn vị thực hiện. Quá trình thực hiện và chuẩn bị dự án còn rất chậm, cùng với đó là năng lực quản lý, thực hiện dự án của ta có nhiều yếu kém, nhất là cấp địa phương. * Năng lực các cấp bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.
Trong khi, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn rất hạn hẹp, lại bị co kéo bởi nhiều nhu cầu cấp bách, nên có nhiều hạn chế trong việc bố trí cơ cấu đầu tư, chuyển đổi cơ cấu đầu tư. Các Bộ, các địa phương chưa quan tâm đến việc tạo thêm các nguồn vốn khác để cải thiện cơ cấu đầu tư, còn trông chờ, ỷ lại nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, theo ước tính của ngành Y tế, trong giai đoạn 2008 - 2010 nhu cầu vốn đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế tuyến địa phương trên cả nước là hơn 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn ngân sách Trung ương phải đảm nhận tới 60-70%, song việc huy động 30% vốn còn lại từ ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2007 vừa qua, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương là 6.020 tỷ đồng nhưng tỷ trọng đầu tư của 16/64 tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 5% (4-5 tỷ đồng) tổng chi ngân sách địa phương, hầu hết những tỉnh, thành phố còn lại chỉ đáp ứng 15-20 tỷ đồng vốn dành cho cả hệ thống y tế. Có thể thấy tâm lý trông chờ, ỷ lại, chờ Nhà nước cấp rót vốn vẫn là tâm lý hiện hữu ở nhiều địa phương hiện nay.
2.5.1.2 Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư chưa cao, còn dàn trải, lãng phí và thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn ngân sách Nhà Nước.
Trong nhiều năm qua, chỉ số ICOR (hệ số hiệu quả vốn đầu tư phát triển toàn xã hội) được tính bằng cách chia vốn đầu tư phát triển trong năm cho lượng GDP tăng lên so với năm trước tính bằng giá thực tế ở nước ta rất cao:
Giai đoạn 1990 – 2000 là 4,1; giai đoạn 2001 – 2005 là 5. Có thể lý giải thực trạng này ở 2 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, những năm đầu thập kỷ 90, ngoài yếu tố vốn đầu tư còn có yếu tố đổi mới cơ chế thúc đẩy tăng năng suất lao động làm cho tăng trưởng kinh tế đòi hỏi một lượng vốn đầu tư ít hơn. Đến nay các yếu tố đổi mới về cơ chế đã được khai thác ở mức cao nên để tăng trưởng kinh tế phải đầu tư vốn nhiều hơn.
Thứ hai, do hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn đầu tư còn thấp xảy ra từ Trung ương đến địa phương, ở các bộ, ngành, các DNNN, trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư với các biểu hiện sau:
Trước hết ở chất lượng quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa gắn kết chặt chẽ quy hoạch phát triển ngành với vùng, địa phương. Quy hoạch không sát thực tế, chồng chéo, thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa chú trọng thỏa đáng yếu tố môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch ngành không ăn khớp, chồng chéo với quy hoạch vùng, địa phương, nhiều nơi không có quy hoạch vẫn quyết định đầu tư dự án. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương thì tràn lan, thiếu cân đối; Các bộ, ngành không có sự phối hợp trong quy hoạch tổng thể, thực hiện các dự án chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường. Quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu du lịch, hệ thống bệnh viện… còn nhiều bất cập.
Đầu tư dàn trải, tiến độ thi công hầu hết các dự án đều chậm trễ, kéo dài, quản lý đất đai kém, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, công trình dở dang làm cho vốn đầu tư bị “chôn” nhiều, chậm thu hồi trong khi lãi suất tiền vay chồng tiếp lên vốn vay. Số dự án tăng nhanh hàng năm không tương xứng với tốc độ tăng trưởng của vốn đầu tư. Nhiều dự án không đủ thủ tục cũng được ghi vốn hoặc ngược lại không có vốn cũng triển khai, dẫn đến tình trạng nhiều công trình kéo dài do thiếu vốn. Ở nhiều địa phương, số vốn bố trí cho các dự án nhỏ, không đủ và không khớp giữa kế hoạch đầu tư và kế hoạch vốn. Hàng nghìn dự án phải chi bổ sung từ 300 – 500 triệu đồng. Chưa kể, trong 5 năm (2001–2005) có tới 2095 dự án thiếu thủ tục đầu tư vẫn quyết định thực hiện, có 61% đến 70.6% dự án do chậm ứng vốn và năng lực tài chính của nhà thầu hạn chế nên công trình đầu tư dở dang, chậm đưa vào sản xuất, gây lãng phí rất lớn.
Việc phân bổ vốn còn mang nặng tính bao cấp, ưu đãi, tràn lan dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào, đầu tư tự phát. Hoạt động đầu tư tại các tỉnh thành không tính toán kỹ giữa nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ mà bài học từ các nhà máy mía trong thời gian qua đường là ví dụ cụ thể. Đầu tư vào “vỏ” là nhà cửa, văn phòng nhiều hơn là đầu tư vào “ruột” là
thiết bị công nghệ. Kết quả, giá trị khấu hao cao nhưng giá trị tài sản lại nhỏ nói cách khác bị lỗ trước khi đưa vào sản xuất kinh doanh.
Tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh tại các bộ, các ngành, các địa phương chưa rõ ràng, rành mạch. Như vậy sẽ tạo rào cản đối với các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư, hạn chế tính minh bạch và công khai trong hoạt động đầu tư. Từ đó nẩy sinh tiêu cực và là nguồn gốc phát sinh thất thoát và lãng phí trong đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.
Tình trạng thất thoát vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong thời gian qua là hết sức phổ biến và nghiêm trọng. Đánh giá của Bộ KH & ĐT, hàng năm con số thất thoát trong đầu tư tính chung lên đến 30% tổng số vốn đầu tư, cá biệt có những nơi lượng vốn bị thất thoát nên đến 50%. Điều này cũng có thể thấy qua chỉ số ICOR. Nếu hệ số ICOR của toàn xã hội là 5 thì hệ số này ở khu vực Nhà nước là 7.3. Nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng tham nhũng diễn ra trầm trọng tại khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là những nơi nguồn vốn Nhà nước bao cấp và quản lý lỏng lẻo mà vụ PMU18 vừa qua là một điển hình. Ngoài ra, cho đến nay, các chính sách của Nhà nước trong việc quản lý hoạt động đầu tư còn lỏng lẻo. Chúng ta chưa có một chế tài quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt, quản lý các hoạt động đầu tư dẫn đến việc đưa ra các quyết định sai, thất thoát tới hàng chục tỷ đồng mà không quy được trách nhiệm cho ai. Các văn bản đưa ra còn rất chung chung, chưa cụ thể do đó việc quản lý đồng vốn khó đạt hiệu quả được.