CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU ĐẦU TƯ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3.2.2.1 Giải pháp điều chỉnh mạnh cơ cấu theo ngành
Sở dĩ chúng ta chưa thể chuyển dịch nhanh cơ cấu theo ngành và vùng vì chúng ta đã phát triển quá tràn lan mà không chọn lựa theo lợi thế so sánh tốt nhất. Theo David Ricardo, lợi thế so sánh của 1 đất nước là ở ngành, lĩnh vực mà nước đó sản xuất tốt nhất. Dường như nhiều khi trong khi chọn ngành, lĩnh vực, chúng ta đã vi phạm nguyên tắc ấy, chúng ta có thể sản xuất rất nhiều thứ, có khả năng trong nhiều lĩnh vực và phát triển một cách tràn lan khiến chúng ta thất bại trong khâu tiêu thụ. Vì vậy nhà nước cần xác định một hướng đi phù hợp dựa trên lợi thế cạnh tranh, nguồn lực nội tại của nền kinh tế, thị trường và tài nguyên. Những ngành nên được đầu tư mở rộng là những ngành có lợi thế về tăng năng suất, ít rủi ro và tạo ra nhiều giá trị mới, tạo ra nhiều tích luỹ cho xã hội. Cụ thể trong các ngành cần phát triển như sau
Công nghiệp-xây dựng : Phải ưu tiên cho các ngành và các lĩnh vực mũi nhọn, đó là điện; viễn thông; chế tạo vật liệu; công nghệ thông tin; may mặc và thủy sản. Trước tiên phải hình thành và hoàn thiện các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng phải nhấn mạnh rằng, các khu công nghiệp này nên cố gắng hết sức để đặt ở những vùng đất xấu, dành phần đất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng vốn dành cho ngành công nghiệp mũi nhọn cần phải tăng thêm, như vậy mới đủ phát triển ngành và tạo ra một thị trường về lĩnh vực công nghiệp có tính cạnh tranh quyết liệt.
- Các ngành công nghệ cao, cơ khí, công nghiệp nặng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước lại dành cho kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển văn hoá, giáo dục. Nguồn vốn trong nước lại ở trong tình trạng thiếu và yếu. Những ngành kể trên lại không hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài do quay vòng vốn chậm, đòi hỏi vốn lớn. Do vậy chính sách thu hút vốn vẫn là giải pháp hàng đầu mà chúng ta vẫn thường phải nhắc tới. Hơn thế nữa, vốn dân cư là nguồn vốn khá lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết khả năng của mình. Trong ngành công nghiệp nặng, tạo môi trường đầu tư lâu dài, ổn định, để thu hút FDI nhiều hơn. Nguồn vốn nước ngoài cũng sẽ giải quyết cho vấn đề công nghệ lạc hậu và máy móc cũ kỹ của chúng ta.Trong thời gian tơi sẽ có những sự thay đổi trong các dự án FDI, đó là sự xuất hiện những nước Trung Đông như các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Oman, do vậy sự lo lắng về FDI trong công nghiệp nặng là không cần thiết. Việc
chúng ta cần làm sớm là cải tổ lại một số ngành công nghiệp quan trọng của chúng ta, nếu có lợi thế tuyệt đối về mặt hàng nào thì cũng phải đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như mía đường, muối, ximăng…
- Ngành chế biến thuỷ sản: Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên, nguồn lao động rẻ, nguồn vốn đầu tư lại không lớn. Điều cần nên làm ngay lúc này là đầu tư theo chiều rộng các mô hình chế biến hàng thuỷ sản, phục vụ mục tiêu xuất khẩu, cùng với đó, bộ thuỷ sản phải tăng cường công tác dự báo thị trường quốc tế hàng nông sản, ban hành các chuẩn mực chất lượng nghiêm khắc cho từng loại mặt hàng. Chúng ta cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho hàng thuỷ sản, có như vậy giá trị gia tăng do ngành này tạo ra sẽ là rất lớn.
- Ngành dệt may: Đặc thù của ngành này là cần nhiều nhân công, khâu việc làm sẽ được giải quyết đáng kể nếu các các doanh nghiệp về dệt may được nhân rộng hơn nữa. Trung Quốc cũng khá giống Việt Nam ở nhiều điểm, nhưng giá cả của họ rẻ hơn của chúng ta rất nhiều. Hàng dệt may của họ có lợi thế do họ trồng sẵn được bông, và tự sản xuất hoá chất nhuộm cho mình. Chúng ta không thể bắt chước họ, trồng bông để phục vụ tốt hơn cho ngành dệt may, vì đơn giản, trồng bông không có lợi thế hơn các loại cây khác, nhưng việc sản xuất hoá chất nhuộm, các loại vải nilon, nhân tạo là hoàn toàn có thể. Đó tạm thời là những nguyên nhân chủ quan, còn nguyên nhân khách quan như việc hàng dệt may Trung Quốc bị cắt giảm ở Hoa Kỳ, chúng ta cần tận dụng càng nhanh càng tốt.
* Ngành dịch vụ:
Bốn ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh là ngân hàng-tài chính; du lịch; bưu chính viễn thông và vận tải dịch vụ kho cảng biển. Khi hội nhập quốc tế, mà nguyên tắc đầu tiên là bình đẳng, do vậy chúng ta cần tập trung đột phá phát triển ngành dịch vụ để theo kịp trình độ của khu vực và thế giới.
Nhà nước kiểm soát chặt chẽ độc quyền và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trên thị trường dịch vụ. Đẩy nhanh xã hội hoá các hoạt động dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả các thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đẩy tranh tốc độ và quy mô.
- Đầu tư lớn cho các ngành dịch vụ có năng lực cạnh tranh cao như ngân hàng; tài chính; chứng khoán; bảo hiểm. Đầu tư phát triển các sản phẩm tài chính, định chế tài chính. Đây là những ngành có giá trị gia tăng rất lớn, vì vậy có nhiều nhà đầu tư nước ngoài để mắt tới là điều dễ hiểu. Chúng ta nên mạnh dạn hơn trong khung luật, bớt đi các rào cản để nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh hơn vào khu vực này. Có thể đây là vấn đề nhạy cảm đối với
một nước XHCN như Việt Nam, để khắc phục điều đó mà vẫn đảm bảo cho tăng trưởng nhanh, trước hêt các doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng trong nước phải cố gắng vươn lên rất nhiều. Có thêm sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này thì doanh nghiêp Việt Nam càng có sự tiếp thu kinh nghiệm, càng phải làm việc chuyên nghiệp hơn. Dù sao lợi thế sân nhà, am hiểu dân mình, cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn, và chúng ta có quyền được tin tưởng. Khuyến khích người dân sử dụng hệ thống tài khoản, thẻ trong tiêu dùng, và thanh toán, giảm thiểu việc tiêu dùng bằng tiền mặt.
- Đối với ngành du lịch, cần chú trọng ưư tiên phát triển khu vực sinh thái, văn hoá, đồng thời tăng cường hợp tác liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương thể hiện tính liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhằm tạo dựng thương hiệu du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch.
- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông và giải pháp chăm sóc khách hàng. Trong đó bao gồm nâng cao chất lượng, giảm giá cước dịch vụ bưu chính viễn thông phù hợp với lộ trình hội nhập. Ngoài ra ngành bưu chính-viễn thông cần tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.
- Với dịch vụ thương mại, trung tâm là thị trường trong nước, để phát triển mạnh hơn, chúng ta phải phát triển giao thông vận tải trước, các kho bãi, cảng phải đáp ứng cho nhu cầu luân chuyển hàng hoá. Việc nâng cao hệ thống các siêu thị bán lẻ hiện đại, các trung tâm thương mại, các hội chợ trong nước cũng phải được đẩy nhanh tiến độ. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hội chợ quốc tế để học hỏi, nâng cao tầm nhìn về văn hoá doanh nghiệp.
- Một khu vực dịch vụ nữa là dịch vụ công cộng. Dịch vụ này liên quan đến trực tiếp đời sống của nhân dân và là yếu tố quan trọng để ổn định xã hội. Việc chuyển đổi phương thức cung ứng dịch vụ này cần phải đồng bộ, có lộ trình cụ thể. Như đã nói ở trên, nguồn vốn của chúng ta rất hạn chế, do vậy không thể tham lam đầu tư cho tất cả mọi thứ, mặc dù tất cả đều quan trọng
* Ngành nông nghiệp
Để khắc phục những hạn chế trong đầu tư nông nghiệp, trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta có những giải pháp trước mắt như sau:
- Nâng cao năng lực quản lý của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cấp cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ cũng nên quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, phần lớn các dự án đầu tư
cho hiện đại hoá nông nghiệp đều diễn ra rất chậm chạp và không một nơi nào trên cả nước đạt được chỉ tiêu về công nghiệp hoá nông nghiệp-nông thôn,hệ quả này cũng là do sự thiếu quan tâm của các ban ngành và địa phương tới nông nghiệp, nông thôn.
- Trước hết, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thuỷ lợi, máy móc cho khu vực nông nghiệp.Việc này phải thực hiện mạnh mẽ, sau đó là hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất chất lượng cao về lương thực, nông sản, vật nuôi có đủ điều kiện xuất khẩu.
- Tập quán sản xuất nông nghiệp của nông dân còn lạc hậu, để đầu tư hiệu quả hơn, phải thay đổi cách làm nông của họ. Chúng ta cần đầu tư vùng trồng lúa lớn, khắc phục tình trạng ruộng đất mạnh mún. Và vùng trồng trọt lớn còn dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như phân bón hay máy cơ giới.
- Như chúng ta đã chứng kiến, trong năm 2007, và sẽ tiếp tục trong năm 2008, giá lương thực thực phẩm tăng cao chưa từng thâý. Điều này sẽ làm chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp mạnh, mà không phải do tác động của chính sách vĩ mô nào. Bộ nông nghiệp cần làm tốt công tác dự báo cung cầu thị trường, cũng như chính sách hỗ trợ nông dân khi giá thay đổi hay do ảnh hưởng nặng nề của thời tiết.
- Chuyển bớt lao động ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ. Điều đó phải có hỗ trợ liên ngành trong việc đào tạo của ngành công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời phát triển các làng nghề thủ công ở nông thôn, tranh thủ thời kỳ nông nhàn để sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ, thủ công, tạo ra giá trị cao và xuất khẩu.
- Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp, chú trọng về chất lượng, các yêu cầu về chất lượng cũng phải để người nông dân nắm rõ, có như vậy sản xuất mới hiệu quả và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.Các quy định về chất lượng phải trở nên phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.
- Tiếp tục thu hút FDI trong ngành nông nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hút FDI đạt hiệu quả thấp, trong đó nguyên nhân chính là ngành NN&PTNT còn thiếu năng lực quản lý, thiếu cung cấp các dịch vụ thông tin cần thiết cho những đối tác đầu tư và thương mại của ngành. Bên cạnh đó, tính rủi ro của các dự án FDI nông nghiệp rất lớn, do phụ thuộc vào thiên nhiên của từng khu vực nông thôn và cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, kỹ năng lao động thấp. Ngoài ra, việc triển khai các thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế và chính sách. Giải pháp trước tiên là tháo gỡ những hạn chế trên. Ngành nông nghiệp cần có đề xuất các dự án FDI của từng ngành, nêu rõ những ưu đãi, hỗ trợ, đồng thời có cơ quan
chuyên theo dõi, và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện và xúc tiến đầu tư FDI. Bên cạnh các lĩnh vực thu hồi vốn nhanh như sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, giống cây trồng và vật nuôi, FDI nên phát triển cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, trồng chế biến các loại rau, quả xuất khẩu bằng công nghệ kỹ thuật cao để mặt hàng nông sản Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, là một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
Hy vọng trọng thời gian tới với sự hỗ trợ của một hệ thống cơ chế chính sách về khuyến khích FDI bao gồm các chính sách về ưu đãi vốn và tín dụng, đất đai, phát triển thị trường, hạ tầng và nguồn nhân lực…ổn định và hoàn thiện hơn. Ngành NN&PTNT cũng sẽ phát triển hệ thống quản lý và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp…hướng tới mục tiêu đến năm 2010, ngành nông nghiệp có thể huy động 1,5 tỷ USD vốn thực hiện FDI. Đây cũng có thể coi là chìa khoá để giải đáp cho bài toán cơ cấu đầu tư của ngành nông nghiệp.