7. Cấu trúc của luận văn
3.2.4. Tập quán trong chu kỳ vòng đời
Sinh đẻ
Phụ nữ Lô Lô khi mang thai, gia đình thường tạo điều kiện cho họ ít phải lao động nặng nhọc, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sính sản, nhưng bà mẹ tương lai đó lại phải kiêng ăn những thức ăn bổ dưỡng, sợ bào thai to thì khó đẻ. Tục lệ Lô Lô, sản phụ ngồi đẻ trên một cái chiếu trong buồng của mình. Bà đỡ có thể là chị, em gái hoặc một bà già trong làng. Rốn rau được cắt bằng dao, kéo và buộc bằng sợi vải bông. Ở nhóm Lô Lô Hoa phải chờ sau lễ đặt tên cho đứa bé mới được mang rau thai đi chôn.
Bé trai 5 ngày, bé gái 3 ngày sau khi đẻ thì làm lễ đặt tên. Lễ đặt tên cho trẻ được tiến hành đơn giản, nhưng rất vui bằng việc mổ gà cúng trình tổ tiên và mời họ hành, người thân đến dự. Trong lễ này, người già đến chung vui buộc chỉ cổ tay cho trẻ sơ sinh với ý nghĩa cho tuổi cháu bé và thầy cúng buộc vía cháu bé khỏi đi lang thang, cầu cho mau lớn và khỏe mạnh.
Việc chôn rau thai khá cầu kỳ, người Lô Lô Hoa cho rau thai vào ống tre, nứa hay thùng gỗ đậy kín rồi mang vào rừng dấu trong hốc đá nơi khô ráo, không có nước mưa. Họ sợ chôn rau thai ở nơi có nước thì khi lớn lên tai cháu sẽ bị điếc. Ở nhóm người Lô Lô Đen Lũng Cú thì khi đẻ xong rau thai được gói vào lá và đem ra chôn ở góc vườn. Có điều hố chôn rau phải đào sâu, để rau thai vào hố và đậy hòn đá lên rồi mới lấp đất. Với quan niệm nêu để đất rơi vào rau, sau đứa bé sẽ bị đau mắt.
Sau khi sinh nở ít nhất là 10 ngày và thường là một tháng sản phụ không được đi qua bàn thờ tổ tiên, cửa chính sợ ô uế ma nhà sẽ quở trách, có nơi kiêng cả vợ chồng không được đến nhà ai sợ nhà họ bị xúi quẩy. Phụ nữ sau khi sinh nở được miễn việc nặng, tháng đầu kiêng không ăn rau xanh. Do vùng cao núi đá, lúa ít ngô nhiều, nên phụ nữ khi sinh nở chỉ được ăn cơm tháng đầu còn những tháng sau cũng phải ăn bột ngô đồ như những thành viên khác trong gia đình.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 57 http://www.lrc-tnu.edu.vn/
Cưới xin
Xưa kia nam nữ Lô Lô ít được tự do tìm hiểu, việc xây dựng gia đình thường do cha mẹ sắp đặt, tuổi kết hôn của họ cũng rất sớm, khoảng 13 – 14 tuổi. Nhiều khi việc dạm hỏi còn bắt đầu sớm hơn nữa và hôn nhân con cô, con cậu trở thành khá phổ biến. Ông cậu mới sinh con gái, bà cô đến thăm mang cho vuông vải để mừng cô cháu gái mới ra đời và cũng là “miếng trầu bỏ ngõ”, nếu gia đình cháu gái đồng ý, thì đánh dấu từ đó cô cháu bé bỏng sẽ trở thành nàng dâu tương lai của bà cô. Con trai cô lấy con gái cậu thì đồ thách cưới được giảm nhiều so với lấy vợ là người ngoài.
Ngày nay, nam nữ Lô Lô được tự do tìm hiểu, nếu ưng nhau thì về thưa chuyện với cha mẹ và gia đình tạo điều kiện giúp đỡ. Theo tập quán cổ truyền thì nhà trai phải nhờ 4 người mối – 2 nam, 2 nữ và tốt nhất là được hai cặp vợ chồng song toàn. Chọn ngày tốt, 4 người làm mối này mang 2 chai rượu và lễ vật đến nhà gái dạm hỏi. Nếu nhà gái đồn ý thì làm cỗ và dùng hai chai rượu đó cùng uống chung vui và bàn định ngày cưới. Người già Lô Lô giải thích con người có tứ chi vậy khi đi hỏi một cô gái về làm vợ cũng phải ứng với 4 người đến hỏi và ngày dạm hỏi phải là ngày chẵn để đôi vợ chồng tương lai luôn sống có đôi không lẻ loi. Ở người Lô Lô, nhà gái thường thách cưới bằng: gạo nếp, gạo tẻ, thịt lợn, rượu v.v… để làm tiệc cưới; váy, áo, vòng tay, vòng cổ cho cô dâu và xưa kia còn thách cưới cả bằng bạc trắng để làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Phong tục truyền thống của người Lô Lô chỉ ông câu mới được quyền thách cưới, có thể đây là một tàn dư của chế độ mẫu quyền còn sót lại.
Ngày cưới được lựa chọn kỹ với hy vọng mang lại hạnh phúc suốt đời cho đôi vợ chồng trẻ. Nhà trai mang lễ vật đến giao cho ông cậu nhà gái và ông cậu giao lại lễ vật đó cho chủ nhà. Nhà gái làm cỗ cúng trình tổ tiên và mời bà con họ hàng đến ăn uống chung vui. Những người được mời đến ăn cỗ thường mừng lại cô dâu khăn, áo, tiền bạc và các loại đồ dùng khác. Thường thì nhà
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 58 http://www.lrc-tnu.edu.vn/
trai dẫn lễ cưới đến nhà gái vào ngày lẻ hôm trước để đến ngày hôm sau dẫn dâu về nhà trai là ngày chẵn, với mong ước đôi trẻ sẽ mãi mãi không lẻ loi nhau. Để dâng lễ cười nhà trai có 4 người: Hai nữ hai nam hát đưa lễ và nhà gái cũng cử 4 người: Hai nữ hai nam hát đón khách – nhận lễ với lời ca đón rể, đón dâu, mừng hai họ v.v… hết sức thân mật. Và tối hôm đó nhà gái tổ chức hát thâu đêm suốt sáng chúc phúc cho cô dâu chú rể.
Sáng hôm sau ăn cơm uống nước xong chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, lễ sống bố mẹ vợ và ông cậu – những người nuôi dậy vợ mình, đồng thời vái lạy những người đã đến dự. Đó cũng là nghi lễ xin phép đưa cô dâu về nhà mình. Ông cậu (ở người Lô Lô Hoa, còn người Lô Lô Đen là chị dâu) dắt cháu gái từ trong buồng ra trao cho nhà trai, cả gia đình nhà gái đều khóc thể hiện sự lưu luyến với người con gái phải đi lấy chồng sang làm dâu con nhà khác. Và cô dâu còn khóc to hơn lưu luyến không muốn rời xa gia đình bố mẹ đẻ. Nhà trai nhà gái, mỗi bên có một cô phù dâu dắt tay cô dâu đi ra. Dẫn đầu đoàn đưa dâu là 4 người làm mối và đi sau cô dâu và phù dâu là họ hàng nhà trai sang đón. Đến nhà trai nghi thức đón dâu cũng như đón rể ở nhà gái: Bốn người làm mối phải uống rượu và hát trước khi dẫn cô dâu vào trong nhà. Tập quán Lô Lô khi cô dâu bước chân vào nhà, bố mẹ chồng phải tạm lánh mặt đi chỗ khác, tránh giáp mặt lúc đó, sợ gặp thì át vía con dâu sau này cô dâu sẽ không khỏe. Đoàn dẫn dâu vừa về nhà trai được một lúc thì đoàn ông cậu mang của hồi môn sang, gồm: Lợn, gà, cái cuốc, cái chảo, con dao, hòm xiểng quần áo của cô dâu và rượu, xôi v.v…. Nhà giàu có thì mang cho cả con bò nữa. Tất cả của hồi môn đều mang theo ý nghĩa cho cháu gái – cho đôi vợ chồng trẻ làm vốn tăng gia sản xuất xây dựng cuộc sống mới. Ông câu giao toàn bộ số của hồi môn này cho nhà trai. Nhà trai tổ chức ăn uống linh đình và cũng tổ chức hát mừng suốt đêm chúc cho hạnh phúc của đôi trẻ sống với nhau cho đến đầu bạc răng long – đông con nhiều cháu. Khi tiễn ông cậu ra về, nhà trai tùy theo số của hồi môn ít hay nhiều của cô dâu do ông cậu đưa sang mà họ đưa lại cho ông cậu một số tiền gọi là tiền đi đường, làm quà.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 59 http://www.lrc-tnu.edu.vn/
Thông thường, sau lễ cưới được 3 ngày thì cô dâu, chú rể trở lại thăm bố mẹ cô dâu. Họ có thể ở lại đó ít bữa, rồi chú - rể đưa cô dâu về ở hẳn nhà mình (nhà chồng).
Tang ma
Tập quán Lô Lô, khi bố mẹ qua đời con cái nấu nước ấm lau người và thay
quần áo cho cha mẹ. Rồi khiêng xác chết ra gian giữa nhà đặt nằm quay đầu về bàn thờ tổ tiên, quay chân ra cửa. Sau đó, họ bắn 3 phát súng chỉ thiên, ở người Lô Lô Đen, còn tấu lên 3 hồi trống để báo hiệu cho dân làng biết gia đình mới có người qua đời. Xác chết được quàn ở nhà cho đến khi được ngày tốt mới đưa đám. Trong những ngày xác chết còn đang quàn ở nhà, tang chủ mời thầy mo đến, làm lễ đưa hồn người chết về với thế giới tổ tiên. Trong mâm cúng có thịt gà, xôi, rượu, hương, thuốc, ớt v.v… Con gà trong mâm cúng mang ý nghĩa đưa đường người chết qua bao đèo cao, sông rộng, suối dài để về mãi quê cha đất tổ ngày xưa. Họ hàng dân làng đến phúng viếng mang cho ngô, lúa, gà, củi v.v... để gia đình làm đám. Mỗi ngày cũng như mỗi đêm thường được thay đồ cúng và cúng cho người chết 3 lần. Và nếu kết hợp với việc làm ma lớn cho người chết thì người ta còn tổ chức múa ma suốt 3 ngày đêm. Ngày đầu và ngày cuối cùng là những ngày múa chính, họ bố trí 4 đôi nam nữ, thường là những người già cùng khoảng tuổi như người quá cố, mặc quần áo mới, múa tiễn bạn mình về với tổ tiên. Ngoài 8 người múa chính này thì ai tham gia múa cũng được, nhất là ở ngày giữa, có khi lên tới mấy chục người cùng múa. Động tác múa diễn tả quá trình làm nông nghiệp: Cấy lúa, trồng ngô, làm cỏ, gặt lúa, bẻ ngô, giã gạo, se chỉ dệt vải v.v… và vỗ tay tiễn biệt người quá cố về với thế giới tổ tiên. Trống đồng được gõ đệm nhịp cho các điệu múa dân gian hồn nhiên đẹp mắt. Ở người Lô Lô Đen xưa còn có tục đến ngày cuối cùng người ta làm một cái rọ nhỏ chùm khăn đỏ tượng trưng cho đầu người quá cố và người con rể đầu phải cầm hình nộm này dẫn đầu đoàn múa. Người Lô Lô Hoa ở Mèo Vạc cũng kể rằng, thuở xa xưa họ có tục chôn xác chết đầu riêng và thân riêng.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 60 http://www.lrc-tnu.edu.vn/
Khi chuẩn bị đưa đám, xác chết mới được nhập quan, phủ lên thi thể người chết một mảnh vải trắng, rồi đậy nắp quan tài lại. Quan tài được buộc vào 4 cây đòn và trai tráng trong làng khiêng ra huyệt mộ. Dẫn đầu đoàn đưa đám ở nhóm Lô Lô Đen là một bà già cầm bát gạo rắc dọc đường để xin các cô hồn cho phép nhường đường đưa người chết ra mộ. Còn ở nhóm Lô Lô Hoa thì con trai cầm hương, con gái cầm bùi nhùi cỏ tranh đi trước mang ý nghĩa soi đường dắt tiễn bố mẹ về với tổ tiên. Khi hạ huyệt con trai lấp ít đất đầu tiên mang ý nghĩa làm nhà cho bố mẹ. Mộ được đắp nhô cao khỏi mặt đất khoảng một thước tây, quanh mộ được xếp đá. Ở người Lô Lô Hoa thì xếp 9 hàng đá đối với nam, 7 hàng đá đối với nữ. Về nhà họ sắp cỗ cúng cho hồn người chết và cũng là để gọi vía người sống về, không cho vía theo người chết. Từ đó, cứ mỗi bữa ăn gia đình lại xới riêng một bát cơm cùng thức ăn và đôi đũa mời người chết về cùng ăn. Và dù chết vào tháng nào nhưng cứ đến tháng 11 thì làm cỗ lớn nhờ thầy mo triệu hồn người chết nhập vào hình nhân “mà tể” trên bàn thờ gia tiên, ngự ở đó làm ma nhà; cũng đánh dấu từ ngày đó mỗi bữa người nhà không cúng cơm nữa.
Ở người Lô Lô Hoa, sau khi mai táng xong nếu gia đình có điều kiện kinh tế tốt mới làm lễ cúng lớn và múa ma suốt 3 ngày 3 đêm. Những bài hát trong lễ cúng mang nội dung tiễn biệt người chết về với tổ tiên, hành trình qua các đoạn đường về quê cha đất tổ. Ngày cuối cùng nhảy múa trong nhà ngoài sân mỗi nơi 9 vòng. Các bài hát, điệu múa được thể hiện theo nhịp trống đồng. Cuối ngày làm đám, ông cậu mang cây nêu có hình nhân ra cắm ở mộ. Và ngày hôm sau thì chủ nhà thịt gà làm cỗ cúng triệu hồn người chết nhập vào hình nhân được đẽo bằng miếng gỗ, mảnh mo tre trên bàn thờ ma nhà. Ở người Lô Lô Hoa sau khi làm lễ lớn này thì hàng ngày không phải cúng cơm cho người chết nữa.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu 61 http://www.lrc-tnu.edu.vn/
Bố mẹ chết, con cháu trong nhà phải chịu tang một năm, con trai không được cưỡi ngựa, con gái không được mang đồ trang sức. Chồng chết, ít nhất một năm sau người vợ trẻ mới được đi lấy chồng khác. Bố mẹ qua đời phải một năm sau con cái mới được dựng vợ gả chồng. Vào các dịp tết Thanh Minh ( 3/3) người Lô Lô cũng có tục tảo mộ, Tết tháng 7 cúng thổ công và cúng cho ông bà cha mẹ, tết Cả thì cúng và thắp hương cho người chết trên bàn thờ tổ tiên v.v… Ở người Lô Lô Hoa lại có tục vào tết Cả (tết năm mới) con cháu đến mộ ông bà, cha mẹ thắp hương và bón cơm tượng trưng cho người chết ở trong mả ăn.
Chu kỳ đời người sinh nở, đám cưới, đám tang mang đậm dấu ấn văn hóa Lô Lô, có cái còn đang hiện hữu, có cái cũng đã biến cải chỉ còn đọng lại trong trí nhớ người già.