2. Một số giải pháp đối với công tác đánh giá rủi ro khi thẩm định dự
2.2. Giải pháp về thông tin
Thông tin là yếu tố rất quan trọng đối với các công tác tại ngân hàng nói chung và đối với công tác quản lý rủi ro nói riêng, nhất là nguồn thông tin khách
hàng. Việc thẩm định khách hàng chính xác sẽ góp phần hạn chế bớt rủi ro cho ngân hàng nên đòi hỏi cán bộ thẩm định phải có nhiều thông tin chính xác đầy đủ về đối tượng thẩm định, ngân hàng cần tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với khách hàng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lợi ích của khách hàng để khách hàng có thể cung cấp các thông tin cần thiết cho ngân hàng một cách chính xác, đầy đủ nhất. Bên cạnh đó nguồn thông tin từ hệ thống báo chí, mạng internet là không thể thiếu, hơn nữa xuất phát từ tính chất khách quan của thông tin trên báo chí nên có thể thu thập được những thông tin tương đối chính xác về khách hàng. Việc sử dụng những thông tin này một cách hiệu quả, kết hợp với một phương pháp phân tích, đánh giá tốt sẽ giảm được yếu tố chủ quan trong thẩm định khách hàng, thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định. Các cán bộ cần nỗ lực hơn nữa để tiếp cận được với các thông tin thực tế, đa dạng hoá nguồn thu thập thông tin để thông tin có độ đa chiều và tính chính xác cao hơn. Bên cạnh việc thu thập thông tin từ các kênh mới thì đối với các kênh cung cấp thông tin cũ cũng cần được nâng cao chất lượng hơn nữa. Theo đó cần nâng cao và đa dạng hoá thông tin từ các kênh.
Việc thu thập thông tin về khách hàng, dự án đầu tư có thể từ các luồng thông tin chính thống, ngoại ngạch, từ bạn hàng của khách hàng, từ những đối tượng có liên quan đến khách hàng, uy tín khách hàng trong công tác thanh toán, chỗ đứng của sản phẩm dịch vụ của khách hàng trên thị trường. Xây dựng hệ thống thông tin về ngành hàng và khách hàng ngay từ khi họ còn là khách hàng tiềm năng để có được sự đánh giá chính xác về khách hàng trong một quá trình đồng thời tìm kiếm được các khách hàng tốt, dự án phương án tốt, tránh tình trạng chỉ bắt đầu tìm kiếm thông tin khách hàng khi họ đặt vấn đề quan hệ tín dụng với ngân hàng, dễ dẫn đến tình trạng hiểu biết không đầy đủ về khách hàng và công việc của họ đã vội vã đưa ra các quyết định.
Bên cạnh đó ngân hàng cũng cần thiết phải lưu trữ mọi hồ sơ của khách hàng một cách cẩn thận, có hệ thống, khoa học, phân loại theo ngành nghề một cách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin. Việc lưu trữ này cũng sẽ giúp cho ngân hàng dễ dàng hơn trong đánh giá, so sánh giữa các khách hàng trong cùng một ngành nghề, giúp cho ngân hàng tìm hiểu các thông tin bên ngoài về khách hàng thông qua các đối thủ cạnh tranh, các đối tác của khách hàng.
Ngân hàng cũng có thể lấy thông tin từ các cơ quan chuyên cung cấp tín dụng như trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC), từ các tổ chức tín dụng khác, hoặc nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó mà ngân hàng có thể xác định lại các thông tin mà khách hàng đã đưa ra và bổ sung thêm các thông tin liên quan khác.