Tạo lập thương hiệu và khẳng định uy tín hàng dệt may Việt Nam trên thị trường EU

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn hiện nay pot (Trang 91 - 93)

- Khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả

3.2.2.5. Tạo lập thương hiệu và khẳng định uy tín hàng dệt may Việt Nam trên thị trường EU

thị trường EU

Đối với doanh nghiệp, việc tạo lập được thương hiệu đồng nghĩa với việc khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu yêu cầu tạo lập và phát triển thương hiệu của mình. Hàng dệt may Việt Nam những năm gần đây cũng đã tạo lập được uy tín nhất định trên thị trường thế giới về chất lượng, giá cả, tuy nhiên thương hiệu của hàng dệt may Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng các nước phát triển trên thế giới, trong đó có khu vực EU biết đến nhiều. Nguyên nhân chính cho hạn chế này là do hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào EU khó tiếp cận trực tiếp được với hệ thống phân phối của EU, mà phải gia công cho các nước trung gian để xuất khẩu vào EU, do đó hàng của Việt Nam nhưng lại mang nhãn mác nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn hạn chế về khả năng tài chính và kinh nghiệm thương mại quốc tế để tạo lập và phát triển thương hiệu của mình trên thị trường EU. Để tạo lập và phát triển thương hiệu hàng hóa trên thị trường khó tính và ưa chuộng tiêu dùng những hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng như EU thì yếu tố thời gian và chiến lược thích hợp là rất cần thiết.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn phát triển thương hiệu trên thị trường EU thì nhất thiết phải thâm nhập được vào hệ thống phân phối của EU dưới nhiều hình thức như:

- Doanh nghiệp dệt may Việt Nam mua bản quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của các hãng may mặc nổi tiếng trên thế giới, ví dụ như Công ty An Phước mua bản quyền nhãn hiệu Pierr Cardin cho hàng áo sơ mi nam. Hàng hóa được bán trên thị trường EU mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng nơi sản xuất được xác định là Việt Nam, với giá thành rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng như hàng chính hãng. Khi người tiêu dùng đã có ấn tượng tốt và có thói quen dùng hàng do Việt Nam sản xuất thì sẽ dễ dàng tiêu thụ những mặt hàng dệt may có nhãn hiệu Việt Nam. Dần dần doanh nghiệp sẽ khẳng định được thương

hiệu hàng dệt may Việt Nam trên thị trường EU.

- Doanh nghiệp dệt may có chiến lược phát triển thương hiệu hàng hóa của mình ngay tại thị trường trong nước, đây là việc làm hết sức cần thiết vì thị trường dệt may nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng trong những năm qua chưa được chú trọng đúng mức. Đồng thời, qua việc khẳng định thương hiệu của mình, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện tiếp cận với hệ thống các siêu thị của các doanh nghiệp thuộc EU hiện đang kinh doanh tại Việt Nam để bán hàng. Khi hàng dệt may khẳng định được uy tín của mình với hệ thống siêu thị các nước EU tại Việt Nam thì đó là cơ hội thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu trên thị trường EU vì các hệ thống siêu thị của EU có mối liên kết với nhau rất chặt chẽ và khi đã thâm nhập được vào một vài nơi thì khả năng thâm nhập được vào hệ thống là rất lớn.

- Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động tham gia vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của ngành và các ngành khác, kết hợp việc quảng bá về du lịch, văn hóa Việt Nam với việc giới thiệu những sản phẩm dệt may truyền thống và độc đáo của Việt Nam như lụa tơ tằm, thổ cẩm… đến các khách hàng EU. Bên cạnh đó cần coi trọng việc quảng bá tên, nhãn hiệu của công ty ngay tại thị trường các nước EU. Để làm được việc này, các đơn vị dệt may cần có các biện pháp sử dụng và khai thác tốt các phương tiện thông tin hiện đại hiện nay, đặc biệt là phương pháp kinh doanh trên mạng Internet. Chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trước, trong và sau bán hàng.

Một khía cạnh không kém phần quan trọng đối với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam là phải có kế hoạch đăng ký bản quyền đối với thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường EU và các thị trường khác trên thế giới. Trong quan hệ thương mại quốc tế hiện nay, chiến lược phát triển thương hiệu và kế hoạch bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp đều có tầm quan trọng rất lớn, quyết định sự thành công và phát triển vững chắc của doanh nghiệp. Để xuất khẩu trực tiếp vào thị trường EU, sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp cần phải khẳng định vị trí trên thị trường bằng nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa phải chịu chi phí rất cao, có khi lên tới vài chục ngàn USD. Vì vậy, trong điều kiện tiềm lực tài chính còn hạn hẹp, các doanh nghiệp có thể kết hợp với nhau để đăng ký một nhãn hiệu chung cho sản phẩm.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn hiện nay pot (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)