nhóm hàng (áo sơ mi nam, áo có mũ…), khối lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt được khá cao so với các đối thủ cạnh tranh như Srilanca, Bangladesh và tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng này luôn có xu hướng tăng lên so với tổng khối lượng xuất khẩu hàng dệt may vào EU.
Thị trường EU nhập khẩu hàng dệt may của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Việc hàng dệt may của nhiều nước có tiềm lực sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới như Trung Quốc, ấn Độ có mặt trên thị trường EU là một khó khăn lớn đối với Việt Nam trong việc tăng thị phần trên thị trường này. Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất với một tỷ lệ rất thấp các sản phẩm dệt may có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, chất lượng cao. So với cơ cấu hàng dệt may xuất khẩu rất phong phú trên thị trường các nước EU thì hàng dệt may Việt Nam còn thiếu vắng khá nhiều nhóm hàng có lợi nhuận cao như bộ quần áo veston, comples, các sản phẩm thời trang. Đặc biệt, hàng dệt của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới do trang thiết bị lạc hậu và chủng loại hàng còn nghèo nàn. Ngành dệt nước ta hiện mới xuất khẩu được một số loại vải thô, vải cotton, dệt kim,... sang thị trường EU với kim ngạch không đáng kể. Sản phẩm dệt xuất khẩu của Việt Nam tỏ ra chưa có sự phát triển thích ứng với đòi hỏi về chất lượng, mẫu mã, chủng loại ngày càng cao của thị trường này.
- Hình thức xuất khẩu và cách thức tiếp cận các kênh phân phối trên thị trường EU: EU:
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường EU dưới hai hình thức: Bán hàng trực tiếp và thực hiện gia công cho nước ngoài. Hình thức làm hàng gia công cho nước ngoài chiếm tỷ trọng rất lớn, chiếm khoảng 70-80% đối với hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Trong giai đoạn đầu của quá trình thâm nhập vào thị trường thế giới, xuất khẩu theo hình thức gia công là phương pháp phù hợp với doanh nghiệp may mặc Việt Nam vì chưa có thương hiệu nổi tiếng, chưa quen thị trường và xuất khẩu dưới hình thức này có mức độ an toàn cao, ít phải gánh chịu rủi ro khi không bán được hàng. Tuy nhiên, hình thức gia công phụ thuộc vào người đặt hàng về mẫu mã, chủng loại, số lượng, nhãn mác, nguyên phụ liệu… do vậy hiệu quả kinh tế thấp,
giá trị gia tăng nhỏ, thông thường ta chỉ thu về từ 18-20% trị giá hàng hóa. Tính chất gia công trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu thực chất là để giải quyết việc làm, lấy công làm lãi. Hình thức gia công cho nước ngoài làm cho ngành dệt may nước ta kém tính chủ động, phải phụ thuộc nhiều vào phía người đặt hàng. Việc gia công hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam lại ít khi được thực hiện trực tiếp các đơn hàng từ phía các đối tác tại EU mà trong nhiều trường hợp phải thực hiện qua trung gian. Theo tác giả Trần Thị Bích Ngọc [23, tr. 56], trong hệ thống sản xuất dệt may thế giới hiện nay đang phổ biến hình thức sản xuất tam giác với sự tham gia của người đặt hàng trực tiếp, các công ty trung gian và nơi sản xuất. Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU thời gian qua cũng được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức sản xuất tam giác này. Trong nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu EU không đặt hàng trực tiếp từ Việt Nam mà qua trung gian, đa số từ các nền công nghiệp mới như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Sau đó các công ty trung gian lại đặt hàng cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam thực hiện gia công xuất khẩu. Với hình thức xuất khẩu này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có khả năng tiếp cận trực tiếp với hệ thống phân phối của thị trường EU và hạn chế trong việc quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam ở thị trường rộng lớn này. Mạng lưới phân phối sản phẩm dệt may ở nước ngoài đều do các nhà nhập khẩu đảm nhận, sau khi đã xác định thị trường sản phẩm.Việc lựa chọn các kênh phân phối sao cho phù hợp và đạt hiệu quả nhất vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ cho các nhà doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam bởi vì các hoạt động thu thập thông tin tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp hoạt động chưa mấy hiệu quả.
Trong tam giác sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may xuất khẩu với ba khâu chính: cung cấp nguyên phụ liệu, mẫu mã; sản xuất; đưa sản phẩm đến tay người tiêu thụ, thì ngành dệt may Việt Nam chủ yếu mới chỉ tham gia được ở khâu sản xuất, trong khi đó phần lớn giá trị gia tăng đến trong khâu cung cấp nguyên phụ liệu, mẫu mã và khâu đưa sản phẩm đến tay người tiêu thụ. Mặt khác, khi làm hàng gia công xuất khẩu những năm qua, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp may mặc Việt Nam là chưa tốt, luôn có sự cạnh tranh, giành giật hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho thương gia nước ngoài ép giá nên hiệu quả xuất khẩu càng thấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU, thì phải thực hiện
tốt các hình thức xuất khẩu theo hướng giảm dần tỷ lệ hàng gia công, tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu trực tiếp.