Để hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đạt hiệu quả, nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ, đảm bảo sự an toàn và có đủ nguồn lực tài chính đáp ứng kịp thời yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét để bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách đối với hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội:
Thứ nhất: Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội:
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quy định cụ thể hơn để phân cấp thẩm quyền quyết định (của Thủ tướng Chính phủ, của Hội đồng Quản lý và của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) dùng quỹ bảo hiểm xã hội tạm thời nhàn rỗi để hoạt động đầu tư, gồm có các nội dung sau:
+ Lĩnh vực đầu tư (trong đó quy định tỷ lệ đầu tư vào từng lĩnh vực).
+ Hình thức đầu tư (thông qua các tổ chức tài chính, tiền tệ của Nhà nước hay đầu tư trực tiếp; tỷ lệ đầu tư theo từng hình thức).
+ Thời hạn đầu tư và lãi suất tối thiểu khi đầu tư vào từng lĩnh vực, từng hình thức và từng dự án.
+ Quy trình xây dựng, thẩm định, quyết định phương án (hoặc dự án) đầu tư và quản lý đầu tư.
Thứ hai: Về tỷ lệ dùng quỹ BHXH nhàn rỗi để đầu tư:
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới thì chỉ nên sử dụng khoảng 80% quỹ bảo hiểm xã hội nhàn rỗi để đầu tư vào lĩnh vực đầu tư an toàn mà chủ yếu là đầu tư thông qua các tổ chức tài chính, tiền tệ của Nhà nước (cho Ngân sách Nhà nước vay, mua trái phiếu, kỳ phiếu của Nhà nước, của các tổ chức tài chính, ngân hàng Nhà nước phát hành,...). Chỉ sử dụng không quá 20% quỹ bảo hiểm xã hội nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực khác có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn nhưng cũng có nhiều rủi ro hơn. Chẳng
hạn như đầu tư kinh doanh bất động sản, tham gia thị trường chứng khoán, trực tiếp đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh (hoặc góp vốn kinh doanh), đầu tư hoạt động thuê mua tài chính. Có thể áp dụng cả hình thức đầu tư qua thị trường tài chính ở nước ngoài. Nhưng đối với nước ta hiện nay và trong thời gian một vài năm tới, không nên dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư ra nước ngoài vì thị trường tài chính trong nước đang cần thu hút nhiều vốn đặc biệt là nguồn vốn trong nước. Mặt khác, chúng ta đang khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta. Chỉ nên dùng không quá 10% quỹ bảo hiểm xã hội tạm thời nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư có khả năng thu lợi nhuận cao hơn khi đầu tư thông qua các tổ chức tài chính, tiền tệ của Nhà nước. Bởi vì thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán mặc dù đã hoạt động nhưng tính ổn định còn chưa cao, quy mô còn nhỏ và các doanh nghiệp lớn của Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả còn chưa cao, chưa ổn định.
Thứ ba: Về phân cấp quyết định đầu tư:
+ Đối với các hình thức đầu tư: cho Ngân sách Nhà nước, cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển vay; mua kỳ phiếu, trái phiếu, công trái do Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng thương mại của Nhà nước phát hành (kể cả phát hành qua thị trường chứng khoán), giao cho Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
+ Đối với hình thức đầu tư vốn vào các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc liên doanh góp vốn đầu tư cùng các doanh nghiệp của Nhà nước; thẩm quyền quyết định đầu tư được phân cấp như đối với các Tổng Công ty 91 quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ- CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ.
+ Đối với hình thức đầu tư qua thị trường chứng khoán để đầu tư mua cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát hành do Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Thứ tư: Đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội như chính sách ưu đãi về thuế. Ưu tiên một số lĩnh vực, dự án đầu tư bằng quỹ bảo hiểm xã hội mà ở đó vốn đầu tư bảo đảm an toàn, ít có rủi ro, mang lại hiệu quả cao về xã hội và bảo toàn, tăng trưởng được vốn. Chẳng hạn như: đầu tư xây dựng nhà ở bán trả chậm cho dân cư (đặc biệt là những người có thu nhập thấp), dự án sản xuất, cung cấp điện, nước sinh hoạt cho các khu dân cư (kể cả thành thị và nông thôn); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có thu phí sử dụng như: cầu, đường giao thông, các công trình về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và một số dự án mang tính chiến lược của quốc gia.
Thứ năm: Hình thành tổ chức đầu tư độc lập trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi thực hiện phương thức dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư trực tiếp. Chẳng hạn như thành lập tổ chức đầu tư để thực hiện kinh doanh bất động sản; đầu tư vào các dự án hoặc góp vốn cùng các doanh nghiệp khác để trực tiếp sản xuất kinh doanh; đầu tư trong lĩnh vực thuê, mua tài chính; tham gia vào thị trường chứng khoán...