Thực hiện chủ trương "Mở rộng thị trường lao động trong nước có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, bảo vệ lợi ích của người lao động và của người sử dụng lao động" [36, tr. 100] và "từng bước mở rộng vững chắc hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội. Tiến tới áp dụng chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân" [36, tr. 100]. Mục tiêu chiến lược phát triển Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2010 cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Về lâu dài, mọi người lao động đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vừa buộc mọi người lao động phải có trách nhiệm tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân để bảo hiểm cho chính bản thân mình, vừa đạt được mục tiêu quản lý điều hành của Nhà nước đảm bảo cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc của mọi người dân.
- Đối với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc: Trong giai đoạn 10 năm tới, ngoài những người lao động hiện đang là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần mở rộng thêm đối với một số đối tượng khác như:
+ Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có dưới 10 lao động.
+ Người lao động trong các hợp tác xã có quan hệ hợp đồng lao động.
+ Người lao động trong các đơn vị, cơ sở ngoài quốc doanh, các hộ gia đình (làng nghề...) có thuê mướn lao động.
- Đối với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Bộ luật Lao động nước ta quy định có loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, đề nghị Chính phủ cho thi hành loại hình bảo hiểm xã hội này, trước mắt đối với một số đối tượng sau:
+ Xã viên các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. + Người lao động tự do khác (dịch vụ, buôn bán nhỏ...).
+ Những người đã tham gia bảo hiểm xã hội, muốn tham gia thêm loại hình này.
Hai là: Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung thống nhất, hạch toán độc lập với Ngân sách Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ. Không thành lập các quỹ thành phần, không chia nhỏ quỹ theo các loại hình lao động hoặc theo chế độ trợ cấp. Quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu được hình thành từ sự đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động, từ lãi hoạt động đầu tư tăng trưởng, Nhà nước bảo hộ trong những trường hợp cần thiết. Quỹ bảo hiểm xã hội được thiết kế theo mô hình tồn tích và chuyển giao sử dụng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội và qua các thế hệ. Các mức hưởng của các chế độ bảo hiểm được xây dựng theo nguyên tắc điều tiết phân phối lại, có lợi cho những cá nhân có thu nhập thấp và không may gặp phải biến cố rủi ro làm suy giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm tạm thời, chết.
+ Tất cả mọi người lao động muốn được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội.
+ Chủ sử dụng lao động (trong trường hợp có thuê mướn lao động) phải đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
+ Mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội phải được xác định theo tỷ lệ đóng góp và tiền lương (hoặc tiền công) thực tế (không theo thang bảng lương như hiện nay). Tỷ lệ đóng góp phải được điều chỉnh tăng lên từng bước theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống hiện tại của người lao động; trong đó nâng dần tỷ lệ đóng góp của người lao động.
+ Nhà nước đóng và hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội: Nhà nước chuyển đủ kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội để chi trả cho những người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước 01/01/1995. Hàng năm đóng vào quỹ cho người lao động đã có thời gian coi như đã đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm 01/01/1995. Hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội trong trường hợp Nhà nước điều chỉnh tiền lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, tuất hưởng hàng tháng (nâng tiền lương tối thiểu) do những đối tượng này trước đây đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội mức lương thấp hơn.
+ Mở rộng thêm chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
+ Từng bước giảm dần tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, nhất là chế độ hưu trí, nhưng vẫn phải đảm bảo cuộc sống ổn định cho họ (so với các nước khác tỷ lệ hưởng lương hưu của nước ta hiện nay (75%) là cao).
+ Tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ, bởi vì dự báo tuổi thọ của nước ta đến năm 2010 là 71 tuổi. Nếu như quyết định tuổi nghỉ hưu là 50 tuổi đối với nữ; 55 tuổi đối với nam (theo Quyết định 93/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và thậm chí với một số sĩ quan quân đội nghỉ hưu ở tuổi 38-40 thì thời gian hưởng chế độ hưu trí sẽ từ 16 đến 33 năm, như vậy còn dài hơn cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tóm lại, về cân đối quỹ (thu - chi quỹ bảo hiểm) cần phải được nghiên cứu một cách khoa học, không nên quyết định duy ý chí. Việc xác định mức thu theo tỷ lệ bao nhiêu (của người lao động và người sử dụng lao động) so với thu nhập của họ và quy định có bao nhiêu chế độ bảo hiểm xã hội, mức hưởng của từng chế độ đó là bao nhiêu? Phải đảm bảo được nguyên tắc quỹ bảo hiểm xã hội ổn định, vững chắc trong một thời gian dài. Nguồn hình thành quỹ chủ yếu phải từ sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động và lãi từ hoạt động đầu tư quỹ. Nếu không làm được như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bao cấp của Nhà nước. Sẽ là chuyển dịch, điều tiết thu nhập của tất cả mọi người dân (kể cả người có thu nhập thấp, người nghèo) cho một số người được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - đó là một nghịch lý. Bởi vì, khi quỹ bảo hiểm xã hội không đủ chi thì Ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ, mà Ngân sách Nhà nước được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của toàn dân.
Ba là: Đẩy mạnh hoạt động đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
Quỹ bảo hiểm xã hội tạm thời nhàn rỗi được thực hiện các hoạt động đầu tư để bảo toàn giá trị và tăng trưởng quỹ. Một mặt góp phần quan trọng để cung cấp vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là những lĩnh vực, những ngành tạo ra nhiều việc làm và đạt hiệu quả cao về xã hội. Mặt khác, tạo lập được một quỹ tiền tệ đủ lớn để bảo đảm chi tiêu kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.
Bốn là: Hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ và điều kiện làm việc.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, theo ngành dọc từ Trung ương đến tỉnh, huyện (có thể mở rộng đến phường, xã khi thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện). Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
- Bổ sung, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý, của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, của Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện.
- Thành lập mới một số đơn vị chuyên môn để giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam điều hành công việc chuyên môn như: công nghệ tin học; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội; hợp tác quốc tế, công tác tuyên truyền (tạp chí, báo) và công tác đào tạo.
- Xây dựng và tiêu chuẩn hóa các chức danh của từng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với hoạt động của ngành. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với năng lực chuyên môn và nhiệm vụ đảm nhận.
- Tuyển dụng mới và bồi dưỡng nâng cao về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành để mọi người phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, tư tưởng; có phẩm chất đạo đức hết lòng phục vụ sự nghiệp bảo hiểm xã hội, phục vụ nhân dân.
- Đầu tư, trang bị đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động đa dạng, rộng lớn của ngành (xây dựng trụ sở làm việc, trang bị hệ thống vi tính, nối mạng quản lý trong toàn quốc và các phương tiện phục vụ công tác).
- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở phân phối thu nhập hợp lý, công bằng, làm cho thu nhập phải vừa là động lực, vừa là mục tiêu phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức.