Thứ nhất, về các chế độ, chính sách BHXH và quản lý tài chính:
- Tuy phạm vi đối tượng tham gia BHXH đã được mở rộng, nhưng đến nay mới có khoảng 4,1 triệu người lao động trong tổng số 46,2 triệu người trong độ tuổi lao động của
cả nước. Còn một bộ phận lớn người lao động chưa được tham gia BHXH, đó là người lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có dưới 10 lao động, ở các hợp tác xã và các loại hình lao động khác.
- Bộ luật Lao động quy định có hai loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, nhưng cho đến nay loại hình BHXH tự nguyện chưa được ban hành; chưa có chế độ BHXH thất nghiệp.
- Chính sách BHXH vẫn đang bị đan xen bởi một số chính sách khác như sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế. Chẳng hạn như theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng phải có đủ điều kiện về tuổi đời là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tại Nghị định 93/1998/NĐ-CP ngày 12/11/1998 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ quy định "riêng đối với người lao động nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi, nếu đóng BHXH đủ 30 năm trở lên, có nguyện vọng về hưu thì được hưởng lương hưu" (Điều 1 mục 1).
- Nguyên tắc thiết kế chính sách BHXH mới được quán triệt là người lao động có đóng vào quỹ BHXH mới được hưởng chế độ BHXH trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng. Nhưng nguyên tắc đó lại chưa điều chỉnh cụ thể đối với chế độ thai sản, không quy định lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH bao nhiêu mới được hưởng chế độ thai sản. Dẫn đến trong thực tế đã xảy ra khá nhiều trường hợp "lách luật" để "moi tiền" của quỹ BHXH, chủ yếu xảy ra đối với các doanh nghiệp có mức lương cao. Nhờ sự quen biết, người lao động nữ được nhận vào làm hợp đồng sau 2 tháng (đóng được 40% của 1 tháng lương) thì nghỉ thai sản được hưởng 5 tháng lương (4 tháng lương và một tháng trợ cấp), gấp 12,5 lần tiền đã đóng, sau đó xin nghỉ việc, có trường hợp quỹ BHXH phải "bù lỗ" trên 20 triệu đồng.
- Tiền lương của người lao động dùng để làm cơ sở đóng BHXH trong các đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội của Nhà nước vẫn căn cứ vào hệ số thang, bảng lương do Nhà nước ban hành; mà không căn cứ vào thu nhập thực tế của người lao động. Tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp
nhà nước quy định, cho phép các doanh nghiệp Nhà nước áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương. Nhưng việc đóng và hưởng chế độ BHXH vẫn tính theo hệ số mức lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. - Vấn đề còn có nhiều ý kiến và chưa có cơ sở khoa học để kết luận, đó là cân đối quỹ BHXH.
* ý kiến thứ nhất cho rằng với mức đóng như hiện nay (20% trên tổng quỹ lương) là quá nhiều nên giảm mức đóng xuống cho người sử dụng lao động và cần tăng mức chi: mở rộng thêm chế độ nghỉ dưỡng sức, trợ cấp thất nghiệp hoặc tăng mức hưởng của các chế độ BHXH.
* ý kiến thứ hai cho rằng nếu chỉ nhìn vào số dư hiện có của quỹ BHXH tăng theo hàng năm như thời điểm hiện nay thì ý kiến thứ nhất là có lý. Nhưng thực chất vấn đề cần bàn là ở chỗ phải xác định cân đối quỹ trên cơ sở: Tổng số người đang tham gia BHXH của nước ta tại thời điểm năm 2000 khoảng 4,1 triệu người. Tổng số người hưởng các chế độ dài hạn của nước ta tại thời điểm 2000 là 145.730 người. Như vậy, cứ khoảng 28 người đóng BHXH để nuôi 1 người hưởng BHXH dài hạn thì rõ ràng quỹ không bao giờ thiếu. Nhưng xét về tốc độ gia tăng của số người đóng và số người hưởng thì sẽ theo xu hướng là số người đóng có tốc độ tăng chậm và số người hưởng có tốc độ tăng rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tăng hàng năm bình quân 4 năm (từ năm 1997 đến năm 2000) của số người hưởng chế độ BHXH hàng tháng là 65,2%, trong khi tỷ lệ tăng bình quân hàng năm của số người đóng BHXH là 8,1%.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, quỹ BHXH thiết kế theo nguyên tắc tồn tích và có tính chuyển giao sử dụng qua các thế hệ thì quỹ phải được tính toán với chu kỳ vận động trong khoảng từ 20 – 30 năm, phải dự báo có rất nhiều yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến cân đối quỹ BHXH. Do đó, vấn đề cân đối quỹ cần phải được đặc biệt quan tâm khi thiết kế các chế độ, chính sách BHXH, đặc biệt là mối quan hệ tương quan giữa mức đóng (người lao động và người sử dụng lao động) với các chế độ và mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động.
- Về chức năng, nhiệm vụ quản lý: Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có thẩm quyền (không được giao nhiệm vụ) thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý lao động, quỹ tiền lương, không đóng BHXH kịp thời hoặc trốn tránh đóng BHXH; có hành vi gian lận, lừa dối để hưởng các chế độ BHXH.
- Về hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ: Theo quy định thì phạm vi đầu tư quỹ vẫn bó hẹp (cho Ngân sách Nhà nước vay, cho các Ngân hàng thương mại của Nhà nước, Quỹ hỗ trợ đầu tư vay, mua trái phiếu, kỳ phiếu của Kho bạc Nhà nước và của các Ngân hàng thương mại của Nhà nước phát hành; đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp lớn của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép và bảo trợ). Chưa được đầu tư vào các thị trường chứng khoán, kinh doanh bất động sản … Chưa có quy định cụ thể phân cấp quyết định dùng quỹ BHXH để đầu tư (của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Quản lý và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Thứ hai, những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện:
- Về quản lý thu BHXH: Vấn đề tồn tại lớn nhất là số tiền nợ tiền BHXH của các cơ quan, đơn vị. Tính đến năm 2000, số tiền nợ BHXH là 432 tỷ đồng, bằng 7,67% so với tổng số phải thu BHXH. Chủ yếu ở khu vực sản xuất kinh doanh nợ 424 tỷ, trong đó doanh nghiệp Nhà nước nợ 274 tỷ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 37 tỷ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 113 tỷ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tiền để nộp BHXH; một số doanh nghiệp cố tình không nộp và nộp chậm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp khai giảm lao động và quỹ tiền lương, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Có nhiều doanh nghiệp đã "lách luật"
bằng cách ký hợp đồng với người lao động dưới
3 tháng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì khai số lượng lao động dưới 10 người để trốn tránh trách nhiệm phải đóng BHXH cho người lao động. Tính đến cuối năm 2000, trong tổng số người lao động đang tham gia BHXH là 3.842.727 người (chưa bao gồm người lao động làm việc ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ) thì mới có 206.890 người lao động ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tham gia BHXH với tổng số tiền phải đóng BHXH là 215 tỷ đồng, tiền lương bình quân là 433.000 đồng/1 người/ 1tháng. Điều đó cho thấy rằng một lực lượng lao động rất lớn làm việc ở khu vực
kinh tế ngoài quốc doanh còn chưa tham gia BHXH và mức lương dùng để tính đóng BHXH còn thấp, chưa đúng với thực tế.
Một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam không được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát và quyết định xử phạt đối với các hiện tượng trên xảy ra ở các đơn vị sử dụng lao động. Trách nhiệm đó lại giao cho Thanh tra lao động và ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân huyện. Mặt khác, hình thức xử phạt chủ yếu mang tính hành chính với mức xử phạt còn nhẹ, chưa có tác dụng lớn để điều chỉnh hành vi trốn nộp và nộp chậm BHXH của đơn vị sử dụng lao động. Nghị định số 38/CP ngày 25/6/1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động có quy định chỉ phạt 2 triệu đồng đối với các đơn vị sử dụng lao động không đóng hoặc đóng chậm BHXH; phạt 400.000 đồng đối với những đơn vị vi phạm về việc khai trình việc sử dụng lao động và lập sổ BHXH cho người lao động.
Một tồn tại nữa trong công tác quản lý thu là ở một vài BHXH tỉnh, huyện còn sử dụng tiền thu BHXH để tiêu dùng cho mục đích khác như mua sắm tài sản, ứng chi hoạt động bộ máy quản lý như BHXH Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Đắk Lắk. Còn có một vài cá nhân thu BHXH bằng tiền mặt rồi biển thủ, chi dùng cho cá nhân (BHXH Cần Thơ, BHXH Nghệ An, BHXH Sóc Trăng, BHXH Ninh Bình). Nguyên nhân dẫn đến sai phạm trên là do cán bộ, công chức, viên chức cố tình vi phạm mặc dù đã có văn bản quy định cấm những điều đó.
Về mặt chủ quan, các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và nắm chắc tình hình biến động của người lao động và quỹ tiền lương của các đơn vị sử dụng lao động. Và cho đến nay chưa thống kê được con số chính xác số đơn vị và số người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Công tác đối chiếu và ghi sổ BHXH không làm được thường xuyên, chưa kịp thời, còn có sai sót. Vì vậy, sổ BHXH không phát huy được vai trò và tác dụng vừa để đôn đốc, nhắc nhở người sử dụng lao động và bản thân người lao động có trách nhiệm đóng đầy đủ, kịp thời BHXH; vừa làm căn cứ để giải quyết các chế độ, chính sách BHXH cho người lao động. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do công tác quản lý hồ sơ, lý lịch gốc của nhiều đơn vị sử dụng lao động còn yếu kém, thiếu chặt chẽ và để thất lạc
nhiều dẫn đến việc cấp sổ và ghi sổ BHXH cho từng người lao động vừa chậm, lại vừa thiếu căn cứ pháp lý ghi quá trình đóng góp vào quỹ BHXH của người lao động. Việc quản lý đối tượng tham gia BHXH là phải cập nhật được những thông tin về tình hình di chuyển, biến động về số lượng lao động của từng đơn vị sử dụng lao động và mức đóng góp của từng người lao động (trên 4,1 triệu người). Đó là một khối lượng công việc rất lớn, trong khi ngành BHXH chưa có công nghệ quản lý bằng kỹ thuật hiện đại; công tác quản lý chủ yếu hiện nay vẫn làm bằng thủ công.
- Về công tác giải quyết các chế độ, chính sách và chi BHXH:
Thực hiện theo quy trình lập, kiểm tra và thẩm định hồ sơ các chế độ BHXH. Quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, của BHXH tỉnh, BHXH huyện và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã chấm dứt được tình trạng làm hồ sơ giả, khai gian lận để hưởng các chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tuất). Nhưng đối với các chế độ ốm đau, thai sản vẫn còn có tình trạng làm hồ sơ giả, khai khống thời gian nghỉ ốm để hưởng các chế độ BHXH. Theo quy định thì:
Các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, cơ sở khám, chữa bệnh của các lực lượng vũ trang (gọi chung là cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước); cơ sở khám, chữa bệnh của tập thể và tư nhân, cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài (gọi chung là cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân) có ký hợp đồng với Bảo hiểm Y tế Việt Nam để khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế phân công bác sĩ, y sĩ, lương y thuộc đơn vị để khám bệnh chữa bệnh và cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm được hưởng BHXH cho người lao động tham gia BHXH [47].
Một số cơ sở y tế đã không thực hiện nghiêm túc trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc cho người bệnh, đã chứng nhận khống cho người lao động để làm hồ sơ hưởng các chế độ BHXH. Hiện tượng trên xảy ra nhiều ở các đơn vị làm ăn thua lỗ, thiếu việc làm cho người lao động, phải dùng hình thức này để lấy tiền của quỹ BHXH làm thu nhập. Có một số doanh nghiệp lại có "sáng kiến" cho người lao động thay nhau "nghỉ ốm giả" để rút tiền của quỹ BHXH để chia nhau. Về chủ quan, trong những năm qua, trong ngành cũng đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức của ngành cố tình vi phạm chế độ quản lý để mưu lợi cá nhân, dùng tiền chi BHXH để chiếm đoạt (BHXH Đắk Lắk, BHXH
Ninh Bình) và đã bị pháp luật trừng trị. Công tác quản lý tiền mặt chưa đảm bảo an toàn, vẫn còn một số Đại lý chi trả ở phường, xã (ở BHXH thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thái Nguyên) để mất trong quá trình vận chuyển và cất giữ tại nhà (mặc dù số tiền đó đã thu được hoặc Đại lý phải bồi hoàn).
- Về chi cho hoạt động bộ máy quản lý:
+ Trong cơ cấu chi đảm bảo cho hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý còn chưa hợp lý:
Mục chi lương và có tính chất lương cho người lao động tính bình quân từ năm 1995 đến năm 2000 trong toàn ngành chiếm 15,62% so với tổng số chi. Trong khi mục chi lương và có tính chất lương ở khối hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh trước thời điểm thực hiện thí điểm khoán biên chế và chi hành chính là 25,32%, tăng lên sau khi khoán là 38,65% [13].
Một số mục chi: công tác phí, hội nghị, chi tiếp khách, điện thoại, xăng xe còn chiếm tỷ trọng lớn trong chi quản lý bộ máy.
+ Chứng từ, sổ sách kế toán ở một số đơn vị, nhất là ở BHXH huyện còn có sai sót, chưa thực hiện đúng quy định. Còn có hiện tượng lập chứng từ giả, quyết toán trùng chứng từ để chiếm đoạt tiền của Nhà nước (BHXH Đắk Lắk, BHXH Ninh Bình, BHXH Bà Rịa Vũng Tàu, BHXH Tiền Giang).
+ Quản lý sử dụng tài sản công còn chưa thật hiệu quả, chưa sử dụng hết công suất. Máy vi tính còn sử dụng vào việc của cá nhân và chơi giải trí, còn sử dụng ô tô, xe máy công vào việc riêng của cá nhân.
Nguyên nhân của những tồn tại trên chủ yếu do ý thức trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, công chức, viên chức trong những đơn vị đó kém. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân thuộc về trình độ, năng lực quản lý, điều hành, kiểm tra, kiểm soát của lãnh đạo và cán bộ làm nghiệp vụ cụ thể về quản lý tài chính ở các đơn vị, nhất là ở BHXH cấp huyện, còn bất cập với yêu cầu quản lý hoạt động của ngành.
+ Bộ máy quản lý, số lượng và năng lực cán bộ làm công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc xây dựng được đầu tư tập trung trong thời gian 5- 6 năm. Ban Quản lý dự án ở địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm làm công tác quản lý