Giai đoạn trước 01/01/

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pot (Trang 68 - 71)

Thứ nhất, những vấn đề tồn tại khi xây dựng chính sách BHXH và nguyên nhân của nó.

- Các chế độ, chính sách được xây dựng và ban hành để áp dụng đối với từng con người cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy đòi hỏi các chế độ, chính sách được ban hành phải rất đồng bộ, cụ thể, tránh chồng chéo, mâu thuẫn và có tính thời điểm. Nhưng rất đáng tiếc thời gian trước đây, thậm chí ngay tại thời điểm này, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy của chúng ta vẫn mắc phải những sai sót đó. Các văn bản quy định của Nhà nước, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành thường thiếu đồng bộ về nội dung và hiệu lực thi hành. Thậm chí có một số văn bản quy định thiếu tính khả thi và còn lỏng lẻo, mâu thuẫn với nhau. Việc vận dụng các văn bản để điều chỉnh, áp dụng chế độ cho từng người nhiều khi còn phụ thuộc vào ý chí của con người thực thi trực tiếp. Điều đó gây ra rất nhiều khó khăn và phức tạp trong thực hiện, đã có nhiều cán bộ kém, mất phẩm chất lợi dụng gây phiền hà, sách nhiễu làm thiệt hại đến lợi ích của người lao động và của cải, uy tín của Nhà nước. Nguyên nhân của căn bệnh nói trên là do trình độ, năng lực xây dựng văn bản của chúng ta còn bất cập nhiều so với thực tế sinh động. Khi nảy sinh vướng mắc thì cách thức điều chỉnh, bổ sung văn bản lại thiếu khoa học, chắp vá, không đồng bộ. Mặt khác, khâu tổ chức thực hiện còn tùy tiện, ý thức chấp hành của một số cán bộ kém, chỉ tìm kẽ hở của văn bản để lợi dụng mưu lợi cá nhân.

- Thời kỳ trước năm 1993, chính sách BHXH được xây dựng đan xen với nhiều chính sách xã hội khác như chính sách ưu đãi xã hội, chính sách dân số – kế hoạch hóa gia

đình, chính sách sắp xếp lại việc làm trong các doanh nghiệp, chính sách tinh giảm biên chế (cho phép giảm tuổi đời; quy đổi thời gian công tác: 1 năm thành 1 năm 2 tháng, 1 năm 4 tháng, 1 năm 6 tháng; giảm thời gian công tác; nâng lương trước khi nghỉ hưu; buông lỏng việc giám định sức khỏe...) đã làm thay đổi nội dung và bản chất của chính sách BHXH.

Chế độ hưu trí - mất sức lao động có nhiều bất hợp lý: quy đổi số năm làm việc theo hệ số một năm bằng 14, 16, 18 tháng quy đổi là không đúng, nhiều người tuổi làm việc nhiều hơn tuổi đời, làm tăng số người nghỉ hưu trước tuổi. Việc giảm tuổi, giảm số năm công tác để hưởng hưu trí đã dẫn đến độ dài bình quân nghỉ hưu nhiều hơn độ dài thời gian làm việc. Trong 950 ngàn người về hưu hiện nay có 80% chưa hết tuổi lao động, 10% dưới 45 tuổi, thậm chí có nhiều người về hưu ở độ tuổi 37, 38. Trong 359 ngàn người nghỉ mất sức lao động thì dưới 10% là thực sự ốm đau, mất sức [11].

Nguyên nhân là do khi thiết kế chính sách đã không căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản của hoạt động BHXH. Đó là người được hưởng các chế độ BHXH phải đáp ứng được những điều kiện như thời gian tham gia BHXH, mức đóng góp BHXH, tình trạng suy giảm sức khỏe thực tế, tuổi đời. Mặt khác lúc đó vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp, tất cả đều do Ngân sách Nhà nước đảm bảo, người lao động không phải đóng BHXH, đơn vị hành chính sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước bao cấp, thậm chí doanh nghiệp cũng do Nhà nước bao cấp. Mọi chính sách xã hội cũng đều do Nhà nước bao cấp.

- Nguồn thu của quỹ BHXH do người sử dụng lao động đóng góp (từ năm 1961 là 4,7% tổng quỹ lương, đến năm 1998 nâng lên 15% nhưng lại sử dụng 2% để trợ cấp khó khăn cho người lao động), hỗ trợ của Nhà nước và các khoản thu khác (tài trợ, ủng hộ). Người lao động không phải đóng góp vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH là quỹ độc lập thuộc Ngân sách Nhà nước và không có kết dư. Với quy định như trên càng thấy rõ hơn tính bao cấp toàn diện của Nhà nước đối với hoạt động BHXH. Quỹ BHXH được thiết kế theo mô hình "tọa thu – tọa chi’ thuộc Ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, thực hiện các chế độ, chính sách, chế độ bảo hiểm bị chia cắt, phân tán, không đồng bộ. Chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sự nghiệp lẫn lộn do một cơ quan thực hiện. Thậm chí Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn được giao nhiệm vụ vừa quản lý Nhà nước, vừa quản lý sự nghiệp thực hiện các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và nghỉ dưỡng sức. Đã dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm dụng và chủ quan trong quản lý, điều hành. Quản lý chồng chéo và lại lỏng lẻo, tạo sơ hở để xảy ra nhiều tình trạng vi phạm chế độ BHXH, gian lận, làm hồ sơ giả để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, có nhiều vụ việc để lại hậu quả lớn và "công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm chế độ BHXH các năm trước đây chưa được thực hiện dứt điểm" [1].

Nguyên nhân tồn tại của vấn đề trên là do thiết kế hệ thống tổ chức bộ máy quản lý sự nghiệp BHXH không phù hợp; đã không phân định cụ thể chức năng quản lý Nhà nước về BHXH với chức năng quản lý sự nghiệp BHXH.

Thứ ba, công tác thu BHXH để hình thành quỹ BHXH, giải quyết các chế độ, chính sách và việc sử dụng quỹ BHXH còn những tồn tại là:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thu BHXH nhưng lại giao khoán cho các ngành Tài chính, Thuế, Kho bạc, Ngân hàng và sự tự giác của các đơn vị sử dụng lao động trong việc thu, nộp BHXH. Do đó, kết quả thu BHXH do hai ngành thực hiện đạt kết quả không cao, nhất là đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy sự bao cấp của Ngân sách Nhà nước ngày càng tăng nhanh (biểu số 1).

- Trong cơ cấu chi BHXH do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý có một số điểm chưa hợp lý; khoản kinh phí chi quản lý và cho sự nghiệp BHXH chiếm tỷ lệ cao trong tổng số chi. Tính từ năm 1962 đến tháng 9/1995, tổng số chi 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động là 394,2 tỷ (chiếm 37,63% tổng số chi) còn chi cho quản lý và sự nghiệp BHXH là 653,3 tỷ đồng (chiếm 62,37% tổng số chi), đặc biệt là tốc độ chi cho xây dựng cơ sở vật chất và chi nghỉ dưỡng sức tăng đột biến trong các năm từ 1991 đến tháng 9/1995 (biểu số 4).

Theo báo cáo của Thanh tra Nhà nước về việc làm thủ tục xét duyệt và cấp sổ hưởng chế độ BHXH năm 1993 - 1994, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết 263.271 người; đã tiến hành kiểm tra 46.745 hồ sơ thì đã có 9.655 hồ sơ giải quyết sai chế độ quy định, chiếm 20,65% so với hồ sơ đã kiểm tra, trong đó: làm hồ sơ giả 120 hồ sơ, chiếm 0,26% hồ sơ kiểm tra; đã nghỉ theo Quyết định 176/HĐBT nay chuyển sang hưởng chế độ hưu là 410 hồ sơ, chiếm 0,88% so với tổng số hồ sơ kiểm tra; khai tăng năm công tác, khai tăng tuổi đời, khai sai ngành nghề là 8.905 hồ sơ bằng 19,05% hồ sơ kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ cũng đã phát hiện rất nhiều trường hợp sức khỏe tốt nhưng cũng được Hội đồng giám định y khoa xác định tỷ lệ mất sức từ 61% trở lên [18].

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa quan tâm thực sự đến công tác thu, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Còn có nhiều tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của Ngân sách Nhà nước. Các ngành hầu như không phân công và cán bộ làm công tác chuyên trách về quản lý thu, không nắm được số người lao động và quỹ tiền lương của đơn vị phải tham gia BHXH bắt buộc. Việc phân cấp giải quyết chính sách đến tận cấp huyện và giao quyền cho chủ sử dụng lao động được lập hồ sơ và ra quyết định hưởng các chế độ BHXH, chỉ tổ chức kiểm tra một cấp. Không có sự phối hợp quản lý đối tượng giữa các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trong tỉnh và giữa các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trong toàn quốc, đã dẫn đến tình trạng quản lý, thẩm định hồ sơ lỏng lẻo, không quản lý được đối tượng là nguyên nhân dẫn đến có nhiều sai sót trong thực hiện giải quyết chế độ cho người lao động, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng làm hồ sơ giả để hưởng các chế độ BHXH, làm thất thoát công quỹ, ảnh hưởng đến uy tín quản lý, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pot (Trang 68 - 71)