Giai đoạn trước

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pot (Trang 28 - 34)

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm và thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động. Sắc lệnh số 54 ngày 03/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời quy định những căn cứ, điều kiện để các công chức nhà nước được hưởng chế độ hưu trí. Sắc lệnh số 105 ngày 14/06/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ấn định việc cấp hưu bổng cho công chức nhà nước. Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/05/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong đó có quy định cụ thể về các chế độ thai sản, chăm sóc y tế, tai nạn lao động, trợ cấp hưu trí và và tiền tuất đối với công chức nhà nước. Sắc lệnh số 29 ngày 13/03/1947 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời và Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/05/1950 quy định các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân. Như vậy đến thời kỳ này (1950), đối tượng tham gia và hưởng các chế độ BHXH chỉ gồm hai đối tượng là công chức nhà nước và công nhân; và gồm có các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước. Các chế độ gồm có 6 loại trợ cấp: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất; ngoài ra hệ thống Liên đoàn Lao động còn thực hiện thêm sự nghiệp nghỉ dưỡng sức.

Ngày 15/11/1982, Liên hiệp xã Trung ương đã có Quyết định số 292/BCN-LĐ ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với xã viên Hợp tác xã và các tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Về cơ bản, các chế độ BHXH quy định trong Điều lệ này cũng được mô phỏng tương tự như các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước.

Ngày 18/9/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236/HĐBT cho phép quy đổi một năm công tác thành 1 năm 2 tháng, 1 năm 4 tháng và 1 năm 6 tháng tùy theo điều kiện lao động và chiến đấu.

Ngày 22/06/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/CP quy định tạm thời chế độ BHXH áp dụng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc khối hành chính sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể; người lao động làm việc ở trong các doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên; người lao động làm việc trong các khu vực kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài. Các chế độ BHXH gồm có ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Ngoài ra còn quy định loại hình BHXH tự nguyện áp dụng từ 1 đến 5 chế độ đối với những người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ngày 30/09/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/CP quy định tạm thời chế độ BHXH đối với lực lượng vũ trang, quy định các chế độ BHXH đối với sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân. Các chế độ BHXH gồm có: trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Kể từ khi có Sắc lệnh số 54 ngày 03/11/1945 đến năm 1995 (giai đoạn trước khi thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thu BHXH, giải quyết chế độ chính sách, chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng được thụ hưởng do một số tổ chức tham gia thực hiện, đó là: Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bộ Nội vụ (trước đây) nhiệm vụ này chuyển sang cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể là:

Tổng Công đoàn Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý quỹ BHXH và toàn bộ sự nghiệp BHXH của công nhân viên chức nhà nước, cụ thể là: quản lý toàn bộ quỹ, lập dự toán, quyết toán, tổng kết việc chi tiêu; hàng năm báo cáo trước Hội đồng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp công đoàn trong công tác quản lý quỹ BHXH. Quy định những biện pháp, thể lệ cụ thể về quản lý quỹ và chế độ kế toán tài vụ; phân phối điều hòa và xét duyệt dự toán hàng quý, hàng năm của cấp dưới. Quản lý các nhà dưỡng lão, nhà an

dưỡng, nhà nghỉ mát của công nhân, viên chức nhà nước. Tham gia việc nghiên cứu, xây dựng chính sách và chế độ về BHXH đối với các cơ quan nhà nước [42].

"Việc đôn đốc nộp tiền và việc thực hiện kế hoạch thu, chi thuộc quỹ BHXH do Tổng Công đoàn Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước phụ trách" [42].

Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng Công đoàn Việt Nam quy định ba cấp quản lý quỹ BHXH như sau:

Tổng Công đoàn Việt Nam là cấp tổng dự toán. Các Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành, Liên hiệp Công đoàn khu tự trị Thái Mèo, Liên hiệp Công đoàn khu Hồng Quảng, Công đoàn khu gang thép Thái Nguyên, Liên hiệp Công đoàn các cơ quan Trung ương. Công đoàn các cơ quan xung quanh khu tự trị Việt Bắc và các ngành dọc như: Công đoàn đường sắt, Công đoàn hậu cần, Công đoàn giao thông vận tải, Công đoàn kiến trúc Việt Nam là các đơn vị dự toán cấp 1. Các công đoàn cơ sở là đơn vị dự toán cấp 2 (Những công đoàn cơ sở được coi là đơn vị dự toán cấp 2 là những công đoàn đơn vị chuyên môn, có tài khoản riêng, trực tiếp quản lý lao động, tiền lương) [57].

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH đã nảy sinh các mối quan hệ giữa các Bộ quản lý nhà nước và Tổng Công đoàn Việt Nam, cần phải được phân công lại cho phù hợp với thực tiễn. Ngày 20/03/1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 31/CP về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Công an, Bộ Y tế và Tổng Công đoàn Việt Nam, trong đó quy định:

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ: phụ trách công tác cứu tế xã hội và an toàn xã hội, công tác quản lý nhà đất, công tác quản lý hàng binh. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ về hưu trí, tiền tuất, nghỉ việc về mất sức lao động đối với công nhân viên chức nhà nước, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ ấy (kể cả việc quản lý quỹ và quản lý các trại an dưỡng) [44].

Tổng Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ: phụ trách nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ về phúc lợi tập thể (gồm

các vấn đề trợ cấp cho gia đình đông con, trợ cấp cho gia đình gặp khó khăn, vấn đề nhà trẻ), về BHXH (trừ các chế độ về hưu trí, tiền tuất, nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ Nội vụ phụ trách) đối với công nhân, viên chức nhà nước; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ ấy [44].

Thi hành Nghị định số 43/CP ngày 22/06/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ BHXH, ngày 18/06/1994, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21/LB-TT hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH theo hình thức bắt buộc, quy định về trách nhiệm tổ chức quản lý như sau:

Trong khi chưa có tổ chức Bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định 43/CP thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý thực hiện các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và thực hiện các chế độ hưu trí, tử tuất (kể cả chế độ mất sức lao động trước đây).

Về bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH của hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được tổ chức thành ba cấp, đó là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Lao động ngành nghề: đường sắt, dầu khí, bưu chính viễn thông, xây dựng, ngân hàng...; Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài ra còn có các Công đoàn cơ sở ở các đơn vị có người lao động tham gia BHXH (Sơ đồ số 2).

Đối với hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội, hình thành ba cấp quản lý: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (trực thuộc ủy ban nhân dân huyện), các đơn vị cấp dưới chịu sự quản lý và điều hành về mặt nghiệp vụ của đơn vị cấp trên (Sơ đồ số 1).

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pot (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)