3.2.1. Quản lý toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ, an toàn, chính xác, kịp thời và hiệu quả các loại vốn, nguồn vốn đúng pháp luật quy định
Quá trình quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam là quá trình quản lý và xử lý nghiệp vụ về mặt tài chính tất cả các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong mọi hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phải tổ chức quản lý toàn diện mọi nguồn kinh phí để hình thành quỹ bảo hiểm xã hội, đến mọi nội dung chi ra từ quỹ bảo hiểm xã hội. Từ khâu chứng từ gốc ban đầu ghi chép, phản ánh trung thực các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; đến khâu kiểm tra, thẩm định, hạch toán kế toán, lập báo cáo quyết toán và phê duyệt báo cáo quyết toán. Từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả, tìm nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc để đề ra biện pháp quản lý mới cho kỳ kế hoạch tiếp theo. Phải quản lý, kiểm tra đối với từng tổ chức và con người cụ thể thực thi nhiệm vụ quản lý tài chính.
Công tác quản lý phải được tiến hành đồng bộ từ khâu ban hành, hướng dẫn chế độ chính sách đến khâu tổ chức thực hiện. Hệ thống các văn bản phải đồng bộ, không được chồng chéo, mâu thuẫn, phải cụ thể, đạt được mục tiêu dễ hiểu, dễ làm, dễ nhớ, dễ kiểm tra. Phải đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, bộ phận nghiệp vụ và từng cá nhân trong quá trình quản lý. Phải đảm bảo đồng bộ giữa cấp trên và cấp dưới (Bảo hiểm xã hội Việt Nam – Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố – Bảo hiểm xã hội huyện - Đơn vị sử dụng lao động) và mối quan hệ phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong hệ thống với nhau (Bảo hiểm xã hội các tỉnh trong toàn quốc và Bảo hiểm xã hội các huyện trong tỉnh) trong quá trình xử lý các nghiệp vụ thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý (quản lý thu bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ chính sách, chi bảo hiểm xã hội, chi quản lý bộ máy, chi đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động đầu tư quỹ).
Tất cả các loại vốn, nguồn vốn trong hệ thống phải được quản lý chặt chẽ theo đúng chế độ tài chính của Nhà nước và quy định đặc thù riêng có Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phải đảm bảo an toàn, hạn chế thất thoát rủi ro đến mức độ thấp nhất. Tất cả các hoạt động nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý phải được xử lý kịp thời, đảm bảo chính xác và phải đạt hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.