2.3.1 Hệ thống kênh phân phối trên thị trường Việt Nam:
Hệ thống phân phối ở Việt Nam hiện nay chủ đạo bởi hệ thống phân phối truyền thống với kênh phân phối chính là chợ và các tiệm bán lẻ rải rác khắp các địa phương. Trong những năm qua chúng ta cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống kênh phân phối hiện đai, tiêu biểu nhất là hệ thống phân phối qua internet và đặc biệt là hệ thống các siêu thị.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 180 siêu thị, 40 trung tâm thương mại, 150.000 cửa hàng bán lẻ và 9000 chợ các loại, trong đó đã và đang hình thành trên 150 chợ đầu mối cấp tỉnh, 4 chợ đầu mối cấp vùng bán buôn hàng nông sản. Bán lẻ hiện đại dưới hình thức siêu thị tự chọn, các cửa hàng, trung tâm thương mại tuy mới xuất hiện từ những năm 1994 nhưng đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Và trên thực tế, các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng trở nên quen thuộc với cả tầng lớp bình dân. Đến nay các cửa hàng theo kênh phân phối này không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, như TP.HCM, Hà Nội, mà còn mở rộng đến các tỉnh có tiềm năng, các đô thị mới, ngoại thành.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của kênh phân phối hiện đại này khoảng 15%- 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ khác 10% và của nền kinh tế 7%- 8%. Từ chỗ chỉ chiếm dưới 3% thị phần bán lẻ, đã tăng lên khoảng trên 10%-30% và
tốc độ này đang ngày càng tăng cao, đến 30%-40%.
Liên tục trong các năm gần đây, phân phối luôn đứng vị trí thứ hai trong các yếu tố người tiêu dùng quyết định chọn lựa sản phẩm, trên cả yếu tố giá cả, ấn tượng thương hiệu, sản phẩm mới hay tiếp thị.
Sơ đồ 03 : Tỷ lệ các yếu tố chọn lựa của người tiêu dùng khi mua hàng
(nguồn : Báo Sài Gòn tiếp thị )
Qua sơ đồ trên ta nhận thấy mọi nỗ lực của nhà sản xuất nhằm giảm giá hay quảng bá, tiếp thị dù tốt cách mấy dường như cũng không có ý nghĩa nếu điểm bán hàng không thuận lợi cho người tiêu dùng lui tới.
Có thể nói, nếu như năm 2003, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu và tới năm 2004, sự an toàn trong sản phẩm là cái mà người tiêu dùng đòi hỏi đến thì năm 2007, 2008 chất lượng, sự an toàn chỉ còn là vấn đề tất yếu, cái mà người tiêu dùng
hiện nay quan tâm là sự tiện lợi khi mua sản phẩm.
Với nhóm sản phẩm cạnh tranh mà không chênh nhau đáng kể về chất lượng thì yếu tố dễ mua là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng. Nhóm hàng thiết yếu thì mức độ quan tâm đến yếu tố phân phối càng cao. Chẳng hạn ngành dược, theo kết quả năm 2005, có đến 27,6% trong 6 yếu tố (phân phối, chất lượng, giá cả, tiếp thị, sản phẩm mới và thương hiệu) lựa chọn của người tiêu dùng là bởi sản phẩm có mạng lưới phân phối tốt.
Có thể thấy rõ điều này qua kết quả điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2006, về thứ tự lựa chọn nơi mua hàng, là cửa hàng chuyên, đại lý, siêu thị, tiệm tạp hoá, chợ. Các kênh phân phối hiện đại bao gồm siêu thị, đại lý, cửa hàng chuyên chiếm tỷ lệ áp đảo, đến 78,53% trong lựa chọn nơi mua hàng của người tiêu dùng. Các kênh phân phối truyền thống gồm chợ, tiệm tạp hoá và các kênh khác đang thu hẹp dần tỷ trọng trong lưu lượng hàng đưa ra thị trường của doanh nghiệp HVNCLC nói chung.