Việt Nam khai thác và sản xuất cao su chủ yếu để xuất khẩu, xuất khẩu chiếm 80% tổng sản lượng cao su. Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cao su trên thế giới, chuyển từ thị trường xuất khẩu cao su truyền thống là Liên Xô và các nước Đông Âu sang thị trường các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực. Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam đã được mở rộng trên 60 thị trường đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ , EU.... (trong đó các nước trong khu vực châu Á chiếm tới 72.2%, châu Âu chiếm 25.1%, còn lại là Châu Mỹ và châu Đại dương)
Bảng 2.18: Thị trường xuất khẩu của Việt Nam năm 2002 – 2008 Đơn vị tính: Tấn STT Nước 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 1 Bỉ 9.527 11.191 13.764 14.998 11.646 10.502 7.682 2 Đài Loan 23.906 20.988 18.755 22.518 21.546 29.809 19.411 3 Đức 14.483 17.937 18.408 20.718 26.701 26.436 22.765 4 Hàn Quốc 23.957 25.883 27.815 29.053 28.607 32.632 26.628 5 Malaysia 28.345 12.293 5.648 5.975 9.099 31.974 18.392 6 Mỹ 16.485 12.252 16.085 19.216 17.365 20.088 17.389 7 Nga 7.462 14.143 15.092 19.159 18.692 14.706 12.229 8 Nhật Bản 15.441 11.536 13.274 11.521 10.687 11.154 11.583 9 Trung Quốc 160.709 187.099 205.966 369.764 427.721 328.808 369.471
Nguồn: Tổng hợp số liệu Bộ Công Thương
Xét trên thị trường chung của thế giới thì thị phần xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tổng cao su xuất khẩu toàn thế giới cũng đang trên chiều hướng tăng. Điều này phần nào thể hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang dần được nâng cao. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2000 – 2004 thị phần cao su của Việt Nam đạt 4.43 % còn giai đoạn 2005 – 2008 đã tăng lên 9,75 %.
Tuy nhiên, do diện tích trồng cây cao su và sản lượng khai thác của Việt Nam còn thấp do đó xét trên thị trường chung, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều những đối thủ cạnh tranh lớn như là Thái Lan (40.8%), Indonexia (27.6%), Malaysia(14.2%) đã chiếm gần 85% tổng sản lượng cung cấp cao su tự nhiên cho toàn thế giới. So sánh thị phần của các nước xuất khẩu cao su tự nhiên, ta thấy thị phần của Việt Nam ( 9,75%) tuy đã cải thiện và được nâng cao nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Xét riêng thị phần của Việt Nam trên 3 thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
2.2.2.1 Trung Quốc
Cho đến nay, Với dân số khoảng 1,3 tỷ người, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn mới nổi với mức độ tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, nhằm phục vụ cho ngành sản xuất chế tạo ô tô. Do diện tích trồng cao su còn hạn chế nên sản lượng trong nước không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến cao su Trung Quốc, nên Trung Quốc phải nhập khẩu rất nhiều cao su tự nhiên từ nước ngoài. Do vậy Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, bởi lẽ 90% sản lượng mủ cao su SVR 3L, 5L của Việt Nam phù hợp với việc sản xuất săm lốp cao su của các nhà máy Trung Quốc. Năm 2008, công nghiệp cao su Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển hoàn thiện. Nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ gia tăng đều đặn và chủ yếu là nhập khẩu. Mức tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc ngày càng tăng, năm 2007, mức tiêu thụ đạt 1,8 triệu tấn tăng 1,6 triệu tấn so với năm 2006. Đến năm 2010, dự đoán mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng từ 7 – 10%. Đây chính là thị trường đầy tiềm năng với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu cao su thiên nhiên. Định hướng tập trung phát triển thị trường Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn. Trong giai đoạn 2002 – 2008, sản lượng của cao su Việt
Nam xuất khẩu gần 400 tấn nhiều hơn gấp 10 lần sản lượng xuất khẩu sang các thị trường khác. Doanh thu đạt được khoảng 966 triệu USD. Nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường này khiến cho tiêu thụ cao su của các doanh nghiệp của ta trở nên bấp bênh hơn bởi hầu hết các doanh nghiệp đều xuất khẩu cao su sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu nên dễ bị ép giá hoặc không thanh toán được.
Thực tế, Việt Nam không chỉ là một đối tác của Trung Quốc, Trung Quốc cũng nhập khẩu rất nhiều cao su tự nhiên từ các nước trong khu vực khác. Trong đó, Thái Lan vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường Trung Quốc ( chiếm 45%), nhưng bên cạnh đó tỉ trọng của Việt Nam cũng đạt 15,4% đứng thứ hai ở thị trường Trung Quốc. ( Hình 2.20 )
2.2.2.2 Nhật Bản
Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và EU) với các chủng loại RSS 3 và TSR 20. Hằng năm, Nhật Bản nhập khẩu các loại cao su gồm: cao su tự nhiên và cao su tổng hợp để sản xuất lốp ôtô và các sản phẩm cao su phục vụ tiêu dùng và sử dụng trong các ngành công nghiệp khác như: đế giày, dép cao su, găng tay cao su, ống cao
su… Hằng năm, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD cao su tự nhiên để phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhập khẩu khoảng 550 triệu USD cao su tổng hợp và cao su hỗn hợp phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng cao su khác
Hiện nay, ta chủ yếu xuất khẩu cao su tự nhiên SVR sang Nhật Bản, khoảng 11-14 ngàn tấn/năm. Thị phần cao su xuất khẩu của ta tại Nhật Bản chỉ đạt khoảng 1,4% với kim ngạch khá khiêm tốn, khoảng 30 triệu USD/năm. Ta chưa xuất khẩu nhiều chủng loại cao su sang Nhật Bản, chủ yếu là cao su khối SVR 3L. Trong khi đó, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu cao su ly tâm (RSS 3 và TSR 20) để sản xuất lốp ôtô thì ta lại xuất khẩu sang Nhật rất ít so với Thái Lan, Inđônêsia và Malaysia. Thị trường cao su Nhật Bản là tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bảng 2.21 Thống kê kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nhật Bản Đơn vị tính: 1.000 USD Miêu tả hàng hóa 2007 10 tháng 2007 10 tháng 2008 2008/2007 Cao su RSS 1,553 1,179 1,511 28.2% Cao su (TSNR) 14,910 12,561 15,222 21.2% Cao su dạng khác 13,250 10,442 11,693 12.0% Tổng cộng 29.714 24.182 28.426 17.6%
Nguồn: Hải quan Nhật Bản
Thị phần cao su tại Nhật Bản cụ thể như sau ( Hình 2.22)
- Cao su xông khói RSS: Thái Lan chiếm 95%, Inđônêsia chiếm 2,7%, Malaysia chiếm 1,5% và Việt Nam chiếm 0,2%;
- Cao su TSNR: Inđônêsia chiếm 79%, Thái Lan chiếm 19%, Việt Nam chiếm 1,2% và Malaysia chiếm 0,6%;
- Cao su tự nhiên dạng khác: Thái Lan chiếm 77,2%, Inđônêsia chiếm 14,6%, Việt Nam chiếm 5% và Malaysia chiếm 0,8%.
Thị trường cao su tại Nhật có mức tiêu thụ ổn định, nhưng yêu cầu rất cao về chất lượng, đảm bảo môi trường, yêu cầu kinh doanh có uy tín và đảm bảo thời gian giao hàng. Để có khách hàng truyền thống Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có hướng kinh doanh lâu dài, kiên trì trong bước đầu lập mối quan hệ, năng lực sản xuất và chất lượng ổn định, luôn giữ uy tín thương mại, tạo điều kiện cho khách hàng đến tìm hiểu, tham quan trực tiếp cơ sở sản xuất. Khi đã tạo được niềm tin với khách hàng Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ tăng cơ hội kinh doanh thành công và đứng vững trên thị trường khó tính này.