Trước năm 1945, đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ do đó BHXH chưa được thực hiện nhưng đã bắt đấu có mầm mống. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước ta đã sớm quan tâm tới chính sách BHXH, việc thực hiện chính sách BHXH được triển khai khá sớm. Những văn bản pháp luật về BHXH được lần lượt ban hành như: Sắc lệnh số 54/SL ngày 14/06/1946 của Chủ tịch chính phủ lâm thời quy định những căn cứ, điều kiện để công chức nhà nước được hưởng chế độ hưu bổng; Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/05/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong đó có quy định cụ thể về chế độ thai sản, chăm sóc y tế, tai nạn lao động, trợ cấp hưu trí và tử tuất đối với công chức Nhà nước; Sắc lệnh số 29/SL ngày 13/03/1947 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/05/1950 quy định các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân. Đối tượng BHXH lúc này chỉ bao gồm hai đối tượng là công nhân và viên chức Nhà nước, chính sách BHXH bao gồm các chế độ: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất.
Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, thi hành Hiến pháp năm 1959, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức Nhà nước (kèm theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961). Theo Điều lệ tạm thời, quỹ BHXH được chính thức thành lập và thuộc vào Ngân sách Nhà nước. Các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước phải nộp một tỉ lệ phần trăm nhất định so với tổng quĩ lương, công nhân viên chức Nhà nước không phải đóng góp cho quỹ BHXH. Các chế độ BHXH được thực hiện gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất. Đây là văn bản pháp luật hoàn chỉnh nhất ở nước ta về BHXH lúc bấy giờ. Hệ thống BHXH có những đặc điểm sau đây:
- Đối tượng được hưởng BHXH là công nhân, viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang.
- Đối tượng hưởng BHXH không phải đóng phí BHXH. Chi BHXH chủ yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo một số phần do sự nộp nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Do đó, không tồn tại quỹ BHXH nằm ngoài ngân sách nhà nước.
- Chính sách BHXH gắn chặt với chính sách tiền lương đồng thời đan xen với các chính sách xã hội khác.
- Nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý và thực hiện BHXH như Bộ Lao động, công đoàn, Bộ Tài chính...
Đến ngày 22/06/1993 Chính phủ ban hành Nghị định 43/SL, quy định tạm thời về các chế độ BHXH trước hết nhằm xoá bỏ tư duy bao cấp trong hoạt động của BHXH. Nghị định này đã quy định rõ đối tượng tham gia, đối tượng được hưởng, các chế độ, nguồn hình thành quỹ BHXH. Nghị định này ra đời phù hợp với nguyện vọng của người lao động ở các thành phần kinh tế và phù hợp với công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta.
Năm 1986 chính phủ tiến hành cải cách mở của nền kinh tế, trước sự đổi mới kinh tế - xã hội mạnh mẽ về nhiều mặt, một thưc tế khách quan được đặt ra là công tác BHXH cũng cầng cần có được sự đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu của giai đoạn mới.
Do đó, trong thời gian từ năm 1995 trở lại đây, Nhà nước đã ban hành các văn bản về BHXH, bao gồm:
- Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước và mọi người lao động theo loại hình BHXH bắt buộc để thực hiện thống nhất trong cả nước. Các chế độ BHXH được qui định trong Nghị định 12/CP bao gồm: chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Như vậy, so với chính sách BHXH cũ, Điều lệ BHXH mới này chỉ còn thực hiện năm chế độ thay vì sáu chế độ, việc bỏ chế độ trợ cấp mất sức lao động được cả người sử dụng lao động và người lao động đều đồng tình ủng hộ.
- Nghị định 19/CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan BHXH Việt Nam. Từ ngày 1/10/1995, hệ thống BHXH Việt Nam bước vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc, sự ra đời và hình thành của BHXH Việt Nam là một bước ngoặt lớn, quan trọng trong quá trình phát triển của BHXH Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Ngày 29/06/2006, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH, qui định ngoài BHXH bắt buộc có thêm BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Luật BHXH đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của BHXH Việt Nam. Đây là văn bản có tính chất pháp lý cao nhất của BHXH từ trước đến nay, đã thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước thể hiện trong các văn kiện: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Hội nghị Trung ương V Khoá IX, Kết luận Hội nghị Trung ương VIII Khoá IX về cải cách chính sách tiền lương, cụ thể hoá “Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công” và Hiến pháp năm 1992 về quyền của người lao động.
Trong giai đoạn này, sự thay đổi quan trọng nhất trong quản lý BHXH là việc quỹ BHXH được quản lý tập trung thống nhất với một ngành quản lý và thực hiện các chính sách về BHXH của Nhà nước. Việc tập trung quản lý tạo ra sự thống nhất trong các hoạt động BHXH, việc chỉ đạo, phối hợp, kết hợp các hoạt động BHXH được chính xác nhịp nhàng, tránh được sự phân tán trong hoạt động BHXH như ở giai đoạn trước năm 1995.