Phân loại tín dụng chứng từ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động Thu tiền hàng Xuất khẩu theo phương thức tín dụng chứng (Trang 35 - 38)

Để phù hợp với những tình huống giao dịch khác nhau, hiện nay trong thương mại quốc tế chia ra nhiều loại L/C. Căn cứ theo tính chất thông dụng, người ta chia ra hai loại là L/C cơ bản và L/C đặc biệt.

Các loại L/C cơ bản:

L/C có thể huỷ ngang (Revocable L/C): Là L/C mà người mở có quyền đề nghị NHPH sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ bất cứ lúc nào mà không cần có sự chấp thuận và thông báo trước của người thụ hưởng, tuy nhiên lệnh chỉ có giá trị trong trường hợp hàng hoá chưa được giao. Do tính bấp bênh và quyền lợi của người xuất khẩu không được bảo đảm nên loại L/C hầu như không được sử dụng trong thực tế mà chỉ tồn tại trên lý thuyết.

L/C không thể huỷ ngang (Irrevocable L/C): Là L/C mà sau khi đã mở thì NHPH không được sửa đổi, bổ sung hay huỷ bỏ trong thời hạn hiệu lực của L/C nếu không có sự đồng thuận của người thụ hưởng và NHXN (nếu có). Do quyền lợi của người xuất khẩu được bảo đảm nên đây là loại L/C được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong TTQT. Theo quy định của UCP 600 thì “Một tín dụng là không thể huỷ ngang ngay cả khi tín dụng không quy định như thế”. Tức là với những L/C có dẫn chiếu UCP 600 thì đương nhiên nó là L/C không thể huỷ ngang. Hiện nay, do sự phổ biến của L/C không thể huỷ ngang nên các bên đều ngầm hiểu đã là L/C thì phải là loại không huỷ ngang, trừ khi nói rõ là có thể huỷ ngang.

L/C không huỷ ngang có xác nhận (Confirmed Irrevocable L/C):

Đây là một loại L/C không thể huỷ ngang được một NH thứ ba đứng ra xác nhận theo yêu cầu của NHPH. Trách nhiệm trả tiền L/C của NHXN là giống như NHPH nên NHPH phải trả phí xác nhận và thường phải ký quỹ tại NHXN. L/C này được hai NH đứng ra cam kết trả tiền nên nó là loại L/C đảm bảo nhất cho nhà xuất khẩu. Nhu cầu xác nhận L/C tuỳ thuộc vào mức độ tín nhiệm, tình hình tài chính của NHPH và tình hình kinh tế chính trị của quốc gia nơi NHPH đặt trụ sở.

L/C có thể chuyển nhượng (Transferable L/C): Là loại L/C trong đó quy định quyền của người thụ hưởng có thể yêu cầu NHPH hoặc một NH do NHPH uỷ quyền (NH chuyển nhượng) thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thực hiện L/C cũng như quyền đòi tiền mà mình có được cho một hoặc nhiều người thụ hưởng thứ hai. Mỗi L/C chỉ được chuyển nhượng một lần khi người thụ hưởng thứ nhất không tự cung cấp được hàng hoá mà chỉ là một người môi giới, là đại lý của người bán cuối cùng. Tuy nhiên loại L/C cũng ít được sử dụng vì nó chứa đựng nhiều rủi ro đối với người mở thư và người được chuyển nhượng do không có sự hiểu biết lẫn nhau.

L/C giáp lưng (Back to back L/C): Là loại L/C do người xuất khẩu yêu cầu NH phục vụ mình mở cho một người khác hưởng căn cứ vào một L/C đã được mở từ trước đó (L/C gốc). Nội dung của L/C gốc và L/C giáp lưng gần giống nhau, tuy nhiên chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Người thụ hưởng của L/C gốc được gọi là nhà trung gian, mua hàng từ người thụ hưởng của L/C giáp lưng và bán lại cho người mở L/C gốc. Do đó, số tiền, đơn giá, thời hạn giao hàng hay thời hạn hiệu lực của L/C giáp lưng phải chênh lệch đủ để đảm bảo cho nhà trung gian giao kịp hàng cho người mua cuối cùng và được bù đắp chi phí cũng như được hưởng phần thưởng nhất định từ chênh lệch giá. L/C giáp lưng được sử dụng trong trường hợp nhà xuất khẩu không thể tự mình cung cấp hàng mà L/C lại không thuộc loại có thể chuyển nhượng; hay trong trường hợp nhà nhập khẩu không chấp nhận một L/C chuyển nhượng; cũng có thể áp dụng khi nhà trung gian muốn giấu các thông tin giữa hai bên mua bán cuối cùng với nhau.

L/C tuần hoàn (Revolving L/C): Đây là loại L/C không thể huỷ ngang mà sau khi đã sử dụng hết giá trị của nó hoặc đã hết thời hạn hiệu lực thì nó lại tự động có giá trị như cũ và tiếp tục được sử dụng một cách tuần hoàn trong một thời hạn nhất định cho đến khi tổng trị giá hợp đồng được thực hiện hoàn tất. L/C tuần hoàn được sử dụng đối với những mặt hàng được mua bán thường xuyên, định kỳ, số lượng lớn, giao nhiều lần trong một thời gian nhất định hoặc các bên mua bán

quen thuộc và tin cậy lẫn nhau để tránh gây ứ đọng vốn không cần thiết và giảm các thủ tục ký hợp đồng và mở L/C cho mỗi lần giao hàng.

L/C dự phòng (Standby L/C): Là L/C do NH phục vụ người xuất khẩu phát hành trong đó cam kết với người nhập khẩu là sẽ hoàn trả lại số tiền đã đặt cọc, ứng trước và chi phí mở L/C cho nhà nhập khẩu trong trường hợp người xuất khẩu không hoàn thành nghĩa vụ giao hàng như đã quy định trong L/C.

L/C đối ứng (Reciprocal L/C): L/C này chỉ có hiệu lực khi L/C kia đối ứng với nó được mở. Trong hai L/C sẽ có một L/C mở trước và trong đó quy định nó sẽ chỉ có hiệu lực khi người thụ hưởng đã mở lại một L/C đối ứng cho người mở L/C này hưởng. L/C này được sử dụng trong quan hệ mua bán hàng đổi hàng hoặc gia công hàng hoá, khi mà người bán đồng thời là người mua và ngược lại.

L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C): Là L/C mà NHPH (theo yêu cầu của người mở) cho phép NHTB ứng trước cho người thụ hưởng một số tiền (tương ứng với một tỷ lệ nhất định giá trị L/C) được lấy từ tài khoản của người mở để mua hàng hoá, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hoá theo L/C đã mở. L/C điều khoản đỏ hiện nay được sử dụng khá rộng rãi, đặc biệt là trong thanh toán xuất nhập khẩu các hàng hoá nông, lâm, thổ sản có thời vụ bởi nó giúp nhà xuất khẩu giảm được khó khăn về tài chính và an tâm về thị trường xuất khẩu ổn định, còn với người mua thì tuy phải chịu chi phí và rủi ro về việc ứng trước nhưng bù lại sẽ được mua hàng với giá thấp hơn và ổn định được nguồn hàng nhập khẩu ngay cả khi giá cả quốc tế có đột biến.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động Thu tiền hàng Xuất khẩu theo phương thức tín dụng chứng (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w