Để nâng cao chất lượng công tác lập dự án, khảo sát, thiết kế thì trước mắt tỉnh nên giao cho thanh tra Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và đề xuất UBND tỉnh xử lý, uốn nắn kịp thời các sai phạm của tổ chức tư vấn xây dựng như hoạt động quá năng lực, không có chứng chỉ hành nghề, cho thuê, mượn danh nghĩa trong hoạt động tư vấn, thiết kế không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đảm bảo chất lượng, lập dự toán không đúng thực tế, khối lượng thiết kế. Sở Xây dựng nên phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề tư vấn xây dựng cho các tổ chức hoạt động tư vấn xây dựng. Tỉnh cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá năng lực chuyên môn các tổ chức hoạt động tư vấn xây dựng, công bố công khai năng lực, quy mô và phạm vi hành nghề của các tổ chức tư vấn quy hoạch, khảo sát, lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, thí nghiệm vật liệu...trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến từng UBND các huyện, thành phố, thị xã, thậm chí đến tận UBND xã, phường, thị trấn để cho các chủ đầu tư lựa chọn và để nhân dân trên địa bàn có công trình xây dựng biết, tham gia kiểm tra, giám sát. Kiên quyết rút giấy phép đăng ký kinh doanh,
chứng chỉ hành nghề tư vấn nếu các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện, năng lực hoạt động, không thực hiện các quy định trong đăng ký kinh doanh, vi phạm pháp luật. Đình chỉ, cấm hoạt động có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn có nhiều sai sót trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế, lập dự toán. Tất cả các việc rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động tư vấn của các tổ chức, cá nhân nên đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, đến các chủ đầu tư để họ không ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân này. Các đơn vị chức năng quản lý nhà nước chỉ thẩm định, trình hồ sơ dự án đầu tư khi tổ chức tư vấn đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật. Tóm lại, Thanh Hoá phải làm mọi cách để các tổ chức tư vấn phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm tư vấn và phải bồi thường thiệt hại, chịu xử lý hành chính, trường hợp nghiêm trọng, chịu xử lý hình sự, khi có quyết định sai thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần ban hành hướng dẫn hệ thống quản lý và quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm công tác tư vấn (khảo sát, lập dự án, quy hoạch, thiết kế, thẩm tra, giám sát thi công, thí nghiệm, kiểm định chất lượng...) để các đơn vị tư vấn thực hiện. Tỉnh nên có cơ chế khuyến khích các đơn vị tư vấn ứng dụng hệ thống kiểm tra chất lượng ISO, có chính sách khuyến khích các tố chức tư vấn trong tỉnh xắp xếp lại theo hướng cổ phần hoá, hình thành các tổ chức tư vấn độc lập như tổng công ty tư vấn, tập đoàn tư vấn, liên danh, liên kết với các tổ chức tư vấn lớn trong và ngoài nước để có đủ điều kiện và năng lực thực hiện các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.
Mặt khác, các tổ chức tư vấn phải tập trung nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, coi chất lượng là yếu tố hàng đầu quyết định sự sống còn của đơn vị. Muốn vậy các đơn vị tư vấn phải nâng cao trình độ, năng lực của người thực hiện, tăng cường kiểm tra ở các tổ, nhóm, bộ phận và chú trọng khâu kiểm tra chất lượng của sản phẩm tư vấn trước khi giao cho khách hàng. Tổ chức tư vấn cũng phải quan tâm đến con người như tuyển chọn, đào tạo và sử dụng đội ngũ tư vấn có trình độ cao.