Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ đã có từ rất lâu, nó đã ăn sâu bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước kia, tín ngưỡng thờ Mẫu có một thời gian bị coi là hiện tượng mê tín dị đoan, bị coi nhẹ. Nhưng hiện nay, loại hình tín ngưỡng này lại đang có xu hướng phục hồi và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các cơ sở thờ tự Mẫu đều được sửa sang bề thế, khang trang trên nguyên tắc bảo tồn các kiến trúc cổ có từ trước. Các lễ hội dân gian truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu được phục hồi và tổ chức định kỳ, thu hút nhiều khách thập phương. Bên cạnh đó, các hủ tục cũ cũng bùng ra cùng với một số hủ tục mới và nó có mặt ở khắp mọi nơi.
Kể từ khi có nghị quyết 24 “Về tăng cường công tác Tôn giáo trong tình hình mới” năm 1990 thì tín ngưỡng thờ Mẫu đang có những sự thay đổi trên cả phương diện nhận thức, cũng như hoạt động thực tiễn.
Chúng ta đã biết, tín ngưỡng thờ Mẫu đang dần phục hồi và phát triển cùng công cuộc đổi mới toàn diện của đảng. Nhưng sự phục hồi và phát triển đó đang nổi lên có xu hướng tập hợp các nữ thần có nguồn gốc từ các tôn giáo khác nhau. đó là kiểu đan ghép, tuân thủ xu thế hòa nhi bất đồng và “ảnh hưởng của kinh tế thị trường, tục thờ thần Tài …làm nảy sinh ra hiện tượng biến các nữ thần, thánh vốn liêm khiết thành kẻ cho vay nặng lãi, vay một trả mười, dùng cả đô la âm phủ, như hiện tượng bà Chúa Kho (Bắc Ninh)” [50, tr.321].
Tín ngưỡng thờ Mẫu đang có xu hướng Mẫu át Phật ở một số nơi, đa số các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ đều có điện thờ Mẫu. Trong đó, điện thần cũng có cách thức phối tự các ngôi đền, Phủ …và hiện tượng phổ biến nhất hiện nay là “ tiền Phật, hậu Mẫu ”, Quan Âm trong Phật giáo ấn độ là nam thần, sang đến Việt Nam bị “mẫu hóa” thành “Phật bà Quan Âm” và các “Mẫu ”ngự trong khuôn viên chùa Việt Nam nói chung và ở đồng bằng Bắc bộ nói riêng dường như là một kết cấu thống nhất. Nếu vì một lý do nào đó
mà chùa nào chưa có nhà hay gian thờ Mẫu riêng ngay cạnh lối đi trong chùa thì các đệ tử của tín ngưỡng Mẫu và dân chúng quanh vùng đều có ý thức phải cố gắng xây dựng càng nhanh càng tốt. Thông thường thì nơi thờ Mẫu được thi công cùng lúc với khi xây dựng chùa.
Ngoài ra, với cái lợi trước mắt một nơi đã bỏ vốn xây dựng, tu sửa cơ sở thờ tự để thu hút “hầu bao” tiền cúng công đức của khách thập phương. Mặt khác, các “con nhang”, “đệ tử” của Mẫu hầu hết là người làm ăn buôn bán. Vì vậy, họ không ngần ngại trong việc đóng góp vào việc xây dựng và sửa chữa nơi thờ tự các Thánh Mẫu.
Ngày nay, khi xã hội đang có những biến đổi sâu sắc về kinh tế-chính trị, xã hội - văn hóa thì hình thức hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta vẫn duy trì, phát triển và có những biểu hiện khá phức tạp. Tín ngưỡng thờ Mẫu đang có xu hướng tiến gần tới mê tín dị đoan. Tuy nhiên, xu hướng chính và chủ đạo của tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng và được biểu hiện như một hoạt động mang tính xã hội, giáo dục. Xu hướng lịch sử hóa, huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử trong các hiện tượng tín ngưỡng là xu hướng chủ đạo, là quy luật của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng nằm trong xu hướng đó, nếu không gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước thì không thể tồn tại lâu dài trong nhân gian được. Có một hiện tượng nổi bật của tín ngưỡng Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, đó là Bà Chúa Kho(Bắc Ninh). Trong quan niệm dân gian hiện nay thì Bà Chúa Kho: “ chưa được tôn Thánh, nhưng lòng ngưỡng mộ của dân chúng đối với bà thật là kỳ diệu…đền Bà Chúa Kho đã trở thành trung tâm thờ cúng tầm cỡ quốc gia” [29, tr.86-87].
Bà Chúa Kho không phải là một nhân vật được nghi chép trong chính sử, mà chỉ được lưu truyền trong dân gian, Bà được gắn với thể chế nhà nước phong kiến Việt Nam.
Theo GS.TS Ngô đức Thịnh thì những tư liệu và truyền thuyết thu thập được về Bà Chúa Kho cũng ít nhiều liên quan tới tục thờ Mẹ lúa nguyên thủy, và ông đã đưa ra một giả thuyết cho rằng: “nguồn cội ban đầu của Bà Chúa Kho là nữ thần mẹ lúa” [ 45, tr.151]. Từ những năm 1990 trở lại đây, như mọi người đều biết xu hướng thờ cúng Bà Chúa Kho(Bắc Ninh) nổi lên như một điển hình của tín ngưỡng dân gian Việt Nam sau
thời kỳ đổi mới. Di tích đền Bà Chúa Kho vốn nhỏ bé và có phần tĩnh lặng xưa kia, nay đã thay da đổi thịt nhộn nhịp hẳn lên….Và những người đến cầu khấn không còn là những nông dân như trước kia, mà nay chủ yếu là thương nhân, thị dân, viên chức nhà nước. Tác giả viết: “một tín ngưỡng ban đầu mang tính hướng nội của cộng đồng làng xã nay trở thành một tín ngưỡng mang tính hướng ngoại, tức chủ yếu phục vụ cho những người bên ngoài cộng đồng” [45, tr.152].
Ngày nay, nhiều nơi trên đất nước ta, nhân dân đã lập đền để thờ các vị nữ anh hùng dân tộc trong lịch sử như Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định... Bên cạnh đó, trong tâm thức của người dân, các Mẫu luôn luôn ở gần con người, thậm chí ở ngay xóm làng, với mục đích là đáp ứng những nhu cầu tinh thần cho xóm làng. Ví dụ, ở Yên Thế, nơi thờ vợ ba của Hoàng Hoa Thám, một nữ anh hùng dân tộc của đầu thế kỷ XX, đã trở thành Mẫu và làm tăng thêm danh mục thờ Mẫu ở nước ta.
Cùng với xu hướng thiên về mê tín dị đoan là xu hướng thiên về hình thức, phô trương gây lãng phí của cải và thời gian trong nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Ví dụ. Khi đến các Phủ, Đền …để lễ các Thánh Mẫu có người mua rất nhiều thứ vàng mã đắt tiền, với những mâm cỗ chay, mặn cao ngất. Thậm chí có người còn bỏ nhiều tiền để lập một hay nhiều giá đồng với nhiều mục đích khác nhau.
Ngoài những xu hướng trên, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại một xu hướng nữa đó là xu hướng “ thiết chế hóa” trong hệ thống lễ hội của loại hình tín ngưỡng này. Chúng ta biết rằng trong một lễ hội, nhất là một lễ hội thờ Mẫu truyền thống từ rất xưa của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ thì bản thân những nhân tố “bên trong” còn bị ảnh hưởng bởi nhân tố “bên ngoài”, đó là những ảnh hưởng của các thể chế nhà nước thuộc các chế độ chính trị đương thời đang tồn tại. Các tác động, ảnh hưởng ấy một mặt là yếu tố văn hóa truyền thống có được từ hàng ngàn năm, mặt khác nó lại mang yếu tố “ngoại sinh” vì nó được chi phối nhiều của quá trình “thiết chế hóa” của hệ thống lễ hội nói chung, với mục đích làm cho các lễ hội của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu này không chỉ dừng lại là những sinh hoạt văn hóa dân gian thông thường mà dần từng bước sẽ trở thành những thiết chế văn hóa với những chức năng xã hội ngày càng được xác định rõ
ràng bằng một cơ chế tổ chức, cơ sở vật chất, cơ sở thờ tự và sinh hoạt đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay.