Không một vùng quê nào trên đất nước Việt Nam nói chung và ở đồng bằng Bắc bộ nói riêng, lại không có những truyền thuyết gắn các bà Mẹ - các nữ thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng có chiều dài lịch sử cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang trở thành vấn đề trung tâm của nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu từ trước tới nay trong hệ thống tín ngưỡng dân gian. đó là Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ Bất Tử của người Việt, đại diện cho thế giới tinh thần, là chỗ dựa cho đời sống tâm linh của con người. Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu có quyền uy lớn nhất trong tín ngưỡng Mẫu Tam phủ - Tứ phủ, là một nhân vật nửa có thật, nửa được nhân dân xây dựng thêm bằng những truyền thuyết gắn liền với những thời kỳ lịch sử của dân tộc. Mẫu Liễu Hạnh đã góp phần làm hoàn thiện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ. Khác với những truyền thuyết về nữ thần và các Mẫu khác, cuộc đời trần thế của Giáng Tiên quá ngắn. Lúc sống nơi trần thế, là một người phụ nữ bình thường, không có công lao gì to lớn, nhưng khi chết lại trở thành thánh uy linh, làm được tất cả mọi thứ…Mặt khác, Mẫu Liễu Hạnh đã có được sự kết hợp với những mức độ khác nhau với đạo giáo, Phật giáo…
Chúng ta biết rằng, trong dân gian vai trò của Mẫu Liễu Hạnh trong đời sống tâm linh của người dân rất đặc biệt. Không phải các Mẫu khác trong tín ngưỡng thờ Mẫu không linh ứng và cứu giúp, phù hộ cho người dân. Tuy nhiên, Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân tôn thờ, ngưỡng vọng hơn bất cứ vị Thánh Mẫu nào khác và việc tôn thờ ấy từ lâu đã trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa của cả cộng đồng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã hội tụ đủ yếu tố Thần Thánh và con người, rất lý tưởng nhưng lại rất hiện thực, ở rất cao xa nhưng cũng rất gần gũi với con người và là hiện thân của một người phụ nữ bình thường, dân dã.
Với những lý do trên, trong khuôn khổ luận văn này tác giả luận văn chỉ xin đề cập đến thực trạng ba trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh(Mẫu Tứ phủ) hiện nay. đó là: Phủ Dầy (Nam định), Đền Sòng(Thanh Hóa) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội).