* Phủ Dầy:
Phủ Dầy là di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh - quê hương của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Dầy là một quần thể di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975.
Phủ “Dầy” hay “Giầy” gắn với những huyền thoại khác nhau về vùng đất, chẳng hạn:
- Khi gọi Kẻ giầy - Phủ Giầy xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá nhớ thương gia đình, chồng con nên đã để lại một chiếc giầy ở trần gian trước khi về thượng giới hoặc có huyền thoại: Vua đi qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giầy nên đã lập nơi thờ tự và gọi đó là Phủ Dầy.
- Khi gọi Phủ Dầy còn vì chính nơi này có món bánh dày - giò nổi tiếng, lại có người cho rằng: Kẻ Dày xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dầy trước cửa phủ.
- Phủ Dầy bắt nguồn từ tên một làng cổ “ Kẻ giầy”. Theo “ Sự tích công chúa Liễu Hạnh ” của Trọng Nội, Xuất bản năm 1959 thì: đời Vua Anh Tông (1557) làng kẻ Giầy đổi thành xã An Thái gồm: Vân Cát, Vân Cầu, Vân La (Vân đình) và Vân Miếu. đến đời Gia Long, Vân Cát chia thành 2 xã là Vân Cát và Kim Thái. Sang đời Tự đức (1860) xã An Thái đổi thành 2 thôn Vân Cát và Tiên Hương xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam định.
Như vậy, Vân Cát là nơi sinh ra, Tiên Hương là quê chồng và là nơi chôn cất Mẫu Liễu Hạnh khi Bà qua đời sau lần giáng trần thứ nhất. Phủ Dầy chính là “cái nôi” sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh và là tên gọi chung cho một quần thể các di tích của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở huyện Vụ Bản Nam định. Tên di tích được gọi theo địa danh ở địa phương.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam trong cuốn “ Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh ”( tái bản năm 2004 thì): “Quần thể Phủ Dầy nằm trên địa bàn xã Kim Thái, chủ yếu là hai thôn Vân Cát và Tiên Hương gồm 19 di tích…” [37, tr.32].
Tại Phủ Dầy có ba di tích lớn, tiêu biểu là Phủ Tiên Hương (còn gọi là phủ chính), Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu. Những di tích này cũng là di tích trực tiếp thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài ra, còn hơn chục đền phủ, chùa chiền có liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh. Luận văn này, chỉ xin đề cập đến ba di tích lớn, tiêu biểu liên quan trực tiếp đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở tại quê hương Thánh Mẫu trong quần thể Phủ Dầy.
Thứ nhất, Phủ Tiên Hương (phủ chính).
Phủ Tiên Hương thuộc thôn Tiên Hương, nằm cạnh đường giao thông liên xã. Năm Dương Hóa thứ 8 triều vua Lê Thần Tông (1642) triều đình xuống chỉ cho địa phương xây đền lợp ngói.Trải qua nhiều lần tu sửa, Phủ Tiên Hương vẫn còn dấu tích của phủ cổ trước kia.
Năm 1996 Phủ Tiên Hương đã được sửa chữa lớn để thờ phụ thân của Mẫu Liễu Hạnh và thờ cả đức Thánh Trần. Phủ Tiên Hương còn lưu giữ được một số sắc phong, sớm nhất là đời Lê Chính Hòa, rồi đến Lê Vĩnh Thịnh, Lê Vĩnh Khánh đầu thế kỷ XVIII.Thánh Mẫu được tôn là “Mạ vàng công chúa”, “Mẫu nghi thiên hạ”…
Khi đến phủ này, từ xa có thể nhìn thấy rõ vì phủ rất rộng. Từ ngoài bước vào chúng ta gặp ngay một giếng tròn mang ý nghĩa tụ thủy để tụ phúc, giữa giếng tròn là một ụ đất làm nơi cắm cờ mỗi khi mùa hội tới. Cán cờ là một cây tre hoặc một cây gỗ cao được dựng đứng lên, đầu cây buộc một túm lá hoặc một con quạ gỗ với ý nghĩa là thiên sứ của nhà trời. Cùng với túm lá (con quạ gỗ) là lá cờ thần lớn được treo lên đó. Tiếp đó là một sân lớn là nơi khi mùa hội tới là nơi biểu diễn xếp chữ và bán hàng lưu niệm, sau sân lớn là ba phương đình với phương du ở giữa và hai bên phương đình làm nơi gác chuông, gác trống.
Tiếp tới ba phương đình là một hồ bán nguyệt, xuống hồ bán nguyệt có hai cầu được lát bằng đá. đối xứng qua hồ, bên phải là nhà bia và lầu cậu, bên trái là nhà bia và lầu cô.
Toàn khu phủ thờ ở Phủ Tiên Hương là sự liên kết của nhiều dãy nhà được nối liền với nhau. Trong một dãy nhà có sự phân chia thành nhiều gian riêng và gọi đó là một cung. Từ ngoài vào phía trước mặt gồm có những cung sau:
Đầu tiên là cung Đệ Tứ thờ Tứ phủ công đồng hay còn gọi là ban Công Đồng. Đối xứng với cung Đệ Tứ bên trái là Ban Quan lớn Thủ phủ và bên phải là Ban Chầu Thủ phủ.
Tiếp theo là Ban thờ Đức Vua cha Ngọc Hoàng và Hội Đồng các quan hay Ngũ vị vương quan. Đây là cung Đệ Tam.
Sau cung Đệ Tam là cung Đệ nhị. Cung này thờ Tứ Vị Chầu bà và ba bộ long ngai. Cung Đệ nhất là cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Cung này ở trong cùng. Tuy nhiên, đa phần nơi thờ Mẫu Tứ phủ có nội cung (cung cấm).
Nội cung của Phủ Tiên Hương có khám kính đặt tượng đồng Mẫu Liễu Hạnh cùng với hai Mẫu Quang cung Quế Anh phu nhân và Quỳnh cung Duy Tiên phu nhân đều được phong thần và sắc phong. Nội cung không phải ai cũng được vào và vào bất cứ lúc nào. Chỉ được vào khi có sự đồng ý của những người trong ban quản lý phủ và những ngày có lễ hội.
Bên cạnh dãy nhà thờ những cung chính, còn có một dãy nhà được gọi là Ban Trần Triều. Trong dãy nhà này có đặt ban thờ Ban Trần Triều và Ban Đức Vương Phụ, Vương Mẫu.
Phía sau dãy nhà chính là Động Sơn Trang, nơi này thờ bà Chúa Đệ Nhị Thượng ngàn Hai Chầu và mười hai cô Sơn Trang.
Thứ hai, Phủ Vân Cát
Làng Vân Cát giáng sinh thần nữ Cõi trời Nam bất tử hòa thân Vốn xưa đệ nhị cung tiên
Phong lưu công chúa ở trên Thiên đình
(Văn chầu Thánh Mẫu)
Phủ Vân Cát nằm ở phía bắc thôn Vân Cát xã Kim Thái, di tích này cách Phủ Tiên Hương chừng 1 Km. Từ Phủ Tiên Hương đi thẳng tới ủy ban nhân dân xã Kim Thái, bên phải đi tới Lăng Mộ Thánh Mẫu, còn đi về bên trái là đi tới Phủ Vân Cát. Phủ nằm giữa
đền làng Vân Cát và Chùa Long Vân nơi thờ Phật, vì thế tạo nên một quần thể thờ Phật- Mẫu - Thần.
Phủ Vân Cát nhìn về dãy núi An Thái phía Tây. Văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” được đặt ở Ngũ Vân Lâu trước phủ do Tổng tài quốc sư quán đời Nguyễn Cao Xuân Dục soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) viết về quá trình xây dựng phủ Vân Cát: “ …là một lầu cổ miếu, chọn đất dựng nền từ thời Lê Cảnh Trị (1633- 1671), làm đơn giản mà đẹp, Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794- 1800) hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại, đến năm Thành Thái thứ 12(1900) thì hoàn thành ”.
Từ ngoài vào, trước tiên ta gặp Ngũ Vân Lâu là gác chuông có năm cổng lớn được xây từ đời Tự đức, kế tiếp là một cái hồ bán nguyệt ghép bằng đá. Giữa hồ bán nguyệt có phương du nằm ở giữa và có hai cầu đá dẫn ra ngoài. Phương du gồm có ba gian làm bằng gỗ lim, mái có góc uốn cong, xung quanh lan can được ghép bằng những tường hoa bằng đá với những mảng phù điêu trạm khắc một số loài hoa và những con voi. Phương du có bốn mặt thoáng, là nơi khách đứng xem kéo chữ vào ngày hội.
Nội phủ có bốn cung. Cung đệ nhất và cung đệ nhị đều ba gian, được tôn tạo và mở rộng từ đời Tự đức năm Kỷ Mão (1879). Cả hai cung này đều bị gịăc Pháp phá hủy bằng ném bom, năm 1959 dân làng xây dựng lại cung đệ nhất còn cung đệ nhị mới được tôn tạo lại năm 1992.Cung đệ nhất là chính cung khép kín, cung này thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng bằng đồng gồm có Mẫu Thượng Thiên ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn bên trái, Mẫu Thoải bên phải. Cung đệ nhị thờ Tứ vị chầu Bà và Tam tòa quan lớn, cung này được tôn tạo lại năm 1992, đặc biệt có hai khám hai bên thờ Ông Hoàng Mười (bên phải) và Ông Hoàng Ba(bên trái) Tiếp là cung đệ tam, tại đây thờ Công đồng tứ Phủ, cung này có thờ Bà Chúa Bản đền. Cung đệ tứ hay còn gọi là tòa bái đường, cung này có thờ Quan Giám sát.
Thứ ba, Lăng mộ Thánh Mẫu.
Cùng với hai phủ chính, tại quần thể di tích Phủ Dầy còn có lăng mộ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Lăng này ở giữa cánh đồng và nằm ở xã Tiên Hương. Thời Minh Mệnh (1820- 1840) quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh ngôi mộ cổ, tương truyền là mộ Liễu
Hạnh nhưng chỉ xây một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ vì nhân dân trong làng thường hái những lá và thân cây mọc xung quanh bên ngôi mộ cổ về chữa bệnh.
Tương truyền năm 1937, Vua Bảo đại lấy vợ đã lâu nhưng không có con nên Nam Phương Hoàng Hậu đến cầu tự ở Đền Sòng và được Mẫu ban cho Hoàng Tử Bảo Long. Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã báo mộng cho Hoàng Hậu biết mộ của mình ở ngôi Miếu xứ cây đa Phủ Dầy để trả ơn đó Vua Bảo Đại đã cho dựng lăng để trả ơn Mẫu Liễu Hạnh. Theo tác giả Trần đăng Ngọc thì: “Năm 1938 Vua Bảo đại đã cho “hội xuân Kinh” triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu hoàn toàn bằng đá xanh và 60 búp sen hồng” [ 45, tr.107].
Trung tâm của lăng là ngôi mộ Thánh Mẫu ghép bằng đá cao hình tám cạnh, chạm khắc theo hình quẻ dịch. Hướng chính của lăng là hướng Tây quay về phía núi Tiên Hương. Từ ngoài vào bước theo bậc tam cấp lên đến mộ phải qua 5 lớp tường toàn bằng đá được chạm khắc, mỗi lớp tường vuông đều có cửa, cửa được bổ trụ bằng đá vuông với ba mặt đều khắc câu đối và phía trên đặt các nụ sen bằng đá hồng nhạt tới 60 nụ sen đá.
Bao quanh lăng mộ là vườn cây bóng mát quanh năm, có 4 cột trụ cao to bốn góc, tạo thành cảnh quan khu lăng mộ thêm trang nghiêm, long trọng. Ngôi mộ được đặt ngay chính trung tâm và ở chỗ cao nhất của cả khu lăng.Tại bốn cửa ở bậc cuối cùng đều có một bức bình phong bằng đá án ngữ. Phía sau cửa chính, nằm về hai phía góc đối diện với cửa ra vào là hai nhà bia với bốn cột vươn lên.
Theo các tài liệu thì trước kia khu lăng mộ Thánh Mẫu không có nhà cho thủ từ ở, nhưng hiện nay thì đã xuất hiện nơi ở của thủ từ và bao quanh khu lăng mộ là có hàng rào bằng sắt. Bên cạnh khu lăng mộ còn có một gian ngôi nhà trong đó điện thờ được bài trí như sau:
Ban thờ Mẫu nằm chính giữa, từ ngoài bước vào thì bên phải ngay cạnh ban thờ Mẫu là ban thờ Bà Cai Bản mệnh, tiếp là ban thờ đức Thánh Trần. Bên trái của Ban thờ Mẫu là ban thờ quan lớn đệ nhất và ban thờ Nhị Vị Cô Nương.
* đền Sòng:
đền Sòng (Sùng Sơn) ngày nay ở phường Bắc Sơn- Bỉm Sơn- Thanh Hóa, theo truyền thuyết đây là nơi diễn ra cuộc đại chiến giữa Liễu Hạnh với thuật pháp Nội đạo
Tràng và quân lính triều đình. Cũng chính nơi này Bà đã dùng phép thuật, để trừ ma tà quỷ ác để cứu giúp chúng sinh. Trong tiềm thức người dân nơi đây là nơi thật sự linh thiêng, là nơi Thánh Mẫu hiển linh. ở Phủ Dầy tuy là nơi có lễ hội được tổ chức hàng năm rất lớn vào tháng 3 âm lịch, là quê hương của Liễu Hạnh. Nhưng theo truyền thuyết ở Phủ Dầy là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng trần lần thứ nhất, được đầu thai vào một cô gái, nên không có phép thuật. Vì vậy trong dân gian có câu:
Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh
và Nhất vui là hội Phủ Dầy
Vui là vui vậy không tày Sòng Sơn
Đền Sòng nằm ở nơi sơn cảnh hữu tình, ngôi đền này được xây dựng vào thời Cảnh Hưng. Một học giả người nước ngoài tên là H.Breton trong “Revue Indochnoise” (1922) cũng ghi nhận: “ Tại đây có ngôi Đền Sùng Sơn. đền này dựng vào thời cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740- 1786) ngay tại nơi chúa Liễu Hạnh tái hiện xuống trần” [1, tr.43].
Về việc xây dựng đền thì không ai biết chính xác là vào ngày tháng năm nào ? và chưa xác định được ai đã bỏ tiền của, công đức xây dựng đền?
Tuy nhiên, trong dân gian lại có truyền thuyết khác kể về lịch sử ngôi đền đó là: Có một Ông lão được Nữ Chúa báo mộng phải xây dựng một ngôi đền để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hôm sau ông lão cầm một cây gậy tre và cắm xuống mảnh đất đã chọn và khấn rằng: “Nếu Thánh Mẫu bằng lòng đồng ý chọn nơi đây làm nơi xây đền thì xin làm cho cây tre được mọc lên tươi tốt”. Một thời gian sau cây tre trở nên xanh tốt, bén rễ đâm chồi lá tốt tươi lạ thường. Và người dân đã xây dựng ngôi đền trên mảnh đất ấy.
Lúc mới xây dựng ngôi đền không được rộng rãi, khang trang và đẹp như bây giờ, trải qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo thì Đền Sòng mới được như ngày hôm nay.
Đền Sòng nhìn về phía Tây Bắc, cạnh đền có một chiếc cầu bằng đá do Hoàng Thái Hậu nhà Lê xây dựng từ năm thứ 33 Triều Cảnh Hưng.Khi Bà đi qua Đền Sòng, thấy cảnh sắc tuyệt đẹp và do lòng mến mộ nơi đây, nên Bà đã bỏ tiền bạc ra để tu sửa đền và xây nên chiếc cầu đá đó. Bên cạnh đền có núi, dưới có suối. Phía trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt, nước trong xanh quanh năm, chưa bao giờ cạn nước và hồ có tên
là: Hồ Cá thần. Hồ Cá thần có mạch nước ngầm chảy từ Dốc Xây theo chân núi qua hang động núi đá vôi đưa nước về hồ. Hồ có hai khe nước nhỏ chảy lượn vòng quanh tạo nên khu đất trước đền giống như một hòn đảo có hình tròn, hai khe nước này hợp lại với nhau về phía trái đền hợp cùng 9 dòng nước từ dưới đất phun lên tạo thành 9 cái giếng. ở đó người ta dựng một ngôi đền nhỏ, tục gọi là đền Chín Giếng. đền Chín Giếng cũng là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, tên Chín Giếng còn được gắn với tên cô hầu cận bên Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Gần Hồ Cá thần có một đồi đất thấp, người ta gọi là núi Ngọc Bích, núi này làm án cho ngôi đền. Có hai dãy núi bên tả và bên hữu nhô cao hẳn lên ở gần núi Ngọc Bích và Hồ cá thần.
Đền Sòng ngày nay sau khi được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia (1993) và được trùng tu xây dựng vào năm 1998 thì Thần điện của đền được bài trí như sau:
Đền Sòng có 3 cung liên tiếp.
- Cung đệ nhất: Gian giữa của cung này được thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tượng
của Thánh Mẫu được đặt uy nghi trong khảm sơn son thiếp vàng, hai bên là hai đệ tử thân tín là Quế Nương và Thị Nương. Hai Gian bên thờ Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Cung này còn gọi là cung Tam tòa, Phía trong cùng của cung đệ nhất là Nội cung. Nội cung rất ít khi được mở cửa, trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu hoặc những ngày lễ hội trọng đại của Phủ.
- Cung đệ nhị: Cung này thờ Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào và Bắc đẩu.
Phía dưới Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc đẩu là nơi thờ Hội đồng các quan (5 Quan lớn). Bên cạnh cung đệ nhị có một nơi thờ Sơn Trang riêng.
- Cung đệ tam: Là nơi thờ các quan, các ông hoàng và các cô đệ tử. Trong đó có hai