Tình hình ban hành văn bản qui phạm pháp luật về giao thông đường thủy do các cơ quan Trung ương ban hành
Cùng với xu thế phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập, vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung cũng là một trong những quan tâm đầu tiên của Đảng. Ngày 24/02/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 22- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông; Đến năm 2004 Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2005. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ giao thông Vận tải và các bộ ngành có liên quan đã khẩn trương xây dựng và biên soạn các nghị định và các quyết định, thông tư để hướng dẫn thi hành Luật, đến hết quí II/2005 hệ thống văn bản pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa đã cơ bản hoàn chỉnh (gồm 05 Nghị định của Chính phủ, 24 văn bản pháp luật của Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ có liên quan, 06 văn bản của Cục Đường Sông Việt Nam), trong đó tập trung vào các lĩnh vực như đăng ký, đăng kiểm phương tiện, quản lý cảng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, phí và lệ phí áp dụng trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Quá trình tổ chức, triển khai thi hành Luật Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành có liên quan vừa hướng dẫn, vừa theo dõi tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp để tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các qui phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hoạt động, sản xuất của giao thông vận tải thủy, đến thời điểm hiện nay (tháng 01/2008) đã có 51 văn bản qui phạm pháp luật đang có hiệu lực hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Sau khi Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành, trong năm 2005 Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, cụ thể:
Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa; 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa; 29/2005/NĐ-CP ngày 10/03/2005 Nghị định quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận tải hàng nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa; 51/2005/NĐ-CP ngày 11/04/2005 Nghị định quy định nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa; 125/2005/NĐ-CP ngày 07/10/2005 Nghị định quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa; Ngoài ra để thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật và chấn chỉnh tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế và tiến tới từng bước kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo TTATGT.
Căn cứ qui định của Luật, Nghị định qui định chi tiết của Chính phủ, Bộ giao thông Vận tải đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật mang tính chất hướng dẫn và qui định chi tiết việc thi hành luật tập trung ở những nội dung như: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Đường sông Việt Nam; về quản lý đường thủy nội địa; Ban hành tiêu chuẩn ngành Quy tắc báo hiệu Đường thuỷ nội địa Việt Nam; về tổ chức, hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa; Quy phạm Giám sát kỹ thuật và Đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, Quy định điều kiện an toàn của phương tiện thuỷ nội địa, Quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa; Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa; hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa; Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thuỷ nội địa; Quy định về vận tải hàng hoá đường thủy nội địa, Quy định về vận tải hành
khách đường thủy nội địa; quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuỷ qua các cầu trên đường thuỷ nội địa....
Ngoài ra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và phê duyệt các qui hoạch mang tính chiến lược như: Quy hoạch phát triển đội tàu sông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2010; quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải thủy khu vực phía Bắc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch tổng thể toàn diện về phát triển giao thông vận tải thủy khu vực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010 - 2020.
Nhìn chung, Sau khi Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005 Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành có liên quan đã kịp ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành, đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Luật, hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn cũng từng bước được nâng cao, tai nạn giao thông đường thủy đã được kiềm chế.
Tình hình triển khai thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật của tỉnh An Giang:
Sau khi ban hành luật và thực hiện triển khai luật trên phạm vi rộng, Luật giao thông Đường thủy nội địa đã có tác động rất lớn đối với người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là ở An Giang.
Vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Tỉnh ủy đặt trong 9 vấn đề trọng tâm của tỉnh và thường xuyên được đôn đốc, nhắc nhỡ bằng các văn bản: Chỉ thị số 16/CT-TU ngày 17/3/2003 và Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 20/8/2007 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang liên tục ban hành Chỉ thị các văn bản chỉ đạo để kịp thời triển khai thực hiện Luật giao thông Đường thủy nội địa và để phù hợp với tình hình; mỗi năm các UBND huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện ký kết giao ước thi đua giảm tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông. Các chỉ đạo của tỉnh tập trung vào các nội dung sau:
- Thực hiện Chỉ thị số 200/TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29/3/2005 về việc thực hiện các biện pháp tháo dỡ cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch.
- Chỉ thị 09/2006/CT-UB ngày 12/6/2006 về việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Quyết định số 1772/QĐ.UBND ngày 12/9/2006 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
- Quyết định số 2383/QĐ.UBND ngày 01/12/2006 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
- Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 31/01/2007 về việc công bố các tuyến đường thủy nội địa địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang;
- Quyết định số 02/2007/QĐ.UBND ngày 04/01/2007 của UBND tỉnh về ban hành quy định về tổ chức, quản lý và khai thác các bến đò, phà trên địa bàn tỉnh An Giang (sửa đổi quy định cho phù hợp với Luật giao thông đường thủy nội địa và quyết định 07/2005/QĐ- BGTVT);
- Căn cứ các Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 và 16/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ và đường sông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 07/12/2007 về việc phê duyệt qui hoạch hệ thống giao thông thủy, bộ tỉnh An Giang thời kỳ 2007 - 2020;
- Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 19/3/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án di dời nhà trên sông, kênh, rạch đảm bảo vệ sinh môi trường tỉnh An Giang đến năm 2020;
- Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải thực hiện việc tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trên địa bàn; đăng ký hành chính phương tiện không thuộc diện đăng kiểm trên địa bàn huyện, thị, thành và thực hiện đổi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định; chấn chỉnh công tác quản lý, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến
khách ngang sông.
Sau Khi Luật Giao thông đường thủy được ban hành và có hiệu lực, cộng với các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và Bộ ngành có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý rất thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện Luật, đến nay bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu quản lý các hoạt động giao thông đường thủy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, lúng túng do một số qui định do Trung ương ban hành chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (các qui định về đăng ký phương tiện), việc tổ chức bộ máy chưa thật sự hợp lý đã dẫn đến hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao (tỷ lệ phương tiện đăng ký, đăng kiểm đạt tỷ lệ thấp), vi phạm pháp luật giao thông đường thủy vẫn còn xảy ra do một bộ phận nhân dân và người điều khiển phương tiện thủy có ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chế tài áp dụng còn chưa đủ sức răn đe.