- Xử lý vi phạm
3.1. BẢO ĐẢM PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY Ở TỈNH AN GIANG YÊU CẦU CẤP BÁCH HIỆN NAY
Bảo đảm pháp chế XHCN trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ ở tỉnh An Giang xuất phát từ những yêu cầu sau:
Một là, xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành chủ trương nhất quán của Đảng ta và chính thức được thể chế hoá tại Điều 12 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2001) "Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức XHCN…". Như vậy, trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật, quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nhà nước pháp quyền là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, xác lập được phương thức để bảo đảm cho pháp luật được một cách nghiêm chỉnh thường xuyên, liên tục trong đời sống xã hội và đời sống nhà nước. Trong mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật phải đáp ứng được yêu cầu nhà nước ban hành pháp luật nhưng pháp luật là căn cứ, cơ sở cho tổ chức, hoạt động của nhà nước, pháp luật là công cụ, phương tiện hạn chế quyền lực nhà nước. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 khẳng định: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN".
Pháp chế XHCN là chế độ pháp luật mà trong đó đòi hỏi mỗi chủ thể của quan hệ pháp luật đều phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật một cách thường xuyên, tự giác và triệt để; mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh. Như vậy giữa xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tăng cường pháp chế XHCN nói chung; pháp chế
trong lĩnh vực giao thông và giao thông đường thuỷ nói riêng có quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thì phải củng cố, xây dựng được một nền pháp chế vững mạnh, ngược lại muốn có nền pháp chế mạnh thì nhà nước pháp quyền phải hoàn thiện cả tổ chức và hoạt động.
Trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông đường thủy nói riêng để nhà nước quản lý có hiệu quả lĩnh vực này, đòi hỏi pải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ, đồng thời hệ thống pháp luật đó phải được các chủ thể chấp hành nghiêm chỉnh. Không có ngoại lệ, điều đó có nghĩa là phải xây dựng được chế độ pháp chế đầy đủ trong lĩnh vực này.
Hai là, xuất phát từ yêu cầu khắc phục những tồn tại, bất cập thực trạng pháp chế XHCN trong lĩnh vực giao thông đường thủy ở địa phương An Giang hiện nay.
Trong phần thực trạng pháp chế XHCN trong lĩnh vực giao thông đường thủy đã khẳng định rằng bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được pháp chế XHCN trong lĩnh vực giao thông đường thủy tỉnh An Giang cũng còn nhiều tồn tại khiếm khuyết như: hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo, nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính cụ thể... gây không ít khó khăn cho việc sử dụng, áp dụng pháp luật.
Việc chấp hành pháp luật của nhiều chủ thể nhất là các cá nhân công dân chưa nghiêm. Trong khi đó việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật thiếu tính kịp thời, nghiêm minh của các cơ quan chức năng... tạo tâm lý coi thường pháp luật của người dân... Những yếu kém, bất cập trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đáng chú ý nguyên nhân chủ quan là ý thức pháp luật, chấp hành, tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động giao thông đường thủy rất kém... Điều đó đòi hỏi cần khắc phục nhanh chóng kịp thời.
Để khắc phục những bất cập, khiếm khuyết trên đây, đòi hỏi phải thiết lập lại kỷ cương và duy trì chế độ thực hiện và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải thủy ở An Giang nói riêng và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông thủy là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan chức năng nhà nước và của người tham gia giao thông.
Do đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phải đề xuất các biện pháp tích cực nhằm hạn chế TNGT.
Ba là, xuất phát từ hội nhập quốc tế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề trong đó đáng chú ý là hội nhập trên cơ sở pháp luật và sự đòi hỏi của chủ thể phải chấp hành nghiêm minh pháp luật đã được ký kết. Tham gia sân chơi chung các bên đều phải đưa ra các cam kết, các cam kết của Việt Nam trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân có liên quan phải tuân thủ và chấp hành nghiêm. Đây là yêu cầu, yếu tố quan trọng cho việc hội nhập quốc tế thành công.
Trong lĩnh vực giao thông nhất là giao thông đường thủy của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng các hoạt động giao thông sông nước trước đây chủ yếu được điều chỉnh theo pháp luật trong nước và theo tập quán của vùng là chủ yếu. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế giao lưu quốc tế được mở rộng và phát triển trên nhiều phương diện, nhiều tuyến giao thông. Giao lưu ở các vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long với các nước Thái Lan, Campuchia, Philippin... trên các tuyến giao thông đường thủy ngày càng phát triển... Điều đó đòi hỏi một mặt chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia cho phù hợp với hệ thống pháp luật của quốc tế và với các điều ước ký kết song phương và đa phương trong các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Mặt khác, đòi hỏi các chủ thể phải tuân thủ nghiêm chỉnh các pháp luật hiện hành. Đó cũng là sự đòi hỏi của việc củng cố và tăng cường pháp chế trong lĩnh vực giao thông đường thủy ở nước ta hiện nay nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.