Lối kể khách quan

Một phần của tài liệu TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM – TRUYỆN NGẮN PAUXTỐPXKI: SỰGẶP GỠCỦA PHONG CÁCH NGHỆTHUẬT (Trang 62 - 65)

1 Lí thuyết tự sự học ghi nhận có hai hình thức trần thuật cơ bản từ trước đến nay: trần thuật theo ngôi thứ nhất (phương thức chủ

3.1.2.Lối kể khách quan

Đây là một phương thức trần thuật phổ biến, quen thuộc trong văn xuôi nghệ thuật. Ở đây, người kể chuyện là “một người lạ” biết tuốt, am hiểu mọi việc và lường đoán được tất cả. Điểm nhìn trần thuật được trao cho anh ta. Phương thức này chiếm tỉ lệ lớn trong truyện ngắn Thạch Lam và Pauxtốpxki. Nhà văn hóa thân, đặt mình vào vị trí người tham gia hoặc chứng kiến sự việc trên cơ sở những ấn tượng, kỉ niệm đã đi qua trong cuộc đời. Vì vậy, dù sử dụng lối kể khách quan, truyện ngắn Thạch Lam và Pauxtốpxki vẫn mang dấu ấn tự thuật

đậm nét.

Dù nhà văn không trực tiếp, công khai đưa các yếu tố tự truyện vào truyện ngắn của mình, người đọc vẫn có thể tìm thấy sự tương ứng nhất định giữa những trải nghiệm của nhà văn và thế giới mà anh ta miêu tả. Những truyện ngắn của Thạch Lam như Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa... được viết trên cơ sở kí ức và ấn tượng của năm tháng ấu thơ ở phố huyện Cẩm Giàng. Bà Nguyễn Thị Thế (chị ruột của Thạch Lam) kể

lại rằng: “Vinh ưa cái áo đó lắm (cái áo dệt bằng tóc – chúng tôi chú thích) vì mặc ấm mà không bẩn vì bụi đất dính vào chỉ đập mấy cái là sạch. Tuy quý cái áo như thế mà đến mùa

đông mặc nó, thấy con chị Lê bên hàng xóm rét run, cả ngáy không dám ra đường chơi, cứ

chúi vào ổ rơm nên Vinh đã cởi ra cho nó mặc” [3, tr. 343]. Thì ra chú bé Sơn với tấm lòng trắc ẩn, thơm thảo là hình bóng của tác giả, và để xây dựng tác phẩm thì những kỉ niệm tuổi thơ đã đóng vai trò quan trọng biết nhường nào. Trong Hai đứa trẻ, hình bóng tác giả lại là chú bé An ngây thơ, nhạy cảm. Cái bối cảnh nửa làng nửa phố nhiều lần trở đi trở lại trong văn Thạch Lam chính là cái mảng sống ông từng trải và gắn bó máu thịt, am hiểu kĩ lưỡng.

Vì vậy, nguyên tắc giấu mình trong trần thuật khách quan thường được Thạch Lam ít coi trọng. Nhà văn luôn tìm cách để bày tỏ thái độ, cảm xúc của mình.

Những truyện ngắn trong tập Bình minh mưa, theo sự tiết lộ của Pauxtốpxki trong tập

Bông hồng vàng, được ông “thai nghén” từ những người thật việc thật mà ông đã gặp gỡ trên

đường đời. Ở đây những ấn tượng vềđời sống hay các biến cố mà nhà văn đã kinh qua đã trở

thành căn rễ và ngọn nguồn của những sáng tạo nghệ thuật. Chẳng hạn, truyện ngắn Bức

điện đã được hình thành từ quãng thời gian nhà văn sống ở làng quê Riazan. Những nhân vật, tình tiết chính trong truyện đều có nguồn gốc từ những điều nhà văn đã chứng nghiệm: “Tôi (Pauxtốpxki) (chúng tôi chú thích) ở trong nhà của một nghệ sĩ khắc gỗ nổi danh một thời là Pôgialôxtin. Ở đó còn bà lão già yếu và hiền hậu Katêrina Ivanốpna, con gái nhà

điêu khắc. Bà lão đã gần đất xa trời. Người con gái của bà là Naxchia ở Lêningrát đã quên hẳn mẹ. Nàng chỉ gửi tiền về cho bà lão, hai tháng một lần” [65, tr. 90]. Tuy vậy, nội dung tự truyện không trùng khít với những chi tiết, biến cố trong cuộc đời nhà văn mà nó rộng hơn, bao gồm cả những kinh nghiệm sống, tư tưởng, tình cảm, cá tính… của bản thân tác giả. Chính Pauxtốpxki cũng “thú nhận”: “Không phải những gì tôi đã thấy và đã suy nghĩ lại lúc ấy đều được đưa vào ‘Bức điện’. Chuyện đó thường xảy ra” [65, tr. 96]. Vận dụng sáng tạo hình thức kể chuyện theo phương thức khách quan, gửi gắm vào đó ít nhiều những yếu tố

có tính chất tự truyện, Pauxtốpxki (cũng như Thạch Lam) muốn giãi bày, giao tiếp với người

đọc những vấn đề trong cuộc sống thông qua những trải nghiệm thiết thực của bản thân. Dù

đã tránh “xuất đầu lộ diện” thì hình bóng, tâm hồn của tác giả vẫn đầy ắp sau mỗi trang văn. Trong lối kể khách quan, Thạch Lam, Pauxtốpxki thường gửi điểm nhìn sang nhân vật. Trong đa số trường hợp, chủ thể kể vô hình làm công việc giới thiệu bao quát và nhân vật làm tiếp công việc còn lại. Do vậy, từ hướng ngoại, điểm nhìn dần di động vào thế giới nội cảm của nhân vật, khơi mở những tầng sâu của tâm trạng. Chẳng hạn, ở truyện Hai đứa trẻ, phần đầu được kể theo quan điểm người trần thuật, phần sau được nhìn theo cái nhìn của hai

đứa trẻ, cái nhìn ngây thơ, vô tư của tâm hồn trẻ thơ trước một vũ trụ già. Chuyến tàu đêm đi qua phố huyện đã đánh thức những khao khát, ước vọng ở chị em Liên: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” [44, tr. 156]. Trong Cô hàng xén, chủ thể kể giới thiệu lai lịch, gia cảnh của Tâm, sau đó điểm nhìn được chuyển sang cho cô. Người con gái đảm đang này nhìn thấu cả cuộc đời mình – một sự tự ý thức và xót xa cho

thân phận: “Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ” [44, tr. 225].

Truyện của Pauxtốpxki thường bắt đầu với cái nhìn của chủ thể (tác giả), sau đó là cái nhìn của trẻ thơ (Chiếc nhẫn bằng thép, Vườn nhà bà), của cô gái đang hạnh phúc (Lẵng quả

thông, Âm nhạc Vécđi), của chàng trai hay cô gái đang yêu (Cầu vồng trắng, Tuyết)... Với cái nhìn của Xônxeva, cô gái đang “được hưởng một niềm hạnh phúc thực sự” từ tình cảm nồng hậu của những chiến sĩ trẻ, khung cảnh chung quanh trở nên đẹp lạ thường: “Ánh đèn lung linh tỏa tới tận đáy vịnh. Nước trong đến như vậy. Không khí rung rinh vì những dòng nước nóng không nhìn thấy. Chân trời trên biển cả tuy đã về đêm, vẫn sáng lên hàng chục hải lí như hoàng hôn mới vừa đổ xuống” [65, tr. 245]. Cái nhìn lạc quan, yêu đời của anh sĩ quan Pêtrốp đã phủ lên cảnh vật mùa đông vẻ thơ mộng: “Dãy núi Alatao tỏa sáng về thành phố

qua lớp băng xanh lam tinh khiết. Đôi khi đất lở trên triền núi và bụi trắng bốc mù lên.những con la đủng đỉnh trên phố lắc lưđôi ta cứng lạnh. Nước óc ách trong các hố băng và những bông hoa đại cúc phủ đầy tuyết mịn xòe nở trong các thửa vườn nhỏ như những bông hồng mùa đông khổng lồ” [65, tr. 330]. Ở Pauxtốpxki, yếu tố trữ tình ngoại đềđược sử

dụng một cách đắc địa, hài hòa. Những lời bình luận trực tiếp, những đánh giá khoa học nhưng thấm đượm cảm xúc đã tạo nên màu sắc trữ tình đậm đà, sâu lắng cho trang văn của ông. Chẳng hạn, cuối truyện Hạt cát là lời bình của tác giả: “Vâng, truyện ngắn này chỉ có thế. Trong đó không có ý nghĩa giáo dục gì, nhưng có lẽ nó có cái “hạt cát” duy nhất có thể đem lại cho con người dù chỉ chút ít niềm vui và buộc họ phải mỉm cười, mà lần này không phải tìm trong câu chuyện ngắn củn ấy một ý nghĩa sâu xa” [65, tr. 420].

Tóm lại, dù trần thuật theo phương thức khách quan hay chủ quan thì dấu ấn cá nhân, diện mạo tinh thần, tâm hồn, máu thịt của nhà văn vẫn in đậm trong từng trang văn. Mỗi tác phẩm là một sự hóa thân đầy tâm huyết. Từ bỏ lối kể chuyện mang màu sắc trung tính, chung chung, dung nạp thêm các yếu tố cảm xúc, tình cảm, trải nghiệm cá nhân mang tình chủ quan

đã tạo cho chủ thể trần thuật một diện mạo và cá tính riêng. Việc chuyển đổi linh hoạt các

điểm nhìn hợp lí với mạch truyện. Ở truyện ngắn của Thạch Lam, điểm nhìn của tác giả

thường được chuyển sang điểm nhìn của các bà, các cô, những người phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh nên trong giọng văn có âm điệu bi ai, xót xa. Ở truyện ngắn của Pauxtốpxki là cái nhìn của trẻ thơ, của các chàng trai, cô gái thanh niên trẻ trung nên giọng văn thường mang âm điệu lạc quan, tin tưởng.

Một phần của tài liệu TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM – TRUYỆN NGẮN PAUXTỐPXKI: SỰGẶP GỠCỦA PHONG CÁCH NGHỆTHUẬT (Trang 62 - 65)