Học viên là đối tượng chủ yếu, trực tiếp của hoạt động giáo dục, đào tạo, rèn luyện trong nhà trường. Chất lượng đào tạo người sĩ quan ngoại ngữ thể hiện ở phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, kết quả học tập rèn luyện của học viên. Để giáo dục, đào tạo, rèn luyện những đoàn viên, quân nhân (hạ sĩ quan, chiến sĩ) thành những người sĩ quan ngoại ngữ ưu tú phải đồng thời quan tâm đến các yếu tố: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường; công tác tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chức năng; trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sư phạm, ý thức trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, vai trò của phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật; sự đoàn kết giúp đỡ của tập thể... Trong những yếu tố đó thì yếu tố người học (học viên) với trình độ năng lực nhận thức tốt, động cơ thái độ học tập đúng đắn, ý thức trách nhiệm, tính tự giác kỷ luật cao, nỗ lực phấn đấu vươn lên học trong quá trình học tập có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Do quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và chỉ thị của thủ trưởng Tổng cục II, nên tuyệt đại đa số những người trúng tuyển qua kỳ thi tuyển sinh quân sự vào học tại trường đều là những học sinh, quân nhân có trình độ học lực giỏi, chí thú học tập rèn luyện phấn đấu vươn lên, có nguyện vọng trở thành sĩ quan quân đội và phục vụ lâu dài trong quân đội.
Qua gần 20 năm đào tạo của Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự cho thấy, tuyệt đại đa số học viên các chuyên ngành ngoại ngữ đều có trình độ giác ngộ chính trị tốt, luôn nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của người công dân, người quân nhân được đào tạo, học tập, rèn luyện trong trường sĩ quan quân đội, ra sức phấn đấu để trở thành người
sĩ quan quân đội, để có điều kiện khả năng từng bước hoàn thiện bản thân mình, cống hiến cho sự nghiệp của quân đội và đất nước.
Qua quá trình đào tạo, nhà trường đã thu được kết quả to lớn, với 6 lớp tiếng Nga, 6 lớp tiếng Anh, 13 lớp tiếng Trung Quốc và một số lớp tiếng các nước Đông Nam á, với tổng số học viên được đào tạo là trên 1000 sĩ quan ngoại ngữ với chất lượng tốt. Tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp trung bình từng khóa là 98%, trong đó, có trên 60% khá giỏi, gần 70% số học viên tốt nghiệp ra trường được kết nạp vào Đảng.
100% học viên khi tốt nghiệp ra trường phấn khởi nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công. Qua khảo sát ở một số đơn vị có sĩ quan ngoại ngữ công tác, ở đó, trên 90% số sĩ quan tốt nghiệp ra trường có khả năng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều người đã rèn luyện phấn đấu tốt, trở thành những sĩ quan phiên dịch, sĩ quan biên dịch giỏi, một số đã trở thành những giảng viên chuyên ngữ tốt, một số có trình độ sau đại học, và có 02 bằng ngoại ngữ. Một số đã trở thành những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác đặc biệt.
Bên cạnh những ưu điểm tiến bộ nêu trên, công tác đào tạo của trường còn những khuyết điểm sau:
+ Việc xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo đôi khi còn chưa rõ: đào tạo thành sĩ quan ngoại ngữ làm công tác biên dịch hay phiên dịch... Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo đôi khi còn lúng túng, chưa kịp thời, nhất là khi chuyển đổi thứ tiếng cần đào tạo; có lúc chưa cân đối về quỹ thời gian đào tạo giữa phần đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ với các bộ môn khác; còn có biểu hiện nặng về đào tạo, huấn luyện chuyên môn, xem nhẹ nội dung yêu cầu rèn luyện phẩm chất đạo đức ( thời kỳ 1983 - 1988 ).
Trong công tác đào tạo, việc điều hành huấn luyện, rèn luyện học viên đôi khi còn thụ động, lúng túng, chưa khoa học, còn có hiện tượng chồng chéo, thừa giờ hoặc thiếu giờ lên lớp so với chương trình kế hoạch. Còn có biểu hiện chung chung, hình thức, thiếu kiên quyết trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc học viên vi phạm quy chế trong quá trình học tập. Chậm kiện toàn hệ thống chỉ huy cấp cơ sở, vai trò trách
nhiệm của một số cán bộ, giáo viên trong công tác quản lý rèn luyện học viên chưa cao. Hoạt động thi đua trong huấn luyện, đào tạo đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể.
+ Có thời gian chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể về xây dựng đội ngũ giảng viên. Trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy và tính mô phạm của một số giảng viên, nhất là giảng viên trẻ còn hạn chế. Một số giảng viên chưa thật chuyên tâm học tập, nghiên cứu để tự nâng cao trình độ năng lực giảng dạy; còn hiện tượng giảng viên bỏ giờ, chậm giờ lên lớp. Chưa kịp thời kiện toàn hệ thống cán bộ lớp và giáo viên chủ nhiệm lớp ở khối tiếng Trung.
Trong những năm trước đây (1983 - 1992), việc chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, bảo đảm cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao đời sống của đội ngũ giảng viên còn hạn chế, cá biệt còn có giảng viên thiếu trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực trong coi thi, chấm thi học phần.
+ Do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng nhà trường chính quy và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Nơi ăn ở, làm việc của một bộ phận giáo viên, học viên chất lượng còn thấp, đời sống của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn nhiều khó khăn. Chưa xây dựng được hệ thống sân bãi đồng bộ phục vụ cho công tác huấn luyện, rèn luyện điều lệnh, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí; chưa tạo được cảnh quan môi trường "xanh, sạch, đẹp" trong doanh trại.
+ Một số học viên động cơ vào học trong trường sĩ quan quân đội nói chung, Trường đại học Ngoại ngữ quân sự nói riêng chưa đúng đắn, biểu hiện ở sự so sánh, tính toán thiệt hơn về kinh tế, đã có biểu hiện quyết tâm thi vào học sĩ quan ngoại ngữ, sau đó khi ra trường tìm mọi cách để kiếm việc làm ở ngoài quân đội. Một số học viên trình độ năng lực học tập còn hạn chế, song lại thiếu nỗ lực cố gắng trong học tập, nên kết quả học tập chưa cao; ngại rèn luyện, ngại gò bó trong môi trường quân đội; tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức còn hạn chế. Cá biệt có học viên lạm dụng địa vị xã hội của cha mẹ và điều kiện kinh tế khá giả nên sống buông thả, tự do,
tùy tiện, vi phạm kỷ luật, buộc nhà trường phải xử lý cho thôi học. Một số học viên còn có hiện tượng học tủ, học lệch, chỉ coi trọng học tốt các môn chuyên ngành, ngại học các môn khoa học xã hội và nhân văn, môn điều lệnh...
Hiện tượng " phao", "phỏm", vi phạm quy chế thi học phần còn xảy ra ở một số học viên. Vẫn còn học viên gây gổ đánh nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của quân đội và đơn vị. Một số học viên nhiệt tình trách nhiệm chưa cao trong việc tham gia các phong trào thi đua và xây dựng đơn vị, thiếu ý chí quyết tâm phấn đấu trở thành đảng viên.
2.1.3. Nguyên nhân