Nghĩa triết lí nhân sinh

Một phần của tài liệu NGHỆTHUẬT KỂCHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT ĐẮM THUYỀN CỦA RABINDRANATH TAGORE (Trang 31 - 34)

“Chỉ trong sự xung đột không ngừng của con người mới không có tạm nghỉ, lúc thịnh cũng

như lúc suy, đời người là cuộc đấu tranh không ngừng chống lại những rủi ro” [16, 73], câu nói

này trong tác phẩm là một tuyên ngôn mang tính triết lý vềđời sống con người. Và toàn bộ nhân vật trong Đắm thuyền đã sống, hoạt động theo triết lý ấy. Con đường của mỗi số phận trên trang tiểu thuyết là con đường đấu tranh không ngơi nghỉ trong bàn tay định mệnh. Và tình cờ, ngẫu nhiên xảy đến như những trở ngại khó khăn mà con người phải vượt qua. Nếu ngẫu nhiên trong Lôi Vũ của Tào Ngu là cách để nhà văn bày tỏ thái độ đối với xã hội đương thời thì trong Đắm thuyền, ngẫu nhiên, tình cờ như là chất dung môi cần thiết để con người hành động tôi rèn ý chí, nghị lực.

Cơn giông bão tình cờ xảy đến và hoán chuyển mọi trật tự bình thường. Và từđó, mở ra hàng loạt những cái tình cờ, ngẫu nhiên trong cuộc đời nhân vật. Ngẫu nhiên trong tác phẩm trở thành sức mạnh của tạo hóa vừa khắc nghiệt san bằng mọi thứ vừa thúc đẩy con người hành động và kiếm tìm. Trong khoảng thời gian một năm ngắn ngủi, Ramesh luôn bịđẩy vào những cái tình cờ, ngẫu nhiên. Sự kiện bất ngờ xảy đến khiến anh không ít lần thấy đau khổ và ngột ngạt. Cứ mỗi lần bàn tay anh gần chạm vào hạnh phúc, gần đạt được ước mơ thì sự biến ngẫu nhiên đã phá tan tất cả, khiến anh phải làm lại và lại tiếp tục hành trình kiếm tìm của mình. Tưởng Kamala là vợ, anh đã mơ mộng và vẽ lên bức tranh hết sức êm ả, hạnh phúc cùng nàng. Ramesh từng mơ về hạnh phúc gia đình ngọt ngào với nàng.Vậy mà bức tranh hạnh phúc chưa kịp thành hiện thực thì tình cờ sự thật được khám phá đã khiến anh chới với và vỡ mộng. Tuyệt vọng, anh vội xóa đi bức tranh quyến rũ mà mình đã vẽ bằng những đường nét rực rỡ. Ngẫu nhiên đem Kamala đặt cạnh anh để gây ra sự hiểu lầm, và để anh mơ mộng sống trong niềm hạnh phúc tưởng tượng, và rồi cũng ngẫu nhiên đã đập tan tất cả ngay khi anh sắp chạm được vào cánh cửa hạnh phúc ấy.

Lần thứ hai khi sắp tiến hành hôn lễ cùng Hemnalini, thì ngẫu nhiên, không sớm hơn, cũng chẳng muộn hơn, Kamala trở về và một lần nữa hạnh phúc lại vụt khỏi tay Ramesh. Chỉ cần mấy chục giờđồng hồ nữa, anh và Hemnalini đã có thể thành vợ chồng. Vậy mà cái khoảng cách thời gian ngắn ngủi ấy, vì ngẫu nhiên, mãi mãi là khoảng cách không thể vượt qua.

Lần thứ ba, khi bước chân từ Allahabad về nhà, lòng anh thanh thản và rạo rực khi đã quyết định lựa chọn Kamala. Chỉ vài bước chân là có thể về nhà, chỉ một khoảng cách không đầy ngang ấy sẽ đưa anh đến niềm hạnh phúc gia đình êm ấm như bức tranh khi xưa có lần anh từng vẽ. Thế mà, ngẫu nhiên đã để cho Kamala biết được sự thật và nàng bỏ đi khi Ramesh quay trở về. Trong đời người, có những khoảng cách thật gần nhưng sao không thể vượt qua, có những hạnh phúc vừa tầm tay nhưng sao không thể với tới được.

Ngẫu nhiên xuất hiện luôn đúng lúc khi Ramesh sắp đạt được niềm khao khát. Với tính chất khắc nghiệt của mình, nó san bằng mọi niềm mơước của anh. Đau khổ, thất vọng nhưng Ramesh chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngẫu nhiên, rõ ràng bao giờ cũng mang đến những chua chát cho cuộc đời anh nhưng lúc nào cũng kịp mở ra cho anh một cánh cửa khác. Tình cờ, ngẫu nhiên đã trở thành điểm tựa để con người hành động trong anh tiếp tục hành trình kiếm tìm. Khám phá ra sự thật nhầm lẫn một cách tình cờ, người thanh niên trẻ tuổi đã lập tức nghĩ ra những giải pháp tình thế. Ramesh không tuyệt vọng đầu hàng. Đến lần thứ hai và cả lần thứ ba, hạnh phúc cứ vỡ vụn trước những điều ngẫu nhiên, nhưng con người hành động của anh đã không ngừng đấu tranh để vượt qua. Tiếp tục chuyến hành trình cuộc đời đi tìm lời giải cho tương lai, nhân vật Ramesh đã đi lên từ những mất mát hạnh phúc để tìm hạnh phúc với niềm lạc quan tin tưởng: “Chắc chắn số phận sẽ

không quá khắc nghiệt với anh!” [46, 249].

Tình cờ, ngẫu nhiên cũng là cách Tagore mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Theo quan niệm của người Ấn, hiện thực không chỉ là những điều con người đã biết và đã tìm thấy mà còn là vô số những bí ẩn nằm ngoài sự khám phá của con người. Có những hiện tượng và quy luật vẫn tồn tại như một thách thức đối với loài người. Cuộc sống luôn có những bí ẩn. Những gì là tình cờ, ngẫu nhiên theo Phương Tây thì sẽ là tất nhiên theo quan niệm Ấn. Thế nên, cuộc đời của mỗi nhân vật trong Đắm thuyền không chỉ có những điều do chính mình hoạch định mà còn có những điều thuộc vềđịnh mệnh, thuộc về bí ẩn, thuộc về ngẫu nhiên. Và khi đối diện với cái ngẫu nhiên, họ luôn chấp nhận như một phần tất yếu của cuộc đời. Điều họ quan tâm không phải sự kiện ngẫu nhiên hay tất nhiên mà là lối thoát để vươn lên và vượt qua. Các nhân vật trong Đắm thuyền đã chấp nhận những ngẫu nhiên, tình cờ như một chướng ngại để sẵn sàng bước đi trên con đường “đầy sỏi đá dốc đứng

và vô tận” [58, 338].

Nói tóm lại, yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên là một phần trong chủ ý sáng tạo nghệ thuật của Tagore. Nó làm giảm tính chất logic hiện thực của tác phẩm nhưng lại có chức năng dẫn dắt câu chuyện. Đồng thời, ngẫu nhiên, tình cờ là nền tảng để khẳng định giá trị con người hành động. Với lối tư duy Ấn Độ, Tagore đã cho thấy tầm quan trọng của yếu tố tình cờ ngẫu nhiên. Dù có những khen chê khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, yếu tố ngẫu nhiên đã là mạch chảy xuyên suốt cho một trong những bộ tiểu thuyết thành công nhất của Tagore, tiểu thuyết Đắm thuyền.

Trên hành trình sáng tạo, Tagore đến với thể loại tiểu thuyết tương đối muộn hơn so với những thể loại khác. Con đường khó khăn này đã mang lại nhiều thành công và vinh dự cho ngòi bút văn xuôi của Tagore. Với sự sáng tạo và học hỏi không ngừng, ông đã cho ra đời những bộ tiểu thuyết có ý nghĩa lớn lao trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Xét về mặt nội dung, mỗi câu chuyện trong tiểu thuyết của Tagore là bài lớn về tấm lòng nhân đạo; và về mặt nghệ thuật, đó là nét đặc sắc trong phương thức phân tích tâm lý nhân vật; là chất tư duy Ấn Độ trong cách tái hiện những yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên; là tính chất phi thời gian trong mạch chảy nội tâm nhân vật. Nói cách khác, tiểu thuyết Tagore là sự thể nghiệm thành công thủ pháp dòng ý thức, một thủ pháp rất mới trong văn đàn Ấn Độ bấy giờ.

Một phần của tài liệu NGHỆTHUẬT KỂCHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT ĐẮM THUYỀN CỦA RABINDRANATH TAGORE (Trang 31 - 34)