III. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CSHTDL TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
3. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư
3.3. Công tác quản lý dự án đầu tư
Trên địa bàn tỉnh, ngoài những dự án đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, giải trí,…thì các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch khác đều do các Sở, ban, ngành làm chủ đầu tư. Đây hầu hết là những dự án có quy mô vốn lớn và nguồn vốn đều từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước vừa làm chủ đầu tư, vừa là người chọn đơn vị thi công, lại vừa là người kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện dự án. Tính trách nhiệm của các bên trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là chưa rõ ràng, do đó kết quả thường thấy khi kết thúc dự án là chất lượng công trình kém, thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài hơn kế hoạch, tỷ lệ thất thoát vốn cao,…Điển hình như tuyến quốc lộ 2, đoạn qua Đoan Hùng, thực hiện từ rất nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Với các dự án đầu tư tư nhân thì vai trò quản lý của Nhà nước lại thể hiện qua việc thanh tra, kiểm tra tính pháp lý của các công trình. Nhìn chung, các dự án đều thực hiện đúng pháp luật và tuân theo đúng yêu cầu của các cấp quản lý về giấy phép kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, các loại thuế, về vệ sinh môi trường,…
Tóm lại, quy trình quản lý dự án như hiện nay vẫn còn thiếu tính trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tâm lý “tiền chùa” hay “cha chung không ai khóc” vẫn còn xuất hiện trong tư tưởng của những người lãnh đạo. Đây là nguyên nhân khiến cho hiệu quả đầu tư của vốn ngân sách nhà nước luôn thấp hơn so với các khu vực khác.