0
Tải bản đầy đủ (.doc) (111 trang)

Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NHẰM KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH CỦA TỈNH PHÚ THỌ (Trang 32 -35 )

I. CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN – KINH TẾ XÃ HỘI CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÚ

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, được tái lập từ ngày 01/01/1997 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú. Với diện tích tự nhiên là 351.956 ha (chiếm 1,2% diện tích cả nước, xếp thứ 10/11 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ và xếp thứ 38/64 tỉnh, thành phố cả nước), có tọa độ địa lý 20o55’ đến 21o43’ vĩ độ Bắc và từ 104o48’ đến 105o27’ kinh độ Đông.

Phú Thọ có 13 huyện, thành ,thị, gồm: thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, 11 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Hạ Hoà, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh với 274 cơ sở xã phường, thị trấn. Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh.

Phú Thọ cách thủ đô Hà Nội 80Km và các tỉnh xung quanh 100 – 300 km, là điểm tiếp giáp giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc; phía Bắc giáp Tuyên Quang, Yên Bái; Phía Nam giáp Hòa Bình; phía Đông giáp Vĩnh Phúc, Hà Tây và phía Tây giáp Sơn La. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội và địa bàn trọng điểm kinh tế phía Bắc, nơi trung chuyển hàng hóa thiết yếu của các tỉnh miền núi phía Bắc, các hệ thống đường bộ, đường sắt , đường sông đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới đi Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành phố khác trong cả nước.

Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là thị trường lớn về tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm vê công nghiệp, nông nghiệp mà Phú Thọ đang sản xuất; đồng thời đây cũng là nơi cung cấp mặt hàng công nghiệp thiết yếu, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ và cung cấp thông tin,…tốt cho phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ.

Thành phố Việt Trì là trung tâm văn hóa của tỉnh đồng thời cũng là một trong 5 trung tâm lớn của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, có các tuyến trục giao thông quan trọng chay qua như: quốc lộ số 2 chạy từ Hà Nội qua Việt Trì đi Tuyên Quang, Hà Giang sang Vân Nam – Trung Quốc, đây là tuyến nằm trong hành lang kinh tế Công Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Quốc lộ 70 xuất phát từ thị trấn Đoan Hùng đi Yên Bái, Lào Cai hiện đang được nâng cấp để trở thành con đường chiến lược Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh, Trung Quốc tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho Phú Thọ. Quốc lộ 32A nối Hà Nội với Hà Tây, Sơn La; quốc lộ 32B nối Phú Thọ - Yên Bái với cầu Ngọc Tháp qua sông Hồng tại thị xã Phú Thọ là một phần của đường Hồ Chí Minh.

Khi Sơn Tây, Hòa Lạc được xây dựng trở thành chuỗi đô thị cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho Phú Thọ phát triển, nhất là các huyện phía hữu ngạn sông Hồng như: Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa có điều kiện phát triển mạnh hơn. Ngoài ra Phú Thọ có đường sắt, đường sông chạy qua cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.

Tóm lại, vị trí địa lý của Phú Thọ rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng.

1.2. Đặc điểm địa hình

Đặc điểm nổi bật của địa hình Phú Thọ là bị chia cắt mạnh vì nằm cuối dãy Hoàng Liên Sơn, là nơi chuyển giao giữa miền núi cao và miền núi thấp, gò đồi, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, diện tích đồi núi chiếm 64% tổng diện tích tự nhiên, sông suối nhiều (chiếm 4,1%).

Căn cứ vào địa hình có thể chia Phú Thọ thành ba tiểu vùng cơ bản:

- Tiểu vùng phía Nam: gồm các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn và một phần của huyện Cẩm Khê, có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 200 đến 500Km. Đây là vùng có nhiều tiêm năng phát triển lâm nghiệp và khoáng sản.

- Tiểu vùng trung du: gồm thị xã Phú Thọ, huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa và một phần huyện Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy. Địa hình đặc trưng của vùng này là các gò đồi thấp (bình quân 50m đến 200m) xen kẽ với các dốc ruộng.

- Tiểu vùng đồng bằng: gồm thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và một phần còn lại của các huyện lân cận. Đặc trưng của vùng này là phát triển trên phù sa cổ cùng những cánh đồng ven sông phù hợp với sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Một số khu vực tập trung sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Một số khu vực tập trung gò đồi thấp tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Nhìn chung, địa hình Phú Thọ tương đối phức tạp, có sự phân hóa rõ rệt giữa 3 tiểu vùng. Sự phân hóa địa hình cũng dẫn đến sự phân hóa trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các vùng. Tuy nhiên, nó lại là yếu tố góp phần tạo nên sự đa dạng của tài nguyên du lịch Phú Thọ. Do vậy, trong quá trình thu hút đầu tư cần phải cố gắng phân bổ vốn hợp lý cho các vùng địa hình cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

1.3. Khí hậu

Phú Thọ mang đậm đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa hè nắng nóng, mưa nhiều từ tháng 5 tới tháng 10 và mùa đông lạnh, mưa ít từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23oC, lượng mưa trung bình: 1.600mm – 1.700mm; độ ẩm bình quân: 85% - 87%.

Toàn tỉnh chia thành 5 tiểu vùng khí hậu đặc trưng: tiểu vùng phía Bắc, tiểu vùng phía Nam, tiểu vùng thung lũng Minh Đài, tiều vùng Cẩm Khê – Thanh Ba, tiểu vùng đồng bằng phía Đông Nam.

Nhìn chung khí hậu Phú Thọ tương đối thuận lợi cho sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt điều kiện thời tiết này rất phù hợp cho việc sinh trưởng và phát triển đa dạng các loại cây trồng lâu năm, hình thành nên hệ động thực vật phong phú và quý hiếm, có thể phát triển ngành du lịch sinh thái và nghiên cứu ( như vườn quốc gia Xuân Sơn).

1.4. Tài nguyên nước

Phú Thọ có tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 5 con sông lớn chảy qua: sông Chảy, sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Bứa và 41 phụ lưu đủ để cung cấp cho tưới tiêu trong cả tỉnh.

Ngoài ra, Phú Thọ còn có 130 suối nhỏ cùng hàng ngàn hồ, ao phân bố đều trên khắp lãnh thổ, chứa nguồn nước mặt dồi dào; nguồn nước ngầm phân bố ở nhiều huyện như Lâm Thao, Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ với trữ lượng lớn. Đặc biệt ở Thanh Thủy có mạch nước khoáng nóng quý hiếm đã bước đầu được đưa vào khai thác dưới hình thức du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Tóm lại, các điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, nguồn nước của Phú Thọ tương đối thuận lợi để phát triển ngành du lịch nói chung và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NHẰM KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH CỦA TỈNH PHÚ THỌ (Trang 32 -35 )

×