- Những đặc điểm trong nghiên cứu, kiểm tra hồ sơ vụ án:
1.2.1.1. Những yếu tố khách quan
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi có Nghị quyết số 22 NQ- TW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị “ về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi” thì tình hình miền núi và các vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến quan trọng. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản đã được Hiến pháp xác định và được thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, nền kinh tế ở miền núi và vùng các dân tộc từng bước được hình thành và phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt, một phần xoá được đói, giảm được nghèo mục tiêu phổ cập giáo dục và xoá nạn mù chữ đã được thực hiện, đời sống văn hoá tinh thần được nâng lên từng bước. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội ở miền núi và các vùng đồng bào dân tộc còn kém phát triển, tình trạng du canh du cư, di cư tự do còn diễn biến phức tạp, kinh tế nhiều vùng dân tộc và miền núi còn kém phát triển, vẫn mang nặng
tính tự cấp, tự túc, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm cách lợi dụng sự khó khăn về đời sống kinh tế, trình độ dân trí thấp của đồng bào dân tộc kích động, lôi kéo vào các hoạt động, chia rẽ các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh chính trị và an toàn xã hội.
Hoạt động tội phạm đối với đối tượng là người DTTS trong thời gian qua có những diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tội phạm trước đây ít xảy ra thì nay lại có chiều hướng gia tăng đáng kể, với một số loại tội phạm có tính chất nghiêm trọng như: giết người, c- ướp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm qui định về giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản, tham nhũng, ma tuý...
Theo đánh giá tình hình tội phạm đối với đối tượng phạm tội người DTTS ở nước ta mấy năm gần đây có tỷ lệ tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước, tính quy luật này cho thấy, tình hình tội phạm trên đất nước ta còn diễn biến phức tạp, điều này bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Do điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội ở miền núi và các vùng dân tộc còn chậm phát triển, lúng túng trong việc sản xuất và phát triển kinh tế, tập quán canh tác lạc hậu vẫn ăn sâu vào nhận thức của đồng bào các dân tộc tình trạng du canh, du cư, di dân tự do còn diễn biến phức tạp, có nơi thiếu đất sản xuất canh tác đời sống đồng bào các dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng ở nhiều vùng dân tộc và miền núi nhân dân còn nghèo đói, hiện còn chiếm tỷ lệ cao so với bình quân của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng giữa các dân tộc ngày càng tăng, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp, việc đào tạo nghề chưa được quan tâm, công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, công tác thông tin đại chúng, truyền thông, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều vùng dân tộc và miền núi còn yếu kém, bất cập, đội ngũ cán bộ có trình độ thấp các tổ chức Đảng, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo không sát dân, không có hiệu quả, không tập hợp được đồng bào. Cùng với một số nơi tôn giáo, tín ngưỡng phát triển không bình thường, trái pháp luật và tuyên truyền phong tục, tập quán lạc hậu, cổ hủ trong nhân dân. Có một số nơi đồng bào bị các thế lực thù
địch và kẻ xấu lợi dụng sự khó khăn về đời sống kinh tế, trình độ dân trí thấp của đồng bào dân tộc để kích động lôi kéo vào các hoạt động gây mất đoàn kết chia rẽ các dân tộc, vi phạm pháp luật, tội phạm... gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa được quan tâm đúng mức, một số chính sách và các quy định của pháp luật về đối tượng dân tộc chưa được cụ thể hoá và vận dụng vào hoàn cảnh thực tế ở từng địa phương, vùng, miền, kinh tế dựa vào tự nhiên, mang nặng tính tự cung tự cấp, tự túc, phương thức sản xuất canh tác lạc hậu, dựa trên thói quen, tập tục, nên đời sống kinh tế khó khăn kém phát triển. Công tác quản lý nhà nước, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các chính sách về dân tộc ở vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các vùng dân tộc và miền núi còn thiếu và yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS chưa được quan tâm, bộ máy Đảng và chính quyền các cấp ở nhiều nơi còn quan liêu, xa dân, chưa sâu sát với thực tế, không nắm bắt được các diễn biến, tư tưởng của đồng bào dẫn đến kẻ xấu lợi dụng, buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của hệ thống quản lý các cấp, các ngành của Đảng và chính quyền. Trong quản lý, điều hành có những sai phạm quá trình áp dụng các văn bản pháp luật, các chính sách dân tộc.. đã một phần làm giảm lòng tin của đồng bào đối với Đảng, đối với Nhà nước và chính quyền địa phương.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa được các cấp uỷ đảng quan tâm xây dựng, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình và nhiệm vụ mới.
- Tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc, xung đột sắc tộc có vũ trang và nạn khủng bố tiếp tục gia tăng, các nước đế quốc thực hiện “diễn biến hoà bình” can thiệp vào nội bộ các nước, các hoạt động chạy đua vũ trang, can thiệp bạo loạn, lật đổ chính quyền đã và đang xảy ra nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới. Với tình hình trên đã làm cho an ninh chính trị ở một số quốc gia khu vực mất ổn định. Mặt khác cuộc cách mạng khoa học và công nghệ về cơ bản là công nghệ thông tin, sinh học, năng lượng, vật liệu mới tiếp tục phát triển nhanh với trình độ ngày càng cao, làm tăng nhanh lực lượng sản
xuất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thế giới, quốc tế hoá nền sản xuất và đời sống xã hội làm cho tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đã và đang tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế và toàn cầu hoá. Cách mạng khoa học công nghệ vừa tạo thời cơ thuận lợi, nhưng cũng là những thách thức lớn đối với các nước, trong đó tội phạm liên quan đến lĩnh vực tin học, xâm phạm sở hữu công nghiệp, lưu hành tiền giả, buôn bán phụ nữ và trẻ em, các tội phạm về kinh tế, chức vụ, đầu cơ, chứng khoán... xuất hiện và hết sức phức tạp, cùng với một số loại tội phạm mang tính chính trị, như gây rối trật tự công cộng, tội khủng bố, bắt con tin và các tội phạm khác liên quan tới dân tộc, sắc tộc và tôn giáo.
- Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta còn lạc hậu, kém phát triển, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở thành thị, hiện tượng lao động nông thôn nhàn rỗi kéo ra thành thị tìm việc làm ngày càng tăng. Số đối tượng này trình độ văn hoá thấp, không có chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu lao động bằng chân tay, nên họ tìm mọi cách để kiếm sống, do đó không ít người đã sa vào con đường phạm tội. Sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng diễn ra sâu sắc, tình trạng thất học tái mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gia tăng. Văn hoá, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, trong xã hội hình thành một nhóm người có lối sống thực dụng, coi đồng tiền là trên hết, sống xa hoa, trụy lạc, làm giàu phi pháp đang lây lan trong xã hội, ảnh hưởng tới các tầng lớp, đặc biệt là trong giới thanh thiếu niên. Đây là nguyên nhân sâu xa làm tăng các loại tội phạm có sử dụng bạo lực như cướp tài sản, giết người, cưỡng đoạt tài sản và các tội phạm liên quan tới các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, đánh bạc, lô đề... có chiều hướng gia tăng.
Trong tình hình trên tệ quan liêu, nạn tham nhũng và sự tha hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền không giảm, đã làm mất lòng tin trong nhân dân. Trong đó, Đảng đã khẳng định: "Công tác xây dựng Đảng còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, chưa theo kịp với đòi hỏi của tình hình mới, nổi lên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự tấn công rất thâm độc của thế lực thù địch nhất là
trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị, những mặt trái của kinh tế, thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế đã tác động nhiều mặt đến công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
- Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự xã hội có nơi có lúc còn có sự bất cập với tình hình, còn bị động đối phó, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp gay cấn của xã hội mới nảy sinh. Đáng chú ý hơn là công tác phòng ngừa tội phạm còn yếu, chưa huy động được toàn dân, toàn xã hội tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, thúc đẩy người phạm tội ra tự thú, cảm hoá họ, giáo dục, cải tạo những người vi phạm pháp luật tại cộng đồng, gia đình. Pháp luật về lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý an ninh trật tự còn chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở đã tác động xấu đến ý thức chấp hành pháp luật, với nếp sống tự do, vô ý thức, vô kỷ luật, ứng xử thô bạo trong xã hội “luật rừng”, “lệ làng”, “băng đảng ổ nhóm kiểu xã hội đen”. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của các loại tội phạm có sử dụng bạo lực như cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản... Một số phần tử xấu đã lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự kém hiểu biết về pháp luật của đồng bào DTTS kích động chia rẽ các dân tộc gây mất đoàn kết nội bộ, truyền đạo trái phép... cùng với sự thiếu ý thức tôn trọng pháp luật của một số bộ phận dân cư hiện nay chưa được uốn nắn, giáo dục kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân hình thành lối sống, phong cách sống vi phạm pháp luật làm phát sinh tội phạm. Với những tình hình chính trị- kinh tế- văn hoá, tổ chức bộ máy, cán bộ trên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động KSXX án hình sự nói chung và đối với đối tượng phạm tội là người DTTS nói riêng, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, với những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, các đối tượng phạm tội sử dụng các công nghệ hiện đại trong việc thực hiện tội phạm để đối phó với các cơ quan chức năng... lôi kéo các đối tượng là người dân tộc nhẹ dạ, cả tin tham gia vào việc thực hiện tội phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố xét xử và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là hoạt động kiểm sát xét xử án hình sự của VKSND cấp huyện ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay.