Chức năng của Công đoàn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hoá doanh nghiệp và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng Văn hoá doanh nghiệp pot (Trang 39 - 43)

Chức năng của Công đoàn được biểu hiện bằng những phương hướng, những mặt hoạt động chủ yếu để thực hiện bản chất và vai trò của Công đoàn trong xã hội. Như vậy, chức năng của Công đoàn mang tính chất khách quan, nó tồn tại không phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng của cá nhân. Nó được xác định bởi tính chất, vị trí vai trò của của Công đoàn trong từng giai đoạn cách mạng.

ở từng thời kỳ lịch sử, chức năng của Công đoàn kế thừa, phát triển thêm nội dung mới có ý nghĩa hơn.

Dưới chủ nghĩa tư bản, Công đoàn tập hợp công nhân đấu tranh chống lại sự áp bức bốc lột của giai cấp tư sản, để bảo vệ lợi ích của công nhân lao động. Vì vậy, chức năng bảo vệ lợi ích cho công nhân lao động là chức năng bẩm sinh của Công đoàn, nghĩa là vì nó mà Công đoàn hình thành và khi ra đời Công đoàn sẽ làm chức năng đó. Song, muốn bảo vệ lợi ích cho CNLĐ, Công đoàn không thể không tập hợp, vận động, giáo dục để họ tiến hành đấu tranh bảo vệ lợi ích. Và vì vậy giáo dục đã phát triển thành chức năng của Công đoàn. Hai chức năng đó của Công đoàn có mối quan hệ khăng khít, tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau

Dưới Xã hội chủ nghĩa, Vị trí của giai cấp công nhân đã thay đổi, từ người làm thuê trở thành người làm chủ. Vì vậy chức năng của Công đoàn khắc hẳn so với chức năng của Công đoàn dưới chủ nghĩa tư bản.

a. Chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CNLĐ

“Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động” [37, tr.6].

b. Chức năng tham gia quản lý nhà nước

“ Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước, trong phạm vi của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật” [37, tr.6].

c. Chức năng tuyên truyền, giáo dục CNLĐ

“Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [37, tr.6].

Chức năng của Công đoàn là một chỉnh thể thống nhất, đan xen tác động qua lại lẫn nhau, chức năng này làm tiền đề cho chức năng kia. Cả 3 chức năng này đều quan trọng như nhau. Nhưng hiện nay trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhà đầu tư vào nhiều, những khu công nghiệp, những khu chế xuất phát triển, giám đốc điều hành là người nước ngoài, vì vậy việc tranh chấp lao động ngày càng găy gắt, các cuộc đình công nỗ ra liên tiếp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam đã khẳng định, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động trở thành chức năng trung tâm, xuyên suốt trong họat động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong những năm qua, Công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phát huy vai trò và làm tốt chức năng của mình trong việc xây dựng VHDN. Từ việc tổ chức cho CNVC- LĐ tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước trong doanh nghiệp như: Phong trào thi đua sản xuất, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phong trào học tập nâng cao trình độ văn hoá, phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo vệ cảnh quan môi trường … vv. đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh

thần cho CNVC - LĐ, đều do Công đoàn của doanh nghiệp đảm nhận. Tất cả những việc làm của Công đoàn đã góp phần quyết định cho việc thành công hay thất bại của doanh nghiệp Bởi vì, một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, CNLĐ phấn khởi tất nhiên họ sẽ tham gia tốt các phong trào trên, sẽ tạo ra một không khí vui tươi, tràn đầy sức sống trong doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức tốt các phong trào trên, nghĩa là đã góp phần xây dựng thành công VHDN. Bởi vì, chỉ có VHDN mới tạo ra động lực mới, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, tạo ra mối qua hệ hài hoà giữa mọi thành viên trong doanh nghiệp, gắn kết họ với nhau tạo nên sức mạnh nội sinh, làm cho doanh nghiệp ngày càng ổn định, phát triển và hưng thịnh.

Trong xây dựng VHDN không thể thiếu vai trò của Công đoàn. Vì Công đoàn là người đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Công đoàn là người trực tiếp vận động CNLĐ tham gia vào các phong trào trong doanh nghiệp. Người lao động chỉ tham gia vào các phong trào khi họ thấy rằng các phong trào đó mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân họ và cho doanh nghiệp. Như vậy, việc tham gia vào các phong trào thi đua của CNLĐ trong doanh nghiệp, chính là tham gia xây dựng VHDN. Một thực tế cho thấy ở Việt Nam chúng ta nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hoạt động Công đoàn trong việc xây dựng VHDN chủ yếu là Công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó được chứng minh rằng, tại “Hội nghị Tổng kết 5 năm (2000 - 2005) xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong CNVC- LĐ toàn quốc” ngày 14 tháng 9 năm 2005 vừa qua tại Hà Nội, do Tổng Liên đoàn - Bộ Văn hoá - Thông tin - Uỷ Ban Thể dục thể thao Việt Nam đồng tổ chức, đã trao thưởng: 40 cờ và 101 bằng khen cho các đợn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong đó 98% là Công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời Báo cáo tổng kết của Hội nghị đã khẳng định rằng: kết quả của phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong công nhân, viên chức, lao động 5 năm qua, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của đất nước, ổn định an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tóm lại: Trên cơ sở tham khảo, nghiên cứu và kế thừa các tài liệu trong và ngoài nước đã đề cập đến VHDN, chúng tôi đã mạnh dạn hệ thống khái quát thành lý luận về VHDN và vai trò của VHDN đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tất nhiên chúng tôi nghĩ rằng, vẫn còn thiếu và chưa đầy đủ, nhưng bước đầu giúp chúng tôi có cơ sở khoa học để khảo sát thực trạng VHDN và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng VHDN ở thủ đô Hà Nội trong một số doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Từ đó chúng tôi đưa ra phương hướng và những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trong việc xây dựng VHDN, làm cho doanh nghiệp nhà nước ngày càng vững mạnh, thực sự là vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của đất nước, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nước ta thành một nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Chương 2

Hoạt động của Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hoá doanh nghiệp và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng Văn hoá doanh nghiệp pot (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)