Dưới chủ nghĩa tư bản, Công đoàn có vai trò là trường học đấu tranh giai cấp. Công đoàn vận động, tổ chức công nhân lao động đấu tranh chống lại giai cấp tư sản bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động, vai trò này ngày càng tăng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt, nó biểu hiện từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị mà mục đích là lật đổ chế độ tư bản, xoá bỏ chế độ người bóc lột người.
Sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại, vai trò của Công đoàn đã được mở rộng. Như V.I. Lênin đã đúc kết: Công đoàn có vai trò là trường học quản lý, trường học kinh tế, trường học chủ nghĩa cộng sản.
Là trường học quản lý, Công đoàn dạy cho CNLĐ biết quản lý xí nghiệp cũng như quản lý các công việc xã hội trên cơ sở bước đầu thu hút họ tham gia quản lý.
Là trường học kinh tế, Công đoàn dạy cho CNLĐ biết sản xuất kinh doanh, biết hoạt động kinh tế. Công đoàn tham gia tích cực vào việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hoàn thiện các chính sách kinh tế, để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công doàn dạy cho người lao động biết nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiêp vụ, có ý thức phấn đấu để dạt hiệu quả kinh tế, có tinh thần trách nhiệm cao trong học tập và công tác.
Là trường học chủ nghĩa Cộng sản, Công đoàn giáo dục CNLĐ phải có phong cách lao động công nghiệp, nhanh nhẹn, năng động, ý thức kỷ luật cao, luôn tìm cách hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngày nay dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, Công đoàn tiến hành giáo dục chính tị tư tưởng cho CNLĐ, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành đường lôí chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó Công đoàn phải giáo dục cho CNLĐ về văn hoá, văn học nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hình thần nhân sinh quan, thế giới quan khoa học cho CNLĐ.