Sự xuất hiện CTTC trong Tập đoàn kinh tế sẽ dẫn đến một số thay đổi về hệ thống và cơ chế quản lý tài chính của Tập đoàn. Do mới thành lập và tính chất hoạt động của công ty tài chính thuộc loại hình này ở nước ta chưa có kinh nghiệm nên không tránh khỏi những lúng túng khó khăn ban đầu. Một trong những khó khăn gây trở ngại đối với VFC đó là cơ chế quản lý bên trong Tập đoàn kinh tế chưa thông suốt, chưa tạo điều kiện cho CTTC hoạt động. Một số vướng mắc giữa công ty tài chính và ban tài chính của Tập đoàn về chức năng, quyền hạn và sự phối hợp lẫn nhau. Vì thế, để thực hiện tốt những giải pháp đã đề xuất ở trên, các nhà lãnh đạo Tập đoàn cần phải nhận thức vai trò thực sự của CTTC trong Tập đoàn kinh tế, phải xây dựng một cơ chế tài chính trong mô hình Tập đoàn kinh tế phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan. Cơ chế đó cho phép Tập đoàn kinh tế thực sự có hiệu lực trong việc điều tiết, chi phối
về mặt tài chính đối với các đơn vị thành viên nhưng không phải dựa vào ý muốn chủ quan và bằng biện pháp hành chính mà chủ yếu dựa trên các quan hệ của kinh tế thị trường. Cơ chế ấy cho phép tập trung thu hút được các nguồn lực tài chính cần thiết cho phát triển nhưng đồng thời cũng đảm bảo việc sử dụng các nguồn đó có hiệu quả nhất. Cơ chế đó có phân định rõ ràng về lĩnh vực trách nhiệm về quan hệ phối hợp giữa Công ty tài chính và các phòng ban chức năng của Tập đoàn kinh tế.