Tâm trạng con người do tác động của rất nhiều yếu tố trong đó nổi bật nhất là bối cảnh thời đại, hoàn cảnh sống, ý thức cá nhân… Không một bào thai nào có sẵn tư
tưởng chán đời, tuyệt vọng!
Thời đại Phạm Thái sống là một thời đại bão táp dữ dội mà sự thay đổi ngôi thứ, thang bậc của nó trên vũđài chính trị diễn ra đến từng giờ, từng phút. Con người trong thơ Phạm Thái là những con người sống trong thời loạn. Họ có chí khí ngất trời của
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa” (Chinh phụ ngâm). Phạm Công, Trương Công, Phạm Kim, Phạm Thái đều là những con người như thế. Nhưng “đối thủ” của những người tráng sĩ trên quá mạnh, các tráng sĩ không làm nổi việc cần vương nên chỉ còn biết nhìn trời than thở kiểu: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” (Tạp thi – Nguyễn Du). Đó là nguyên nhân cơ bản gây ra tâm trạng chán nản. Phạm Thái còn bị truy nã phải “mai danh ẩn tích” dưới mái chùa mà trở thành “Phổ Chiêu thiền sư”.
Có khi chí khí căm thù chưa tắt, đủ bùng lên thành một bài thơ “Chiến tụng” với lời lẽ gay gắt, hằn học: “Rửa quan hà sạch dấu tanh hôi…, Quét thành thị hết loài gai góc,…”. Nhưng cũng qua đấy, con người mang “tâm lý chiến bại” đã xuất hiện:
“…nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi diêm phù”. Người tráng sĩ đã rã rời mệt mỏi: “Gánh quân thân ai đã mỏi vai rồi,…”. Và con người chỉ còn biết thở than trách móc. Trước tiên, con người trách mình “bất tài”: “…Võ dẹp loạn không bề thao lược, văn trị yên lại chẳng biết kinh luân” (Tờ phả khuyến của chùa Nghiêm Xá), “thời thế” không ủng hộ người anh hùng: “Nghĩ thời cơ mà thêm cám cảnh thay,…” (Chiến tụng Tây Hồ phú).
Con người tìm quên “chí lớn” trong “men tình”. Phạm công có thêm vợ lẽ. Phạm Kim, Phạm Thái đã có một tình yêu đẹp. Chí anh hùng ngày nào dường nhưđã bị lãng quên trong “men say tình ái”. Nhưng ngày vui chóng qua, cuộc yêu đương giữa Phạm Kim và Quỳnh Thư, Phạm Thái và Quỳnh Như bỗng gặp nhiều trắc trở. Người yêu quyên sinh, “say đắm vẫn bơ vơ” (Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh - Hoài Chân), hai chàng không còn gì lưu luyến chốn hồng trần này nữa. Phạm Kim, Phạm Thái đều đi tu! Từ đây, sự nghiệp cần vương của hai chàng mỗi lúc một xa vời. Thậm chí, Phạm Kim không nhận mình đi tu là do tình duyên dang dở hay tạm lánh cửa thiền môn để
mưu nghiệp lớn. Chàng chỉ nói khoác áo cà sa là để tránh tiếng thị phi “…Âu là lánh chốn thị phi” (Sơ kính tân trang). Trong bài Văn bia mộ Thanh xuyên hầu, Phạm Thái
cũng nêu lại ý này: “Ghét tài thay đứa tiểu nhân, Tiếng phi sàm biết mấy lần dệt thêu?”. Chỉ thất bại trong sự nghiệp hoặc trong tình duyên con người cũng dễ chán nản, tuyệt vọng mà đi tu. Phạm Thái, Phạm Kim thất bại cả hai nên không còn con
đường nào để Phạm Thái, Phạm Kim “giải thoát” ngoài “tôn giáo” nhất là Phật giáo, Lão giáo. Hai chàng đã “trốn” vào “ánh hào quang” nhiệm màu của Phật. Phạm Thái làm Phổ Chiêu thiền sư, Phạm Kim làm thánh tăng. Từ trong bảo tháp tôn giáo ấy, những con người chiến bại thấy mình đã thoát khỏi cảnh đời ô trọc: “Lớp tang thương rơi rụng tựa hoa tàn,…” hay: “…, kiếp phù hư khôn tính hữu hay vô” (Chiến tụng Tây Hồ phú). Từđó, họ cảm thấy mình là “cao sĩ” đã không tham gia vào cuộc tranh giành giữa “trai cò”, không vướng đời trần tục. Họ nhàn nhã, phong lưu (Chiến tụng Tây Hồ phú), họ không nhận mình là khách anh hùng nữa mà coi mình là khách của yên hà, của “túi thơ bầu rượu”, “ngao du sơn thủy”, “lang bạt kỳ hồ”: “Rày Tấn, mai Tần chẳng biết đâu” (Sơ kính tân trang). Phạm Kim tâm sự với người khách lạ trên bước
đường “lãng du”: “Thảo hoa ấy bạn, yên hà ấy quen. Phong quang mấy thú lâm tuyền, Kết duyên vốn cũ đính nguyền ít lâu” (Sơ kính tân trang). Trương công mất hết nhuệ
khí hôm nào: “Một non sông phó xuân thu phẩm bình” (Sơ kính tân trang). Họ không chỉ trốn vào “lâu đài tình ái”, “cố bám lấy những định mệnh để an ủi”, “sa vào bi quan yếm thế đến cùng cực” [5, tr. 29] mà còn trốn trong những cơn say triền miên. Phạm Thái muốn thoát lên Tiên, về cõi Phật: “Chết về Tiên, Bụt cho xong kiếp” (Tự thuật I). Con người bế tắc, bất lực trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc của mình. Tìm kiếm không được ở cõi trần, con người ru mình trong ảo vọng về một giấc mơ tiên nhưng ảo vọng tiêu tan mất. Cõi tiên cõi tục đều ngoài tầm tay với nên con người cứ loanh quanh đi về giữa hai cõi để rồi cuối cùng “mất tích” trong khát vọng của chính mình.
Phạm Thái cảm thấy ngán ngẩm và thật sựđã mất hết hi vọng, không còn tìm thấy niềm vui ở hiện tại: “Trót trần gian cho vẹn kiếp” (Non nước tức cảnh – Phạm Thái).
Niềm vui của Trương công, Phạm công, Phạm Kim, Phạm Tháilà cảnh sinh hoạt của triều đại cũ. Phạm Thái luôn hoài vọng cố nhân, sống bằng hoài niệm với một thời vàng son đã mất của triều Lê – Trịnh: “Thanh cung khi hạ tới nắng đương nồng,…; Lãng uyển buổi thu tàn hoa chửa rã, thêu hồng kết lục,…” (Chiến tụng Tây Hồ phú). Cảnh “thái bình thịnh trị” ngày xưa ấy đẹp như cảnh tiên, vui như yến tiệc chốn Dao
đài: “…thẻ thanh hồng hoa cắm chắt ao tiên, thu được cả vương hầu khanh tướng; Khi tử yến bày đoàn loan quán phượng, khúc vũ nghê gió thổi lên cung nguyệt…” (Chiến tụng Tây Hồ phú). Thơ Phạm Thái lúc này gần gũi với thơ Bà Huyện Thanh Quan, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hành, Nguyễn Huy Hổ… Hiện tại phũ phàng, Phạm Thái
chỉ thấy “mùa xuân” trong rượu. Phạm Thái đã thật sự bế tắc và bỏ quên đời mình:
“Miễn được ngày nào…, …chết chôn đi” (Tự thuật I) hay: “Đù ỏa trần gian! Sống mãi chi?” (Tự thuật II). Chưa có một nhà thơ nào vừa chán đời vừa bất mãn tột cùng như Phạm Thái. Ông chửi đổng, chửi nặng “đù oả”. Phạm Thái phẫn uất đến cao độ
khi thốt ra “sống mãi chi”! Phạm Thái mong mỏi cái chết như một sự giải thoát. Người ta thì sợ thời gian qua nhanh, kiếp phù sinh ngắn ngủi còn Phạm Thái thấy nó dài lê thê.
Trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa
đầu thế kỷ XIX có tính chất chống phong kiến đòi giải phóng con người nhưng chưa bao giờ nó đề ra được những biện pháp giải phóng cụ thể càng không thểđề ra một lý tưởng xã hội nào thay thế cho xã hội phong kiến. Nó chống phong kiến mà vẫn bị ràng buộc bởi những quan hệ phong kiến, chính vì thế cho nên mặc dù tính chất tố cáo của nó thống nhất và gay gắt nhưng “văn học giai đoạn này vẫn thường có tính chất bi quan, không lối thoát” [73, tr. 80].
“Phạm Thái chán đời thường có hai dáng điệu. Một là chán đời một cách ngạo nghễ “hiên ngang”, hai là chán đời một cách mơ màng xa xôi” [12, tr. 316]. Văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, có nhiều nhà thơ đã xây dựng hình ảnh con người mang tâm trạng buồn bã, ngao ngán trước cuộc sống thực tại như
Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…nhưng hình ảnh con người mang tâm trạng chán đời, tuyệt vọng phải thuộc về
thơ văn Phạm Thái. Nguyễn Công Trứ chỉ mơ ước “Kiếp sau xin chớ làm người”
(Vịnh cây thông) chứ kiếp này thì ông mải “Chơi cho phỉ chí”. Hồ Xuân Hương cũng chỉ ngao ngán vì duyên phận “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”, “Mảnh tình san sẻ tí con con” (Tự tình II)mà không có ý tự hủy hoại cuộc đời mình, không bao giờ bi quan (Tự tình I, II, Dỗ bà lang khóc chồng…). Cao Bá Quát có lúc “Đứng xõa tóc trên cầu cười một mình tự mình mình biết” (Đề bia đá quán Trấn Vũ)nhưng cuối cùng Cao Bá Quát cũng tìm cho mình một hướng đi táo bạo là đứng lên khởi nghĩa. Trong thơ
Nguyễn Du có hình ảnh người tráng sĩ “Bạch phát hùng tâm không đốt ta” (Tóc bạc rồi dù có hùng tâm cũng chỉ biết than thở) (Bài Khai song) nhưng cũng có một anh hùng Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (Truyện Kiều). Nguyễn Gia Thiều như cô cung nữ dù bi quannhưng người cung nữ sao cũng còn có chút hi vọng vào sự
tuyệt vọng ở kiếp này (Tự thuật I) mà gần như kiếp sau cũng chưa chắc đã dứt được chán đời, thất vọng (Các bài thơ yết hậu).
Tóm lại, xã hội phong kiến chủ trương tiêu diệt cá tính; cái gì “là mình”, “của mình” đều bị coi là xấu xa, đê tiện và “thanh cao” là “huỷ diệt mọi nhu cầu cá nhân để tôn thờ giai cấp thống trị” [73, tr. 284]. Phạm Thái là nhà nho có ý thức về con người cá nhân rất rõ. Đời người cũng như trang viết của ông luôn gắn bó thống nhất với nhau. Nhưng tất cả đều vượt lên những gò bó quy phạm của đạo lý nhà nho, thể hiện một tài năng sáng tạo nghệ thuật in đậm bản sắc cá nhân, con người cá nhân. Nói về
con người nghệ thuật trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là nói đến con người ít nhiều chống đối phong kiến để thể hiện con người cá nhân có ý thức về thân phận, quyền sống của mình. Thơ văn Phạm Thái là thơ văn đề cao và khẳng định những giá trị, quyền tự do thực sự, sự phát triển của con người dưới tư
cách là cá nhân – cá thể. Phần lớn thơ văn còn lại của ông bộc lộ bản ngã như một giá trị tự thân. Về mặt này, “thơ văn Phạm Thái hoà nhịp với trào lưu nhân bản của văn học đương thời mà nội dung là đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người nói chung” [2, tr. 396]. Bởi vì suy cho cùng, “bản chất của chủ nghĩa nhân đạo chân chính là khẳng định những giá trị toàn năng của con người, đấu tranh giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức của những quan hệ và tự nhiên, xác lập quyền tự do thực sự, sự phát triển của con người dưới tư cách là cá nhân – cá thể” [171, tr. 38].