Quan điểm xử thế của Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu Khuất Nguyên con người và thơ ca trong văn học trung đại Việt Nam (Trang 86 - 94)

Chương 3: TÁC PHẨM CỦA KHUẤT NGUYÊN TRONG THƠ CA CỦA NGUYỄN TRÃI, NGUYỄN DU

3.1.2. Quan điểm xử thế của Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi ra đời cách Khuất Nguyên hơn mười lăm thế kỉ, nhưng giữa họ có mối đồng cảm sâu xa. Tấm lòng trung trinh đối với nước, với vua không được đáp đền mà còn bị ghen ghét, hãm hại. Họ sống không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người. Suốt cuộc đời chỉ có một ước nguyện là dân giàu đủ, nước bình yên. Thế nhưng, bao lý tưởng tốt đẹp đều không được toại nguyện. Và càng đau lòng biết bao khi họ phải tận mắt chứng kiến cảnh nước nhà dần rơi vào bế tắt. Muốn cứu vớt, níu kéo lại thì một mình không thể gánh vác nổi và cũng không thể làm cho nước nhà phồn vinh nếu còn đó lắm kẻ nịnh hót, bợ đỡ, chỉ biết xúi giục, gièm pha. Thật là “lực bất tòng tâm”, họ chỉ còn biết ôm sầu nuốt tủi mà thôi.

Không những là nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, Nguyễn Trãi và Khuất Nguyên đều là những nhà thơ vĩ đại. Qua những vần thơ chan chứa tình cảm chúng ta càng thấu hiểu cho những nhân cách lớn suốt một đời nguyện gắn bó với nước, với dân.

Cũng như Khuất Nguyên xưa, Nguyễn Trãi luôn tâm nguyện một điều là cống hiến hết mình vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Dường như, mọi tâm sự ông đều gởi gắm qua thơ. Thơ Nguyễn Trãi luôn chất chứa một nỗi niềm suy tư dằn vặt, một sự lo âu đến khó tả, một nỗi thao thức khôn cùng…Có lẽ, vì tấm lòng yêu nước thương dân của ông mà lúc nào cũng ôm “tấm lòng tiên

ưu” (lo trước cái lo thiên hạ). Không chỉ có vậy, Nguyễn Trãi mang trong mình nhiều tâm trạng, lúc muốn dấn thân cống hiến hết mình nhưng cũng có lúc ta lại bắt gặp ở ông một sự thở dài ngao ngán khi thấy mình bất lực trước những thế lực tối tăm đang ngự trị trong xã hội. Sự ngao ngán ấy không chỉ có

ở Nguyễn Trãi mà dường như đó là nỗi ngao ngán chung của những vị quan thanh liêm, trung thành, cúc cung tận tụy phục vụ cho vua, cho nước, cho dân nhưng kết quả nhận được chỉ là nỗi xót xa đến nao lòng. Có lẽ, sự gặp gỡ lớn nhất giữa Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi chính là sự dấn thân vì nước, vì dân

đến quên bản thân mình.

Xưa kia, Khuất Nguyên vì trung thành mà nguyện gắn bó đời mình với nước Sở thân yêu, dẫu có chết cũng không xa lìa quê hương xứ sở. Cho dù không được vua Sở tin yêu, ông cũng không nản chí vẫn trông chờ sẽ có ngày vua hiểu lòng mình mà trọng dụng tài năng. Thế đấy, tấm lòng của Linh Quân mãi ngàn đời sau vẫn được các thế hệ nhà nho tiếp bước. Do đó, cách cư xử

với đời của Khuất Nguyên đã ảnh hưởng sâu đậm đến bao thế hệ nhà nho Việt Nam. Một lòng vì giang sơn xã tắc, không vì lợi ích của bản thân mà quên đi nghĩa lớn. Khuất Nguyên luôn đấu tranh đến cùng để bảo vệ lý tưởng tốt đẹp. Bao lời súc siểm, gièm pha ông đều bỏ qua chỉ mong sao vua đừng nghe lời lẽ

ton hót, nịnh bợ ấy. Thế nhưng, sự đời không như ông mong muốn. Do đó,

đọc thơ Khuất Nguyên ta có cảm giác lời thơ sao nghẹn ngào, nức nở, nỗi buồn như trải ra trên trang giấy

Nức nở khóc lo buồn đầy dạ

Tủi cho thân sinh đã lỗi thời ! Gạt sầu bức cánh huệ tươi… Áo khăn lã chã lệ rơi ước đầm !

(Ly Tao)

Khuất Nguyên không thể kìm nén được nỗi buồn, nỗi sầu, càng không thể giấu được tiếng khóc "nức nở" để "lệ rơi ướt đầm". Giọt nước mắt của ông thấm mãi đến muôn đời sau. Tấm lòng trung quân của Tam lư vẫn còn vằng vặc: “Trước thiết vua sau mới đến thân”, hay “Thờ vua một dạ chuyên cần dám sai”, hay “Ngoài vua không biết có ai” (Tích tụng). Ấy thế mà làm nên

tội, ông thản thốt kêu lên “Trung ngay mà có lỗi, lạ chưa !” (Tích tụng). Để

rồi từ đó ông rút ra kết luận thật phũ phàng “Thương vua, nhưng chớ cậy vua thương !”(Tích tụng). Chính vì vậy mà hoài bão lớn lao của Khuất Nguyên đã tan biến, khát vọng xây dựng nước nhà phồn vinh giờ đành phải kí thác lại cho thế hệ sau chứ một mình ông thể thực hiện.

Cũng là người chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng nho giáo, Nguyễn Trãi cũng chọn cho mình một hướng đi riêng và đấu tranh không ngừng nghỉ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần nhưng lớn lên cũng là lúc triều đại nhà Trần rơi vào cảnh suy vong. Nguyễn Trãi ra làm quan cho nhà Hồ khi tuổi đời tròn hai mươi. Lúc nhà Hồ rơi vào tay giặc, quan quân bị bắt hoặc chết Nguyễn Trãi không chọn con đường “tuẫn tiết” để

trọn lẽ bề tôi mà ông tìm cách cứu nước, đồng thời cứu cha để giữ vẹn lòng trung hiếu. Nhà Hồ mất, Nguyễn Trãi âm thầm tìm vị chân chúa để phò tá. Dưới mắt nhà tư tưởng vĩ đại thì không có ngọn cờ nào thay thế ngọn cờ của nghĩa quân Lam Sơn. Và đây chính là nơi ông gửi thân mình, nguyện đem tài sức của mình mà cứu đời giúp nước. Hơn bao giờ hết, ông đã tìm được cho mình một đấng minh quân để phò tá giúp sức và cũng chính là để thỏa được

ước nguyện bấy lâu. Nỗi niềm “ưu quốc ái dân” luôn hiện hữu trong tâm hồn thi nhân, chẳng lúc nào nguôi ngoai, cứ thao thức mãi chẳng thể nào chợp mắt

được, hình như cái “thao thức” ấy là nét chủ đạo quán xuyến hầu hết trong thơ

ông:

Bình sinh độc bão tiên ưu niệm, Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Bình sinh riêng ôm tấm lòng tiên ưu,

Ngồi quàng một mảnh chăn lạnh thâu đêm không chợp mắt)

Hay

Còn có một lòng âu việc nước,

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung.

(Thuật hứng, 23)

Chính nỗi đau buồn, lo lắng vì con người và cuộc sống khiến mọi ưu tư

cứ mãi cuồn cuộn trong lòng Ức trai:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng, 5)

Con người của Nguyễn Trãi là như vậy đấy! Ông làm quan cũng chỉ vì nhân dân vì đất nước chứ đâu vì quyền lực hay vì danh lợi cá nhân. Trong bài thơ Trần tình số 5, Nguyễn Trãi đã phân định rạch ròi giữa “giang sơn” và “danh lợi”, qua đó ta càng hiểu hơn phẩm chất của Ức trai, trái tim ông như đang thổn thức cùng với xã tắc non sông còn danh lợi thì ông nào có “ước”, có “cầu”:

Giang sơn mặt thấy nên quen thuộc, Danh lợi lòng nào ước chác cầu.

(Trần tình, 5)

Noi gương các bậc tiền bối xưa, tấm lòng dành cho nước cho dân của Nguyễn Trãi mãi trung trinh, son sắt.

Thế nhưng, thói đời đen bạc xưa nay vẫn vậy Khuất Nguyên xưa từng thốt lên rằng:

Người trung đã chắc gì được dùng hề, Người hiền đã chắc gì ai cầu...

(Thiệp giang)

Điều bất di bất dịch này có tự ngàn đời xưa, không thể oán trách. Dù có oán than cũng không thể xoay chuyển tình thế. Dường như có một điều ai

cũng thấu rõ lúc đất nước lâm nguy thì vua sáng tôi hiền gặp nhau như cá gặp nước, chim gặp trời vậy. Còn khi nước nhà thanh bình thì xung đột mâu thuẫn lại nảy sinh giữa nhà nho liêm khiết chân chính với chế độ quân chủ chuyên chế. Giờ đây vua sáng tôi hiền gặp nhau sao khó biết bao!. Sử gia Ngô Sĩ Liên

đã rút ra kết luận cho cuộc xung đột này như sau: “Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình…cho nên vua sáng tôi hiền gặp nhau từ xưa vẫn là rất khó” [chuyển dẫn 61; tr. 54]. Nguyễn Trãi chắc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi tìm

được cho mình một vị minh chúa để theo phò giúp trong lúc đất nước lâm nguy Nguyễn Trãi đã vui mừng xiết bao. Ông hồ hởi dốc hết sức lực và tài năng của mình mà phụng sự. Những tưởng với vị vua mới này ông sẽ thỏa

được ước nguyện “ song, như mọi người đã rõ, những quy luật muôn đời của chế độ quân chủ chuyên chế đã không để cho Lê Lợi đứng ngoài quỹ đạo của chúng. Nhà nhân đạo cao cả, vị tướng lĩnh tài ba của thời chiến tranh cũng bị

cuốn vào vòng xoáy của quyền lực, địa vị, hưởng thụ, do đó phải gạt bỏ tất cả

các trở lực hữu hình ngăn cản cho bước tiến tới các mục tiêu này” [61; tr. 51]. Biết bao câu chuyện về những ông vua “được chim bẻ ná, được cá quăng nơm” còn sờ sờ ra đấy, thế nên làm xong nhiệm vụ họ muốn noi gương các bậc công thần xưa có thể như Phạm Lãi rong chơi ngũ hồ hay như Trương Lương không thèm nhận chức quan, đi tu tiên. Và trong lịch sử, chúng ta còn chứng kiến nhiều thế hệ nhà nho để bảo vệ phẩm chất, khí tiết của mình họ

chấp nhận cái chết để kết thúc tấn bi kịch. Đó là những Bá Di, Thúc Tề, là Khuất Nguyên. Nguyễn Trãi không thể tìm lối thoát cho riêng mình như các nhà nho xưa, ông không thể lánh đời vì lòng ông còn nặng với nước, với dân. Dẫu có lúc ông cũng cảm thấy ghê sợ “thế tục”, “Cõi tục ghê lòng như trâu suyễn khi thấy trăng lên” (Mạn hứng). Cho nên ông muốn quay tìm về với

thiên nhiên cao khiết để bảo vệ phẩm chất trong sạch. Trước đây, Khuất Nguyên từng đương đầu với biết bao thế lực đen tối để giữ gìn phẩm chất đạo

đức của mình. Thì nay, Nguyễn Trãi sống giữa bọn quyền thần gian ác, tấm lòng son sắt của ông càng rực đỏ như ngọn lửa thuỷ ngân trong lò:

Nhất phiến đan tâm chân hống hoả, Thập niên thanh chức ngọc hồ băng.

(Một tấm lòng son nung nấu ngọn lửa luyện đơn bằng thuỷ ngân, Mười năm chức quan thanh đạm như băng giá đựng trong bình ngọc)

(Mạn hứng, 2)

Có thể nói, Nguyễn Trãi giữ vững lòng son cũng bởi vì đạo nghĩa mà ông hằng theo đuổi. Đạo nghĩa ấy chính là lòng “trung hiếu”:

Trung hiếu cương thường lòng đỏ

(Bảo kính cảnh giới, 60)

Bui có một lòng trung mấy hiếu, Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

(Thuật hứng, 24)

Và lòng trung hiếu ấy không gì khác ngoài tấm lòng nhớ nước, thương dân của nhà thơ.

Lời thơ thật tha thiết, chân thành. Những vần thơ ấy được Nguyễn Trãi viết ra bằng cả nỗi lòng của mình và càng chứng minh cho tấm lòng thanh cao, trong sạch của nhà thơ. Kháng chiến thành công, những tưởng con người giàu lòng nhiệt huyết với nước với dân sẽ được trổ hết tài năng để xây dựng nước nhà ngày một ấm no giàu mạnh. Thế nhưng, con người một lòng một dạ

vì nước vì dân, dành tâm huyết cả đời để tạo dựng cơ nghiệp giờ đây đành phải ngậm ngùi mà rút lui khỏi chốn quan trường trở về tìm cái thú sống cô

độc, ngắm bóng mình và hoài niệm với chính mình. Việc rút lui của Nguyễn Trãi không hẳn là những va chạm ngấm ngầm giữa ông với một số người

trong tầng lớp thống trị mà bởi nơi ấy không có chỗ dung thân cho một người như Nguyễn Trãi. Do vậy mà mỗi lần đọc thơ Nguyễn Trãi làm ta lại liên tưởng đến Khuất Nguyên. Cũng bởi tấm lòng lúc nào cũng hướng về quê hương đất nước nên nhà ái quốc vĩ đại này không đành bỏ xứ sở ra đi dù bọn gian thần ghen ghét, Sở Hoài Vương đuổi đi. Giờ chỉ còn biết mượn rồng gióng phượng đi ngao du cùng trời cuối đất. Thế nhưng, ông biết đi đâu bây giờ khi nỗi buồn đang vây kín trong lòng. Quay trở về chốn cũ thì không thể

bởi nơi đó không có chỗ cho người trung, người hiền. Cả hai đều là những bậc công thần, từng có những cống hiến to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước vậy mà giờ đây lại không còn chỗ để dung thân. Thật quá phũ phàng! Khuất Nguyên chỉ còn biết ôm hận mà trầm mình trên sông Mịch La vào giữa tiết Đoan ngọ. Nguyễn Trãi không đi theo con đường của Khuất Nguyên xưa mà ông đã tìm một lối thoát khác, một cách ứng xử khác là trở về với thiên nhiên. Đó cũng chính là phương thức ứng xử mà xưa kia Đào Tiềm đã chọn.

Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi là những con người nặng lòng với nước với dân. Họ cố gắng đem hết tài năng của mình để phục vụ đất nước, nhân dân và kiên trì theo đuổi lý tưởng mà mình đặt ra. Nhưng cái lý tưởng mà Khuất Nguyên theo đuổi chỉ bó hẹp trong tư tưởng trung quân, tận tâm với vua Sở mà lại bị vua Sở bỏ rơi, xua đuổi. Vì thế mà trên con đường đấu tranh của ông hết sức đơn độc, ông chiến đấu có một mình mà không tìm thấy sức mạnh của nhân dân. Giải thích cho điều này GS Trần Xuân Đề đã viết “là nhà thơ của những hơn hai nghìn năm về trước, lại xuất thân trong một gia đình quí tộc cùng dòng họ với vua Sở, Khuất Nguyên không thể không mang theo những hạn chế của thời đại và của giai cấp mình” [14; tr. 58]. Quả thực, Khuất Nguyên đặt quá nhiều hi vọng vào vua Sở nên khi không đạt được kết quả như mong đợi thì sự hụt hẫng càng tăng thêm gấp bội và chọn cho mình một lối thoát không gì khác là theo Bành Hàm để bảo tròn khí tiết là điều tất

yếu. Nguyễn Trãi ra đời sau Khuất Nguyên hàng mấy thế kỷ nên quan niệm về lòng trung quân cũng có phần thay đổi. Trước đây, Khuất Nguyên không thấy được sức mạnh của quần chúng nhân dân thì giờ đây Nguyễn Trãi hiểu rằng “dân như nước, dân có thể đẩy thuyền mà cũng có thể lật thuyền”, sức mạnh ấy ẩn sâu bên trong chứ không bộc lộ ra bên ngoài. Do đó mà lý tưởng Nguyễn Trãi luôn theo đuổi là lý tưởng thân dân. Chính vì thế mà trong cuộc

đấu tranh chống quân Minh xâm lược Nguyễn Trãi từng nhắc đến những con người làm nên việc lớn, nhân dân đồng lòng dựng cờ khởi nghĩa “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phất phới” (Bình Ngô đại cáo), tướng sĩ một lòng cùng chiến đấu đểđưa đất nước bước sang trang sử mới “Tướng sĩ

một lòng phụ tử, hòa nước sông uống chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo). Không chỉ thấy vai trò quan trọng của nhân dân mà Nguyễn Trãi còn băn khoăn, thao thức vì dân. Nặng lòng với dân, thương yêu dân cũng là tư

tưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Trãi. Niềm mơ ước của Ức Trai tiên sinh thưở nào “sao cho trong thôn cùng cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu” thật khó thực hiện biết bao! Theo đuổi lý tưởng nhưng khi lý tưởng

ấy không thể thực hiện và cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi thường được quan niệm như một bi kịch, thực chất là cái chết của của một người anh hùng

đấu tranh và xả thân vì lý tưởng của mình [chuyển dẫn 32; tr. 84]. Quả thực, cái lý tưởng cao đẹp mà Khuất Nguyên cố theo đuổi giờ đành dang dở, ông đã chọn một lối đi riêng để tấm lòng kia không vướng bụi trần, có thể sánh với mặt trời, mặt trăng vậy!. Cũng như Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi chỉ có thể ra

đi, cùng trời cuối đất, còn nếu muốn quay trở lại chốn quan trường đầy hiểm ác thì tính mạng thật khó bảo toàn. Và điều đau lòng nhất cũng đã xảy ra, đấy cũng chính là bi kịch lớn nhất trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Trãi bị kết án “tru di tam tộc”. Dẫu không tìm cách tuẫn tiết như Khuất Nguyên để giữ tấm thân trong sạch nhưng “cái chết oan khốc của nhà thơ vẫn không làm sút giảm

tấm lòng son sắt trước sau như một của Ức Trai. Thơ văn ông, sau bao nhiêu sóng gió của bao nhiêu thời đại, vẫn ngời chói lên tấm lòng cao cả ấy. Nghĩa lớn mà nhà thơ ôm ấp suốt đời đối với dân với nước, cho đến nay vẫn “bền nhưđá vàng”, sâu nặng và dai dẳng như lòng người nhớ thơ Nguyễn Trãi”.

Một phần của tài liệu Khuất Nguyên con người và thơ ca trong văn học trung đại Việt Nam (Trang 86 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)