Khuất Nguyên trong cái nhìn của các nhà thơ Trung đại Việt Nam

Một phần của tài liệu Khuất Nguyên con người và thơ ca trong văn học trung đại Việt Nam (Trang 45 - 46)

Chương 2: HÌNH ẢNH VÀ THƠ CA CỦA KHUẤT NGUYÊN TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

2.1.Khuất Nguyên trong cái nhìn của các nhà thơ Trung đại Việt Nam

Hơn một ngàn năm chịu sự đô hộ của bọn phong kiến Phương Bắc, chúng ta cũng tiếp nhận và tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hoá của Trung Quốc, đặc biệt là văn học nghệ thuật. Nhìn chung, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc trên nhiều phương diện từ nội dung tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật, ngôn từ, thể loại v.v…Một trong những nội dung tư tưởng cơ bản là viết văn, làm thơ là để “tải đạo”, để “nói chí” (văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí), với mong muốn con người ngày một tốt hơn. Dường như ẩn trong từng bài thơ, bài văn là những ý nghĩa luân lý, những bài học sâu sắc nhằm giúp ích cho người, cho đời. Nguồn cảm hứng và chất liệu để các nhà thơ thời này khai thác không phải là hiện thực cuộc sống của hiện tại mà họ hướng về quá khứ, về những cái đã qua, về những người thiên cổ. Phải chăng, thời đó cái tôi cá nhân chưa thể và chưa dám bộc lộ nên những tâm sự riêng tư chỉ biết gửi vào cái đã qua để giãi bày. Vì vậy “mượn xưa để nói nay” được các nhà thơ, nhà văn sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm của mình. Thông qua những việc cũ, tích xưa, các nhà thơ, nhà văn muốn bộc lộ ước mơ về một triều đại huy hoàng, ở nơi đó có vua sáng tôi hiền, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Đấy cũng là ước mơ

chung của thế giới loài người. Thông qua những người xưa họ tìm thấy cho mình người bạn tri âm, tri kỷ có thể bộc bạch tâm sự. Rất nhiều tác giả của Trung Quốc có ảnh hưởng đến các nhà thơ Việt Nam như: Khuất Nguyên,

Đào Tiềm, Lý Bạch, Đỗ Phủ…So với các tác giả khác, Khuất Nguyên tuy không được nhắc nhiều nhưng trong con mắt của các nhà thơ trung đại Việt Nam thì nhân cách, phảm chất, lý tưởng của ông vẫn là nét đẹp cho họ học tập và tiếp bước. Đó là một người giàu lòng yêu nước thiết tha, dám đấu tranh

đến cùng để bảo vệ lý tưởng tốt đẹp và quyết tâm giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sạch đến trọn đời. Có lẽ trong suốt chiều dài lịch sử văn học Trung Quốc không ai được nhân dân ưu ái dành nhiều tình cảm sâu sắc đến như vậy, chỉ có ông (Khuất Nguyên) “nhà thơ duy nhất trong các nhà làm văn học của Trung Quốc được nhân dân dành cho một ngày lễ bơi thuyền rồng đầy màu sắc được tiến hành hàng năm trong hai nghìn năm nay” (chuyển dẫn 35; tr. 228)

Một phần của tài liệu Khuất Nguyên con người và thơ ca trong văn học trung đại Việt Nam (Trang 45 - 46)