Đến nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa xây dựng được công ước chung về chống khủng bố, do vậy chưa có tiêu chí nào để phân biệt tội khủng bố và các tội phạm khác. Việc đấu tranh chống khủng bố hiện nay căn cứ vào các công ước chuyên ngành, trong đó quy định về các hành vi phạm tội cụ thể mà việc thực hiện một trong số các hành vi này bị coi là biểu hiện của khủng bố quốc tế. Các hành vi theo quy định tại các công ước bao gồm:
- Hành vi chống lại an toàn hàng không dân dụng; - Hành vi chống lại an toàn hàng hải;
- Hành vi chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao;
- Hành vi bắt cóc con tin;
- Hành vi khủng bố bằng vũ khí hạt nhân; - Hành vi khủng bố bằng bom;
- Hành vi tài trợ khủng bố;
Trong các hành vi trên đây, hành vi chống lại an toàn hàng không dân dụng được ghi nhận tại 4 điều ước quốc tế là Công ước Tokyo 1963, Công ước Lahay 1970; Công ước Montrean 1971; Nghị định thư bổ sung Công ước Montrean 1971. Theo định nghĩa tại các công ước thì hành vi chống lại an toàn hàng không dân dụng là hành vi có thể hoặc thực sự làm ảnh hưởng
đến an toàn của tàu bay, cảng hàng không dân dụng, người và tài sản trên tàu bay, cảng hàng không dân dụng đó.
Tuy đều là các công ước nhằm chống lại hành vi xâm phạm an toàn hàng không dân dụng nhưng mỗi công ước có phạm vi áp dụng riêng. Công ước Tokyo 1963 áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự và các hành vi khác có thể hoặc đang làm ảnh hưởng đến an toàn của tàu bay, người hoặc tài sản trên tàu bay hoặc gây mất trật tự và kỷ luật trên tàu bay khi tàu bay đang trong chuyến bay. Ngoài ra Công ước này cũng áp dụng đối với hành vi chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay (Điều 11). Công ước Lahay 1970 áp dụng đối với hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và các hình thức đe doạ khác để chiếm giữ hoặc kiểm soát tàu bay một cách bất hợp pháp khi tàu bay đang trong chuyến bay. Công ước Montrean 1971 có phạm vi áp dụng đối với hành vi xâm phạm an toàn của tàu bay đang trong chuyến bay. Nghị định thư bổ sung Công ước Montrean 1988 áp dụng đối với các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế, cụ thể là hành vi chống lại người hoặc các phương tiện của các cảng hàng không này kể cả các máy bay chưa khai thác đang đỗ tại đó.
Phạm vi áp dụng của các công ước nhìn chung đang có sự chồng chéo lẫn nhau và cách giải thích thuật ngữ nêu tại các công ước còn chưa thống nhất. Ví dụ, hành vi uy hiếp hành khách làm ảnh hưởng đến an toàn của tàu bay đồng thời có thể được áp dụng bởi hai công ước là Công ước Tokyo 1963 và Công ước Montrean 1971; ngay cả việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay cũng có thể được điều chỉnh bởi hai công ước là Công ước Lahay 1970 và Công ước Tokyo 1963 (Chương IV - Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay). Phạm vi áp dụng của Công ước Tokyo 1963 hơn nữa quá rộng, bao gồm cả
các hành vi “làm mất trật tự, kỷ luật tốt đẹp trên tàu bay”(9). Đối với thuật ngữ “tàu bay đang trong chuyến bay” thì cách giải thích tại Công ước Tokyo 1963 và các công ước còn lại có sự khác nhau. Thậm chí ngay tại Công ước Tokyo thì cách giải thích thuật ngữ này cũng khác nhau giữa Chương I (Phạm vi áp dụng của Công ước) và Chương III (thẩm quyền của người chỉ huy tàu bay). Khoản 3 Điều 1 Công ước Tokyo 1963 quy định thời điểm bắt đầu chuyến bay là thời điểm tàu bay nạp nhiên liệu để cất cánh còn thời điểm kết thúc chuyến bay là thời điểm kết thúc lăn bánh sau khi hạ cánh. Khoản 2 Điều 5 Công ước này sau đó lại quy định thời điểm bắt đầu chuyến bay là thời điểm các cánh cửa tàu bay đã đóng lại sau khi xếp tải và kết thúc chuyến bay là khi một trong các cánh cửa này được mở ra để dỡ tải. Các công ước sau này đều quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc chuyến bay như tại khoản 2 Điều 5 Công ước Tokyo 1963. Theo quan điểm của chúng tôi, việc quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc chuyến bay khác nhau tại Công ước Tokyo 1963 là do có sự liên quan đến thẩm quyền của người chỉ huy tàu bay. Thẩm quyền của người chỉ huy tàu bay chỉ xuất hiện khi các cánh cửa của tàu bay được đóng lại sau khi xếp tải chứ không xuất hiện khi tàu bay nạp nhiên liệu cho nên vì mục đích của Chương III Công ước Tokyo 1963 (thẩm quyền của người chỉ huy tàu bay) mà tại Điều 5 Chương III Công ước này có sự quy định trên. Tuy nhiên, điều này đã gây ra sự không thống nhất ngay trong phạm vi Công ước.
Các công ước nhằm chống lại các hành vi xâm phạm an toàn hàng không dân dụng đều thống nhất chỉ áp dụng đối với các hành vi được thực hiện trên tàu bay dân sự, không áp dụng đối với tàu bay của các lực lượng vũ trang. Tại Điều 1 Công ước Tokyo 1963, Điều 3 Công ước Lahay 1970 và Điều 4 Công ước Montrean 1971 đều quy định công ước không áp dụng đối
với tàu bay được sử dụng phục vụ quân đội, hải quan và cảnh sát. Các công ước cũng thống nhất khi quy định sẽ không áp dụng công ước khi tội phạm được thực hiện trong lãnh thổ của quốc gia nơi đăng ký tàu bay. Công ước Tokyo 1963 quy định tại khoản 1 Điều 5: “Các quy định của Chương này (chương Thẩm quyền của người chỉ huy tàu bay) không áp dụng đối với các vi phạm và hành vi do một người thực hiện hoặc sẽ thực hiện trên tàu bay đang trong chuyến bay trên vùng trời của quốc gia nơi tàu bay được đăng ký hoặc đang bay trên vùng biển quốc tế hoặc bất kỳ vùng nào khác nằm ngoài lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi địa điểm cất cánh cuối cùng hoặc dự định hạ cánh tiếp theo nằm trong quốc gia không phải là quốc gia nơi tàu bay được đăng ký hoặc tàu bay đó bay trên vùng trời của quốc gia không phải là quốc gia nơi đang ký nói trên trong khi người đó vẫn đang ở trên tàu bay”; khoản 2 Điều 1 Công ước này quy định: “trừ trường hợp quy định tại Chương III, Công ước này được áp dụng đối với các vi phạm hoặc các hành vi do một người thực hiện trên bất kỳ tàu bay nào được đăng ký tại một quốc gia thành viên trong khi tàu bay đang trong chuyến bay hoặc đang ở trên vùng biển cả hoặc đang ở trên bất kỳ vùng nào khác nằm ngoài lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào”. Công ước Lahay 1970 cũng có những quy định tương tự. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Công ước này quy định: “Công ước chỉ áp dụng nếu nơi cất cánh hoặc nơi hạ cánh thực tế của tàu bay là nơi tội phạm được thực hiện nằm ngoài lãnh thổ của quốc gia đang ký tàu bay đó, dù tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế hay chuyến bay nội địa”. Nếu các quốc gia ký kết Công ước thành lập các tổ chức khai thác vận tải hàng không chung hoặc các cơ quan khai thác hàng không quốc tế thì quốc gia đăng ký tàu bay được xác định theo sự chỉ định của các quốc gia này và phải thông báo cho Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế. Để thuận lợi cho việc hợp tác đấu tranh chống khủng bố hàng không, Công ước Lahay 1970 cũng quy
định các trường hợp ngoại lệ, đó là cho dù tội phạm được thực hiện trên tàu bay ngay tại lãnh thổ quốc gia đăng ký tàu bay đó nhưng vì lý do nào đó người phạm tội hoặc người bị tình nghi phạm tội bị phát hiện trên lãnh thổ quốc gia khác là thành viên Công ước thì Công ước cũng được áp dụng nhằm phục vụ cho việc dẫn dộ và thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự (khoản 5 Điều 3). Đây là quy định chưa được ghi nhận tại Công ước Tokyo 1963. Công ước Montrean 1971 cũng có những quy định về trường hợp ngoại lệ tương tự như Công ước Lahay 1970 tuy nhiên mở rộng phạm vi áp dụng hơn Công ước này. Công ước Montreal 1971 áp dụng trong cả trường hợp khi “nơi cất cánh hoặc hạ cánh dự định” của tàu bay nằm ngoài lãnh thổ quốc gia đăng ký tàu bay chứ không chỉ là “nơi cất cánh hoặc hạ cánh thực tế” như Công ước Lahay 1970.
Cho dù vẫn còn một số khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung phạm vi áp dụng của các công ước khá thống nhất, đó là chỉ áp dụng đối với tàu bay dân sự, không áp dụng đối với tàu bay thuộc lực lượng vũ trang và không áp dụng khi tội phạm được thực hiện trên tàu bay trong lãnh thổ của quốc gia đăng ký tàu bay đó. Đây là điều hoàn toàn hợp lý trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia đăng ký tàu bay. Trong trường hợp này họ có toàn quyền xét xử đối với tội phạm và nếu tội phạm có mặt ở nước khác là thành viên công ước thì họ có quyền yêu cầu dẫn độ.
Hành vi chống lại an toàn hàng hải cũng được điều chỉnh bởi 2 điều ước quốc tế là Công ước Rome 1988 và Nghị định thư bổ sung Công ước này. Theo các điều ước quốc tế này, hành vi chống lại an toàn hàng hải bao gồm một trong các hành vi sau:
- Chiếm giữ hoặc kiểm soát một chiếc tàu biển hoặc công trình cố định trên thềm lục địa bằng vũ lực, đe doạ sử sụng vũ lực hoặc các hình thức đe doạ khác.
- Thực hiện hành vi bạo lực chống lại người trên tàu biển, công trình cố định trên thềm lục địa nếu hành vi đó có khả năng đe doạ an toàn hành trình hàng hải của chiếc tàu biển hoặc công trình cố định đó.
- Phá huỷ một chiếc tàu biển hoặc làm hư hại tàu biển hay hàng hoá của tàu biển, công trình cố định trên thềm lục địa dẫn đến khả năng làm hư hại đến an toàn hành trình hàng hải của chiếc tàu biển, công trình cố định đó.
- Đặt hoặc chỉ đạo việc đặt trên tàu biển, công trình cố định trên thềm lục địa bằng bất kỳ hình thức nào một thiết bị hoặc chất liệu có khả năng phá huỷ chiếc tàu biển hoặc công trình cố định đó hoặc gây thiệt hại cho tàu biển, hàng hoá hay công trình cố định, dẫn đến nguy hiểm hoặc có khả năng đe doạ an toàn hành trình hàng hải của chiếc tàu biển, công trình cố định đó.
- Phá huỷ hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến các thiết bị hành trình hàng hải hoặc can thiệp nghiêm trọng đến sự vận hành của các thiết bị đó dẫn đến khả năng đe doạ an toàn hành trình hàng hải của chiếc tàu biển.
- Trao đổi các thông tin người đó biết là giả làm nguy hại đến an toàn hành trình hàng hải của chiếc tàu biển.
- Làm bị thương hoặc giết bất kỳ người nào mà việc này liên quan đến việc thực hiện hoặc ý đồ thực hiện các hành vi xâm phạm an toàn hành trình hàng hải nêu trên.
Liên quan đến hành vi xâm phạm an toàn hành trình hàng hải còn có hành vi cướp biển được định nghĩa tại Điều 101 Công ước Luật biển 1982. Theo định nghĩa tại Điều 101 Công ước Luật biển thì cướp biển cũng bao gồm các hành vi bắt giữ trái phép, cướp phá tàu, của cải trên tàu, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người trên con tàu đó. Vậy khi nào một hành vi xâm phạm an toàn hàng hải bị coi là phạm tội cướp biển và khi nào thì phạm tội khủng bố hiện vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng.
Các điều ước quốc tế về đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm an toàn hàng hải cũng chỉ có phạm vi áp dụng đối với các tàu dân sự và các tàu thuyền “không thường xuyên gắn liền với đáy biển”. Như vậy, tàu ngầm, tàu chiến hoặc tàu biển do một quốc gia sở hữu hoặc điều hành và được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ hải quân hoặc sử dụng cho mục đích hải quân hay cảnh sát, tàu biển ngưng vận hành, tàu biển được rút khỏi hoạt động hàng hải không thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước. Công trình cố định thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước cũng là những công trình nhằm mục đích thăm dò hoặc khai thác tài nguyên hoặc các mục đích kinh tế khác.
Công ước cũng chỉ được áp dụng nếu chiếc tàu biển đang hành trình hoặc có kế hoạch hành trình vào, qua hoặc từ những vùng nước ở bên ngoài ranh giới ngoài của lãnh hải một quốc gia hoặc bên ngoài ranh giới lãnh hải của quốc gia đó với quốc gia lân cận. Ngoại lệ của công ước đó là khi người phạm tội hoặc người bị tình nghi là tội phạm được phát hiện trong lãnh thổ của quốc gia thành viên không phải là quốc gia mà tàu biển đang hành trình vào hoặc có ý định trên. Đây là quy định hợp lý, vừa đảm bảo chủ quyền của quốc gia thành viên Công ước lại vừa thuận lợi cho việc hợp tác đấu tranh chống khủng bố.
Công ước về phòng ngừa và trấn áp các tội chống lại người được hưởng sự bảo hộ quốc tế, kể cả viên chức ngoại giao năm 1973 có phạm vi áp dụng là các hành vi:
- Giết người, bắt cóc hoặc tấn công vào thân thể hoặc sự tự do của người được hưởng sự bảo hộ quốc tế.
- Tấn công vũ lực vào trụ sở làm việc, nhà riêng hoặc phương tiện giao thông của người được hưởng bảo hộ quốc tế, có khả năng đe dọa tính mạng hoặc sự tự do của người đó.
- Việc đe dọa hay có ý đồ thực hiện sự tấn công trên đối với những người được hưởng bảo hộ quốc tế cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước.
Tại Điều 1 Công ước có quy định về “những người được hưởng bảo hộ quốc tế” là đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Công ước. Những người này bao gồm:
- Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ hoặc bộ trưởng bộ ngoại giao khi những người này đang ở nước ngoài cũng như những thành viên trong gia đình cùng đi với họ.
- Bất kỳ đại diện hoặc viên chức nào của quốc gia hoặc bất kỳ viên chức hoặc nhân viên nào khác của tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng như thành viên trong gia đình họ.
Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979 có phạm vi áp dụng đối với những hành vi bắt giữ, giam giữ và đe doạ giết hại, làm bị thương hoặc tiếp tục giam giữ người khác (gọi là con tin). Các hành vi này thuộc phạm vi áp dụng của Công ước chỉ khi chúng có mục đích chính trị, đó là nhằm cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là một quốc gia, một tổ chức quốc tế liên chính phủ, một pháp nhân hoặc thể nhân, hoặc một nhóm người phải thực hiện hay không thực hiện bất kỳ hành vi nào như một điều kiện rõ ràng hoặc ngầm hiểu cho việc phóng thích con tin. Tuy nhiên, theo Điều 12 thì Công ước này không áp dụng đối với hành vi bắt cóc con tin được thực hiện trong xung đột vũ trang như được quy định trong Công ước Giơ-ne-vơ 1949 và các nghị định thư bổ sung mà trong các cuộc xung đột vũ trang đó các dân tộc đang đấu tranh chống lại sự đô hộ thực dân và sự chiếm đóng của nước ngoài, chống lại chế độ phân biệt chủng tộc nhằm thực hiện quyền tự