Về mục đích

Một phần của tài liệu Pháp luật quốc tế về chống khủng bố - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 28 - 30)

Lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội khủng bố là cơ sở để có thể khẳng định rằng, mục đích là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội khủng bố vì nếu không có dấu hiệu mục đích thì tội khủng bố sẽ có cấu thành giống các tội phạm khác như tội giết người, cướp biển hay huỷ hoại tài sản... Không thể đánh đồng việc sát hại quan chức ngoại giao nhằm cướp tài sản với việc sát hại nhằm mục đích chính trị, cũng không thể đồng nhất việc bắt cóc vì động cơ vụ lợi (đòi tiền chuộc) với bắt cóc nhằm gây sức ép với chính phủ phải có hành động hoặc không được có hành động nào đó. Dấu hiệu mục đích cũng là một trong những dấu hiệu được nhắc đến trong hầu hết quan điểm của các học giả nghiên cứu về khủng bố và pháp luật hình sự của các nước trên thế giới. Hành vi khủng bố tuy xâm phạm tính mạng, tự do thân thể con người hoặc xâm phạm tài sản nhưng đó không phải là mục đích

phạm tội. Người phạm tội muốn thông qua các hành vi đó gây hoảng loạn, khiếp đảm trong công chúng nhằm mục đích cuối cùng là chính trị. Có quan điểm cho rằng, bên cạnh mục đích chính trị thì hành vi phạm tội khủng bố còn có các mục đích khác như lý tưởng, tôn giáo. Tuy nhiên, suy cho cùng thì lý tưởng hay tôn giáo cũng đều là các vấn đề chính trị hiểu theo nghĩa chính trị “là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh vấn đề trung tâm đó là giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước” [15]. Trong một số công ước quốc tế về chống khủng bố thì mục đích chính trị cũng đã được nhắc đến, ví dụ Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin quy định hành vi bị đấu tranh trong phạm vi công ước phải là hành vi bắt giữ, giam giữ, đe doạ sẽ giết chết, sẽ làm bị thương nhằm cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là một quốc gia, một tổ chức quốc tế liên chính phủ, một pháp nhân hoặc thể nhân, một nhóm người phải thực hiện hay không được thực hiện bất kỳ hành vi nào như một điều kiện rõ ràng hoặc điều kiện ngầm cho việc phóng thích con tin. Hay Công ước về trừng trị việc tài trợ khủng bố tại điểm b khoản 1 Điều 2 quy định tính mục đích của các hành vi khác được coi là khủng bố (ngoài các hành vi được đề cập trong công ước về chống khủng bố liệt kê tại phụ lục) là: nhằm hăm doạ dân chúng hay ép buộc một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế phải thực hiện hoặc không thực hiện bất kỳ hành vi nào. Công ước về trừng trị việc khủng bố bằng bom tuy không nêu tính mục đích của hành vi là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng nhấn mạnh việc trừng trị các hành vi phạm tội có ý đồ gây hoảng loạn trong công chúng hoặc một nhóm người cụ thể với mục đích chính trị, triết học, tư tưởng, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hoặc có tính chất tương tự khác và yêu cầu về dẫn độ hoặc tương trợ tư pháp đối với tội phạm không thể bị từ chối vì lý do tội phạm có liên quan đến chính trị hoặc xuất phát từ động cơ chính trị.

Tính mục đích của hành vi trong cấu thành tội phạm cũng là tiêu chí để phân biệt tội khủng bố và các tội ác quốc tế thuộc thẩm quyền của ICC. Ví dụ: Cũng là hành vi giết người nhưng mục đích của hành vi cấu thành tội diệt chủng là tiêu diệt toàn bộ hay một bộ phận nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo...

Một phần của tài liệu Pháp luật quốc tế về chống khủng bố - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 28 - 30)