Tác động của kinh tế tri thức tới sản xuất và phân phối giá trị thặng dư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lý luận của C.Mác về giá trị thặng dư trong điều kiện của thế giới hiện nay doc (Trang 91 - 96)

Trong tác phẩm "Các học thuyết về giá trị thặng dư", C.Mác đã thừa nhận rằng mầm mống của học thuyết giá trị thặng dư đã từng có ở các nhà kinh tế học cổ điển tiền bối của ông, và xét về mặt lôgíc, học thuyết đó bắt nguồn từ sự phân tích khoa học của họ đối với nền kinh tế tư sản. C.Mác đã không những hoàn thiện học thuyết đó mà còn làm cho học thuyết đó trở thành "hòn đá tảng" trong toàn bộ lý luận kinh tế chính trị mácxít.

Song lý luận này đã bị phủ nhận từ phía những người đối nghịch hoặc nghi ngờ học thuyết Mác để biện hộ cho sự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và nền kinh tế tri thức, họ chuyển sang tuyên bố lý luận giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời bằng cách là tìm những hiện tượng mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại và do đó theo họ dường như việc bóc lột giá trị thặng dư chỉ là vấn đề của thế kỷ 19, ngày nay không còn phù hợp nữa.

Thời đại ngày nay, do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, tri thức mới chính là nguồn lực trong nền kinh tế của xã hội thông tin, tức là trở thành một thế phẩm toàn năng tối hậu trong nền sản xuất hiện đại. Và như vậy, trong xã hội không còn tư bản, vô sản nữa, chi phối xã hội là những "công nhân trí thức" và "những nhà quản lý có tri thức".

Đồng thời, do vai trò của tri thức tăng lên rất nhanh, vì vậy, quan niệm về tỷ lệ giữa lao động "trực tiếp" với lao động "gián tiếp" phải thay đổi căn bản. Trước kia chỉ có công nhân "sản xuất" mới tạo ra "giá trị thặng dư", bây giờ "chính tri thức chứ không phải lao động là nguồn gốc của giá trị". Cùng với việc giảm bớt thời gian làm việc của công nhân sản xuất ta thấy rõ rằng là tri thức và các phương thức áp dụng nó vào thực tiễn đang thay thế cho lao động với tính cách là nguồn gốc của giá trị thặng dư. Vì vậy, người ta nói rằng chủ nghĩa tư bản nếu còn bóc lột thì chỉ bóc lột "người máy". Vì trong các xí nghiệp hiện đại, tự động hoá thì quá trình sản xuất

-92-

tạo ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển trước kia dùng rất nhiều công nhân. Để hiểu rõ về vấn đề này cần thiết phải nghiên cứu kỹ các lý thuyết kinh tế tư sản hiện đại, việc đó có thể giúp hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác và có khi việc nghiên cứu này giúp chúng ta chú ý nhiều đến vấn đề mới của thời đại mà các nhà nghiên cứu mácxít trước đây thường bỏ qua một cách đơn giản. Song chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn đúng trong xã hội tư bản hiện đại, trong điều kiện của nền kinh tế tri thức.

Trong điều kiện của nền kinh tế tri thức, ngoài những yếu tố truyền thống, sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào ba yếu tố: Một là, tăng trưởng đại lượng tri thức; hai là, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin; ba là, sự nổi dậy mạnh mẽ của sản nghiệp phần mềm. Sự tác động khoa học kỹ thuật hiện đại đã thúc đẩy mạnh mẽ sức sản xuất phát triển đến mức làm cho kinh tế phát triển, khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất, văn hoá của các nước tư bản phát triển cao hơn nhiều so với các nước xã hội chủ nghĩa. Từ thực tế đó, dường như giai cấp tư sản dành được giá trị thặng dư là dựa vào khoa học - kỹ thuật và tri thức, chứ không phải là dự vào lao động thặng dư của công nhân làm thuê. Do đó, một số người đã nêu ra câu hỏi: "Thời đại kinh tế tri thức", lý luận giá trị thặng dư phải chăng đã lỗi thời, không phù hợp trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức.

Để lý giải vấn đề này cần phải xuất phát từ lý luận giá trị lao động và lý luận giá trị thặng dư của Mác đã khẳng định: giá trị và giá trị thặng dư đều do lao động sống của người lao động sáng tạo ra, lao động sống là nguồn gốc duy nhất của giá trị và giá trị thặng dư, các yếu tố sản xuất đều không sáng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Khi cách mạng khoa học - công nghệ phát triển, nhà tư bản thông qua sử dụng các thiết bị tự động hoá, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại với quy mô lớn vào quá trình sản xuất, đã nâng cao rất lớn năng suất lao động. Kết quả là nhà tư bản chỉ cần thuê ít công nhân điều khiển máy móc mà vẫn có thể giành

-93-

được giá trị thặng dư nhiều hơn. Đó là một thực tế, nhưng sự thực đó cũng không thể phủ định lý luận giá trị lao động và những nguyên lý cơ bản của lý luận giá trị thặng dư. Dưới điều kiện sản xuất tự động hoá tư bản chủ nghĩa, nhà tư bản thu được giá trị thặng dư lớn vẫn là do lao động thặng dư của công nhân làm thuê sáng tạo ra, sản xuất tự động hoá vẫn không thể làm thay đổi nguồn gốc của giá trị thặng dư. Điều này có thể luận giải như sau:

Một là, dưới điều khiển tự động hoá, giá trị và giá trị thặng dư là do tổng thể công nhân gồm công nhân điều khiển trực tiếp máy móc, nhân viên khoa học kỹ thuật tham gia phát minh, thiết kế chế tạo thiết bị tự động hoá và nhân viên quản lý kinh doanh cộng đồng lao động sáng tạo ra.

Hai là, theo đà nâng cao trình độ sản xuất tự động hoá, năng suất lao động của toàn bộ xã hội tư bản nói chung nâng cao thì toàn bộ giai cấp tư sản thu được giá trị thặng dư tương đối nhiều hơn.

Ba là, mỗi một lần phát triển mạnh và ứng dụng của khoa học - kỹ thuật đều làm thay đổi rất lớn "điều kiện kỹ thuật và điều kiện xã hội" của sản xuất, đều "nâng cao năng suất lao động" rất nhiều. Khoa học kỹ thuật, tri thức và thiết bị tự động hoá cùng các yếu tố sản xuất khác đều là sản phẩm lao động và có giá trị, đều thuộc về tư liệu sản xuất, đều thuộc về điều kiện vật chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mác chưa bao giờ phủ định "tác dụng quan trọng" của tư liệu sản xuất trong quá trình sản xuất. Trong khi ông trình bày sự hình thành giá trị và làm tăng thêm giá trị thì đồng thời nhấn mạnh tiền đề của nó là tư liệu sản xuất là yếu tố không thể thiếu của sản xuất giá trị thặng dư, nó cũng giống như lao động là nguồn gốc của giá trị sử dụng, nhưng không phải là nguồn gốc giá trị.

Như vậy, dưới điều kiện của chủ nghĩa tư bản đương đại, mặc dù khoa học kỹ thuật đã trở thành tiền đề cơ bản của sự tồn tại và phát triển hơn nữa của nhân loại, nhưng kinh tế tri thức lấy tri thức làm cơ sở vừa không thể làm thay đổi nguồn gốc của giá trị thặng dư, vừa không thể làm thay đổi thực chất nhà tư bản bóc lột công

-94-

nhân, cho nên lý luận giá trị thặng dư ở thời đại kinh tế tri thức không hề lỗi thời. Sự tồn tại một cách phổ biến của hàng hoá sức lao động trong điều kiện kinh tế tri thức vẫn là cơ sở tồn tại và vận động, phát triển của giá trị thặng dư. Tuy nhiên, kinh tế tri thức tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm thay đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của sản xuất vật chất, từ đó tạo ra những điều kiện mới cho sản xuất giá trị thặng dư. Những thay đổi đó thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, sản xuất vật chất được trang bị công nghệ mới, năng suất lao động sản xuất vật chất tăng lên không ngừng dưới tác động của quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ. Sự hình thành của công nghệ mới bao hàm không những tư liệu lao động mới mà còn từng bước thay thế những đối tượng lao động truyền thống bằng những đối tượng lao động mới. Từ đó, cho phép con người nói chung và công nhân làm thuê trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất vật chất nói riêng không ngừng rút ngắn thời gian lao động để tạo ra đơn vị sản phẩm. Trong đó có các ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sinh hoạt và các ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt. Ví dụ điển hình là nước Mỹ chỉ cần khoảng 2% sức lao động để sản xuất nông nghiệp nhưng không những có thể đáp ứng được các nhu cầu của Mỹ về lương thực, thực phẩm, mà còn là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xuất khẩu lương thực. ở Pháp chỉ có 7,1% lao động trong nông nghiệp nhưng có khả năng cung cấp 25% sản lượng nông sản cho thị trường EU. Đến nay, không ít các nhà khoa học trên thế giới đều nhận định vào năm 2010, giá trị sản lượng công nghệ phần mềm trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ khoa học kỹ thuật năng lượng tái sinh, vật liệu mới, công nghệ cao có lợi cho môi trường, khoa học kỹ thuật hải dương học sẽ vượt qua một cách toàn diện giá trị công nghệ truyền thống (ôtô, xây dựng, hầm mỏ, giao thông vận tải, dệt...). Tại Việt Nam kể từ khi đổi mới, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp dưới tác động của ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ cũng đã có những kết quả nhất định, từ một quốc gia thiếu lương thực phải nhập khẩu, trong khi có tới 80% sức lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương

-95-

thực, đặc biệt về gạo cùng với xu hướng giảm tỷ trọng sức lao động hoạt động trong nông nghiệp xuống còn trên 50%.

Những trình bày trên cho thấy, thời gian để sản xuất vật chất trong điều kiện của nền kinh tế tri thức có xu hướng giảm xuống, cùng với đó, thời gian để tạo ra những sản phẩm cần thiết để tái sản xuất sức lao động xã hội nói chung và khu vực sản xuất trực tiếp nói riêng cũng giảm xuống, thể hiện sự rút ngắn tương đối thời gian lao động cần thiết và kéo dài tương ứng thời gian lao động thặng dư. Sự thống trị của chủ nghĩa tư bản ngày nay đã và đang cho phép giai cấp các nhà tư bản tận dụng khai thác được lợi thế này để phục vụ lợi ích của mình, cho nên sản xuất giá trị thặng dư tương đối không những được bảo tồn mà còn có xu hướng ngày càng được đẩy nhanh.

Thứ hai, lao động sản xuất vật chất trong điều kiện kinh tế tri thức là lao động cùng với những phương tiện, phương pháp tiên tiến và hiện đại. Sức lao động trong nền kinh tế tri thức phải phù hợp với những điều kiện vật chất kỹ thuật và yêu càu hiệu quả tương ứng, cho nên lao động đó thường có cường độ lao động cao (lao động trí lực sức trí óc) do được thực hiện theo những hình thức tổ chức quản lý sản xuất hiện đại, từ đó sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối vẫn có cơ sở để tồn tại và phát triển.

Thứ ba, sự phát triển của kinh tế tri thức tạo ra cơ sở ngày càng vững chắc cho sự tồn tại của giá trị thặng dư siêu ngạch. Những công ty xuyên quốc gia đang đi đầu về khoa học - công nghệ, đang là những chủ thể chi phối các hoạt động kinh tế chủ yếu của thế giới và cũng là những chủ thể chủ yếu thu giá trị thặng dư siêu ngạch. Sự vận động của giá trị thặng dư siêu ngạch, biểu hiện ra dưới hình thái lợi nhuận siêu ngạch ngày nay đã gây ra những nghi ngờ về sự tồn tại của giá trị thặng dư với tư cách là lao động không công của công nhân làm thuê. Đã có ý kiến cho rằng, ngày nay học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời vì vai trò tạo ra giá trị và đặc biệt là giá trị thặng dư không còn thuộc về lao động sống. Cùng với lao động sống thì các yếu tố khác cũng tham gia vào quá trình này, hơn thế nữa, quá

-96-

trình sản xuất tự động hoá thậm chí không cần tới sự tham gia của lao động sống, cho nên cơ sở tồn tại của giai cấp các nhà tư bản không còn là lao động không công của công nhân làm thuê. Quan niệm như trên dựa trên sự đồng nhất giá trị thặng dư với tư cách là cơ sở tồn tại và vận động của một quan hệ sản xuất xã hội đặc thù và một trong những hình thức biểu hiện cụ thể của nó trong lĩnh vực phân phối.

Tóm lại, giá trị thặng dư với tư cách là cơ sở của chế độ tư bản vẫn tồn tại trong nền kinh tế tri thức khi giai cấp tư bản vẫn tồn tại và thống trị. Kinh tế tri thức không những chưa thủ tiêu giá trị thặng dư, mà ngược lại vẫn còn đang tạo ra những điều kiện mới cho sự tồn tại và vận động của nó.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lý luận của C.Mác về giá trị thặng dư trong điều kiện của thế giới hiện nay doc (Trang 91 - 96)