Quyền con người với các quy định cụ thể ở quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được khẳng định một cách trân trọng trong Hiến pháp 1992, thể hiện bản chất dân chủ - nhân đạo - tiến bộ của Đảng, Nhà nước ta cần được quán triệt để điều chỉnh và bảo vệ bằng các quy phạm của pháp luật hình sự, làm cơ sở để Toà án giải quyết các vụ án.
Trong thư gửi Hội thảo quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền Thế giới do Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, Bộ ngoại giao, trung tâm Khoa học và nhân văn Quốc gia tổ chức tháng 12/1998, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định lại quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là:"Bảo vệ và phát triển quyền con người không chỉ là một nhiệm vụ lớn hiện nay mà chính là lý tưởng phấn đấu của những người Cộng sản; là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; là cốt lõi của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh" [36,67]. Do đó, trong quá trình xây dựng pháp luật cần "ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân" [18,130].
Giá trị cao quý của quyền con người được thừa nhận, được bảo vệ, do đó việc hoàn thiện pháp luật phải: "thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm với phương châm giáo dục phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, cải hoá con người, đề cao bản chất ưu việt và tính nhân đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức đoàn thể xã hội và mọi công dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm" [49,4].