Xuất phát từ nhu cầu tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các tổ chức ... mà Nhà nước đề ra Pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng. Và để thực hiện pháp luật, Nhà nước dùng hai biện pháp chính là giáo dục thuyết phục và cưỡng chế. Trong đó giáo dục thuyết phục là công việc quan trọng hàng đầu. Song pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự không thể mất đi tính cưỡng chế của nó. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế. Nói đến nó nhiều người nghĩ ngay đến các biện pháp trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước. Song hình phạt được đặt ra, trước hết là để phòng ngừa, răn đe và sau đó mới là cơ sở để Toà án cân nhắc trách nhiệm hình sự đối với ai cố tình vi phạm những điều được pháp luật tuyên bố bảo vệ. Đến lượt nó, bản thân hình phạt cũng phải bảo đảm nhân đạo, công bằng. Mác khẳng định "cả lịch sử lẫn lý trí đều xác nhận như nhau cái sự thật là: sự tàn nhẫn không đếm xỉa tới bất kỳ sự khác biệt nào làm cho sự trừng phạt trở nên hoàn toàn vô hiệu, bởi vì sự tàn nhẫn thủ tiêu sự trừng phạt với tư cách là kết quả của pháp luật" [42, 179].
" Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội" (Điều 8 BLHS). Hình phạt chỉ do Bộ luật hình sự quy định.
Như vậy, hình phạt là phản ứng của Nhà nước, đồng thời cũng là sự lên án của xã hội đối với người phạm tội. Tính tất yếu, tính không thoát khỏi trách nhiệm của người phạm tội không thể gây ra một sự nghi ngờ nào về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này cũng có nghĩa là người phạm tội chịu hình phạt phải bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của mình. Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi ở đây là: biện pháp hình phạt phải được quy định tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội "Sự đo lường trách nhiệm đối với tội phạm được và cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng và hợp lý" [45,182] "Điều đó đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với hoạt động lập pháp khi quy định các biện pháp trách nhiệm (hình phạt)" [73,101].
Thực tiễn cho thấy rằng, việc quy định và đặc biệt là áp dụng các biện pháp hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội gặp không ít khó khăn. Do đó, việc lập pháp chưa bao giờ được coi là hoàn thiện. Đồng thời trong xét xử, số lượng các vụ án bị cải sửa theo cả hai hướng tăng và giảm mức hình phạt đối với các bị cáo còn nhiều.
Trong luật hình sự - là luật chứa đựng những biện pháp hình phạt nghiêm khắc nhất, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người phạm tội còn được thể hiện ở chỗ: Nhà nước có quyền trừng trị người phạm tội nhưng phải theo pháp luật, đồng thời phải có nghĩa vụ giáo dục, cải tạo họ thành người có ích cho xã hội. Người phạm tội buộc phải chấp hành hình phạt nhưng cũng có quyền được giáo dục trở thành người lương thiện.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước vì nó có thể tước bỏ hoặc hạn chế những quyền và lợi ích về vật chất, tinh thần và thậm chí cả quyền sống của người phạm tội. Đây là vấn đề nhạy cảm nhất của pháp luật đối với quyền con người. Song không phải vì thế mà pháp luật sẽ phải mất đi hình phạt mà ngược lại, pháp luật quy định hình phạt nhằm phòng ngừa, răn đe và để chống lại tội phạm. Thuộc tính trừng trị vốn có của hình phạt tạo cho chức năng bảo vệ của pháp luật được bảo đảm hơn.
Tính cưỡng chế của hình phạt còn mang nội dung giáo dục, cải tạo người bị kết án, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vì, thông qua hình phạt người bị kết án thấy được tính nguy hiểm cho xã hội do việc phạm tội của mình, thấy được trách nhiệm của
mình đối với hậu quả do họ gây ra, thấy được sự phản ứng của Nhà nước và sự lên án của xã hội đối với họ và thấy được việc phải cải tạo để trở thành người lương thiện.
Như vậy, pháp luật hình sự không thể không quy định hình phạt với nội dung giáo dục thuyết phục và trừng trị gắn bó chặt chẽ với nhau.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy có nhiều loại hình phạt khác nhau. ở Việt Nam, hiện nay hình phạt được Bộ luật hình sự quy định và do Toà án áp dụng. Vấn đề là ở chỗ, việc quy định và áp dụng hình phạt thế nào để bảo đảm có hiệu quả của nội dung giáo dục thuyết phục và trừng trị của hình phạt. Không phải đối với bất kỳ trường hợp phạm tội nào việc quy định, vận dụng nội dung giáo dục, thuyết phục và trừng trị cũng như nhau.Có nghĩa là, đối với tội phạm nghiêm trọng (rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng) thì nội dung trừng trị của hình phạt phải được tăng cường. Và ngược lại, đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì nội dung thuyết phục lại phải được tăng cường, nội dung trừng trị phải giảm đi. Điều đó được thể hiện cụ thể trong các mức hình phạt của các cấu thành tội phạm. Như vậy, mức hình phạt nghiêm khắc sẽ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm và nhân thân người phạm tội. Điều này cũng được thể hiện tại Điều 3 BLHS: "Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát giáo dục".
Nhà nước ấn định hình phạt đồng thời cũng quy định rõ mục đích của hình phạt. Điều 27 Bộ luật hình sự xác định: "Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm...".
Như vậy, mục đích của hình phạt là kết quả thực tế mà Nhà nước mong muốn đạt được khi quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và áp dụng hình phạt đối với cá nhân người phạm tội.
Rõ ràng, hình phạt không nhằm làm đau đớn về thể xác và hạ thấp nhân phẩm con người.
Như đã phân tích, trong luật hình sự Việt Nam hình phạt mang nội dung giáo dục, thuyết phục và trừng trị. Hình phạt nhằm tạo cho người phạm tội nhận thức được lỗi lầm của mình đồng thời nhận thức được sự cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ và giúp họ thấy được sự cần thiết phải tự giác tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Ngoài ra, hình phạt còn có mục đích giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Tinh thần nhân đạo, coi trọng quyền con người của người phạm tội được thể hiện rõ hơn trong quy định mục đích của hình phạt, bằng việc lấy từ "giáo dục" thay cho từ "cải tạo". Cụ thể là: hình phạt " còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội" (Điều 27 BLHS 1999) chứ không phải là "cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội" (Điều 20 BLHS 1985) ít nhiều mang tính đoạ đày. Hình phạt do Bộ luật hình sự quy định không có tính nhục hình. Các biện pháp hình phạt được đặt ra đòi hỏi phải có hệ thống và công bằng.
Hệ thống hình phạt là một chỉnh thể bao gồm các loại hình phạt được quy định trong luật hình sự và được sắp xếp theo một trình tự nhất định tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm khắc của mỗi hình phạt.
Theo Bộ luật hình sự, hệ thống hình phạt của nước ta được cấu thành từ 2 loại: hình phạt chính và hình phạt bổ sung. (Điều 28 BLHS)
Các hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ có thể bị áp dụng một trong bảy hình phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, từ chung thân, tử hình.
Hình phạt bổ sung là hình phạt không thể tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo hình phạt chính. Hình phạt bổ sung không được áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính). Ngoài các hình phạt trên, Toà án không được áp dụng bất cứ hình phạt nào khác.
Hệ thống hình phạt nước ta đa dạng, có các mức độ khác nhau thể hiện đường lối của Nhà nước là kết hợp giữa giáo dục thuyết phục và cưỡng chế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời là cơ sở cho việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc quy định nội dung của từng hình phạt, luật hình sự còn quy định hình phạt nào thì được áp dụng với loại tội phạm nào. Chẳng hạn, cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt; phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác.
Đồng thời, Luật cũng quy định những trường hợp nào thì được áp dụng hình phạt nào, hình phạt nào không được áp dụng đối với đối tượng nào. Chẳng hạn, Điều 30 BLHS quy định khi nào áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, khi nào là hình phạt bổ sung; phạt tử hình không được áp dụng đối với người chưa thành niên, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi; không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên (đủ 14 tuổi đến 16 tuổi) phạm tội. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội mà điều luật được áp dụng quy định phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt được áp dụng cao nhất không quá 12 năm tù (trước đây là 15 năm); còn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt được áp dụng không quá 18 năm tù (trước đây 20 năm tù).
Ngoài việc quy định các loại hình phạt với các mức độ nghiêm khắc khác nhau, luật hình sự còn quy định rõ các mức thời gian tối thiểu và mức thời gian tối đa đối với hình
Trước đây, luật hình sự quy định hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 2 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (Điều 24 BLHS 1985). Hiện nay, Bộ luật hình sự quy định loại hình phạt này được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm không chỉ đối với người phạm tội ít nghiêm trọng mà cả đối với người phạm tội nghiêm trọng (Điều 31 BLHS 1999).
Như vậy, phạm vi áp dụng hình phạt này được mở rộng hơn, tránh khuynh hướng nặng về hình phạt tù. Hình phạt tù có thời hạn là từ 3 tháng đến 20 năm (Điều 33). Hình phạt tử hình, Bộ luật hình sự trước đây quy định tại 44 điều nhưng nay chỉ còn quy định tại 29 điều luật. "Việc Toà án áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đúng pháp luật kể cả hình phạt chung thân, tử hình đối với một số người phạm tội thuộc những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ... xâm phạm tính mạng, tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân (giết người, giết người cướp tài sản công dân, hiếp dâm trẻ em) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân" [28,6]. Việc quy định hình phạt tử hình là cần thiết, nhưng hiện nay phạm vi áp dụng hình phạt này đã được thu hẹp đáng kể, chỉ còn áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, coi trọng quyền sống của con người. Hơn nữa, "trên thực tế, tính chất nghiêm minh và chức năng răn đe, giáo dục, phòng ngừa của pháp luật nói chung và hình phạt nói riêng chủ yếu phụ thuộc vào việc thực thi pháp luật chứ không phải ở việc quy định hình phạt thật nặng" [41,40].
Việc quy định thời hạn tối thiểu (3 tháng) và thời hạn tối đa (20 năm trong trường hợp phạm một tội và 30 năm trong trường hợp phạm tội nhiều tội) của hình phạt tù là tạo điều kiện cho việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự, mở rộng khả năng lựa chọn một hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, phù hợp với những đặc điểm nhân thân người phạm tội. Song trên thực tế, với điều kiện cải tạo hiện nay thì mức hình phạt 3 tháng tù giam sẽ khó có khả năng giáo dục người phạm tội trở thành "người có ích cho xã hội". Hơn nữa, quy định như vậy cũng có thể là kẽ hở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hợp pháp hoá việc tạm giữ, tạm giam sai pháp luật bằng việc tuyên phạt bị cáo 3 tháng tù giam để trừ vào thời gian người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, việc quy định mức tối đa của hình phạt tù đối với trường hợp phạm nhiều tội là 30 năm là phù hợp với lý luận về sự công bằng nhưng chưa thật sự hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, thứ nhất: "hàng năm số bị cáo bị phạt tù chung thân chiếm một tỷ lệ khá cao. Thế nhưng qua thực tế không có trường hợp nào người bị phạt tù chung thân chấp hành phạt quá 20 năm" [64,38]; thứ hai: mức án 30 năm không phải là biện pháp hữu hiệu để "trừng trị" và "giáo dục" người phạm nhiều tội như mục đích của hình phạt đặt ra. Bởi vì, không hẳn là việc áp dụng hình phạt tù lâu tới mức 30 năm mới đủ độ để giáo dục, cải tạo người phạm nhiều tội.
Trong hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự, hình phạt tù vẫn chiếm ưu thế. Trong khi đó, các hình phạt không phải là tù chưa thực sự có vị trí cân xứng với hình phạt tù "Sự quá nghiêng về hình phạt tù trong luật hình sự nước ta dẫn đến mất cân đối trong hệ thống hình phạt giữa hình phạt tù và các hình phạt không phải tù, khó đảm bảo tính thống nhất nội tại giữa tội phạm và hình phạt; dẫn đến tình trạng áp dụng hình phạt tù phổ biến trong thực tiễn xét xử" [70,27]. Do vậy, có "thực tế đáng lo ngại là đối với một số người phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý, có nhân thân tốt đáng lẽ và cần phải được cải tạo, giáo dục trong môi trường sống và công tác của mình mà không cần tách ly khỏi xã hội thì Toà án lại quyết định hình phạt tù với thời hạn ngắn" [73,124]. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của người phạm tội.
Như vậy, đến nay lời dạy của Lê Nin vẫn còn nguyên giá trị, "tác dụng ngăn ngừa