Nguyên tắc pháp chế.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân doc (Trang 52 - 53)

Khi áp dụng hình phạt, Toà án phải tuân thủ nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật. Các qui định đó là một hệ thống các bảo đảm về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Để có được hình phạt đúng, trước hết Toà án phải định tội danh đúng. Muốn định tội danh đúng phải xác định đúng đắn, khách quan các tình tiết của vụ án xảy ra trong thực tế, nắm vững nội dung của các qui phạm pháp luật, đối chiếu, so sánh chính xác, đầy đủ các dấu hiệu hành vi phạm tội đã xảy ra với các dấu hiệu được qui định trong qui phạm pháp luật, xác minh lại trong quá trình xét xử để kết luận bị cáo phạm tội này hay phạm tội khác. Như vậy, không có các dấu hiệu được qui định trong luật hình sự thì bất cứ hành vi nào cho dù có nguy hiểm cho xã hội xảy ra trong thực tế cũng không được coi là tội phạm. Chẳng hạn, trước đây hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn không được coi là phạm tội. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật hình sự trong khi định tội danh là điều kiện cơ bản nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của bị cáo. Vì "định tội danh đúng sẽ loại trừ việc kết án vô căn cứ những người có hành vi không nguy hiểm cho xã hội, không trái pháp luật hình sự và tạo tiền đề pháp lý cho việc quyết định hình phạt công bằng đối với người phạm tội " [73,147].

Nếu định tội danh sai, tất yếu sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt sai, áp dụng sai việc miễn trách nhiệm hình sự, đặc xá, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích, làm cho bị cáo phải gánh chịu hậu quả không đáng phải gánh chịu, không phù hợp với hành vi họ đã thực hiện. Hoặc cũng có thể định tội danh sai làm cho người đáng lẽ phải chịu hình

phạt nặng hơn nhưng lại được hưởng hình phạt nhẹ hơn. Điều này vi phạm đến nguyên tắc công bằng, làm tổn hại đến các lợi ích được luật hình sự bảo vệ.

Khi xem xét quyết định hình phạt, phải tuyệt đối tuân thủ các qui định của pháp luật. Chẳng hạn như căn cứ vào các qui định về: cấu thành tội phạm, phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự, vụ kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình trạng không có trách nhiệm hình sự, các qui định đối với người chưa thành niên phạm tội, tổng hợp, hình phạt, ... và căn cứ vào chế tài của điều luật qui định tội phạm mà bị cáo đã thực hiện.

Khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo, Toà án phải căn cứ vào điều luật để xác định tội danh, xác định loại hình phạt cần được áp dụng rồi quyết định mức hình phạt cụ thể dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm đã thực hiện, các đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Việc quyết định hình phạt phải được viện dẫn bằng các khoản, điều luật cụ thể. Có nghĩa là Toà án chỉ được tuyên những hình phạt được qui định trong Bộ luật hình sự.

Việc quyết định hình phạt đòi hỏi phải có đầy đủ các căn cứ, lý do. Các căn cứ, lý do đó là những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trong thực tế, phù hợp với các qui định của pháp luật, mang đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể và các tình tiết khác đã được Hội đồng xét xử kiểm tra đánh giá, nhận xét tại phiên toà.

Nguyên tắc pháp chế còn thể hiện ở chỗ, trong các phương án giải quyết khác nhau mà luật cho phép, đòi hỏi Toà án phải cân nhắc lựa chọn một loại và mức hình phạt hợp lý, có nghĩa là đúng pháp luật, phù hợp với các tình tiết cụ thể của vụ án, với các đặc điểm nhân thân người phạm tội. Bởi vì những người khác nhau, cho dù phạm tội giống nhau nhưng mức hình phạt áp dụng đối với họ không thể như nhau.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân doc (Trang 52 - 53)