I KẾN NGHỊ:
1 Về nội dung chế độ TNLĐ&BNN:
1.3 Kiến nghị về mức đóng và mức hưởng:
a) Về mức đóng:
Theo quy định tại khoản 1 điều 36 của Điều lệ BHXH ban hành cùng Nghị định 12/CP của Chính phủ ngày 26/01/1995 thì mức đóng góp BHXH đối với chế độ TNLĐ&BNN được tính cũng với các chế độ ngắn hạn khác như: ốm đau, thai sản là 5% tổng quỹ lương mà không có có quy định cụ thể mức đóng góp riêng cho chế độ này. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn kinh phí cho loại hình trợ cấp hàng tháng TNLĐ&BNN và trang cấp các thiết bị, bộ phận phục hồi chức năng lại chưa có quy định cụ thể nguồn thực hiện vì vậy, trong thực tế việc trợ cấp này được tính chung trong nguồn quỹ BHXH để thực hiện chế độ hưu trí và trợ cấp tử tuất.
Từ thực tế trên, cho thấy rằng: quỹ TNLĐ&BNN cần được tính toán, được quản lí riêng và được coi là quỹ thành phần của quỹ BHXH. Quỹ này được hình thành bởi sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và được xác định bằng một tỷ lệ % so với tổng quỹ lương của người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TNLĐ&BNN phát sinh không đồng đều giữa các ngành nghề và còn phụ thuộc theo tính chất công việc. Có những ngành nghề, công việc có xác suất xảy ra TNLĐ&BNN lớn song lại có những ngành nghề xác suất xảy ra nhỏ. Vì vậy, nếu tỷ lệ % này bị cố định sẽ không có tác dụng khuyến khích nguời sử dụng lao động tăng cường công tác bảo hộ để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong đơn vị mình. Thiết nghĩ trong tương lai chúng ta cần có những tính toán quy định tỷ lệ đóng góp này phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, công việc theo chiều hướng: những ngành nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao thì phải đóng góp và quỹ nhiều hơn và ngược lại. Việc quy định này cũng cần phải được điều chỉnh thường xuyên theo tình hình TNLĐ&BNN cũng như xác suất nảy sinh rủi ro, và tỷ lệ % cũng không nên quy định cứng trong Luật mà nên để quyền cho Chính phủ quy định, điều này cũng là phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới.
b) Về mức hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN :
Theo quy định hiện nay, khi người lao động không may bị tai nạn lao động hay mắc phải bệnh nghề nghiệp thì việc hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN sẽ được căn cứ theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động mà không tính đến thời gian người lao động tham gia vào quỹ BHXH cũng như tiền lương của họ ngay trước khi bị tai lao động hay mắc phải bệnh nghề nghiệp. Việc lấy tiền lương tối thiều làm cơ sở cho việc tính toán sẽ đảm bảo cho sự công bằng giữa những người lao động với nhau. Bởi là người lao động, thì ai cũng có nguy cơ bị TNLĐ&BNN và khi điều đó xảy ra họ đều có nhu cầu như nhau. Việc sử dụng tiền lương tối thiểu và thang trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động có ưu điểm lớn là dễ tính toán và dễ điều chỉnh cho phù hợp vớii điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi thời kì. Tuy nhiên hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng với mức trợ cấp như trên sẽ không bù đắp được phần thu nhập bị mất do bị TNLĐ&BNN gây ra và mức lương làm căn cứ trợ cấp nên lấy là một bội số của mức tiền lương tối thiểu. Một vấn đề khác đáng lưu tâm ở đây là chúng ta có nên tiếp tục duy trì khung suy giảm sức lao động để làm căn cứ trợ cấp hay không? Bởi ưu diểm lớn nhất của khung là việc dễ tính toán, tuy nhiên cùng với sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật và trình độ như hiện nay thì việc tính toán trở lên không khó thực hiện và ưu điểm này cũng sẽ bị mất dần. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của việc duy trì theo khung là tạo ra sự chênh lệch giữa các mức trợ cấp của khung lại không được cải thiện. Với mức suy giảm khả năng lao động chỉ cách biệt 1% nhưng đã có thể nằm ở hai khung khác nhau với mức trợ cấp khác nhau. Ở nước ta, mỗi khung được quy định là 10% tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, nên những người lao động có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động trong cùng một khung thì có mức trợ cấp như nhau cho dù những người này có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động lệch nhau tới 10%. Ngược lại, có những người lao động chỉ chênh lệch nhau 1% mức suy giảm khả năng lao động nhưng lại nằm ở hai khung liền kề nhau và đương nhiên mức trợ cấp cũng khác nhau. Với những quy định trên, một mặt sẽ gây
ra tình trạng thiếu công bằng trong hưởng thụ của người lao động, mặt khác lại dẫn tới việc các kết quả giám định về tỷ lệ thương tật của của Hội đồng giám định y khoa có thể bị bóp méo, sai lệch so với thực tế và đây cũng chính là khẽ hở để thực hiện việc trục lợi bảo hiểm. Một vấn đề khác cũng cần được xem xét là mức trợ cấp giữa hai khung. Chúng ta có thể thấy rằng hiện nay, mức trợ cấp giữa hai khung chênh lệch nhau là 4 tháng tiền lương tối thiểu cho trợ cấp một lần và 0,2 tháng tiền lương tối thiểu cho trợ cấp hàng tháng. Việc thực hiện như trên chưa thật thuyết phục và còn mang tính bình quân. Bởi ta biết rằng: cứ tăng 1% tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì sức khoẻ của người lao động lại bị suy giảm nhiều hơn so với 1% suy giảm trước. Ví dụ như: suy giảm khả năng lao động từ 79% lên 80% khác rất nhiều so với việc suy giảm từ 31% lên 32%, có nghiã là “ giá trị sức khoẻ” của 1% suy giảm từ 79% lên 80% lớn hơn nhiều so với “giá trị sức khoẻ” của 1% suy giảm từ 31% lên 32%. Vì thế có lẽ cách tốt nhất là chúng ta nên tính mức hưởng luỹ tiến theo tỷ lệ tăng của sự suy giảm khả năng lao động.