ma túy diễn ra tại tỉnh Điện Biên từ năm 2002 đến tháng 6/2006
- Tình hình tệ nạn ma túy ở Điện Biên:
Việc trồng và hút thuốc phiện đã xuất hiện từ lâu trong đồng bào các dân tộc ít người ở Điện Biên. Dưới thời thực dân, phong kiến thuốc phiện là một trong những sản vật người dân phải nộp cho nhà cầm quyền (vua Mèo, vua Thái). Trồng thuốc phiện trở thành truyền thống, hút thuốc phiện trở thành tập quán của đa số đồng bào dân tộc ít người, trong tiềm thức nhiều người cao tuổi họ xem hút thuốc phiện như nghi thức văn hóa của họ và cộng đồng. Khách đến vùng đồng bào dân tộc ít người phải là khách quý mới được họ mời hút thuốc phiện và uống rượu, dần dần như thế trở thành phong tục. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, chính sách mở cửa cũng là điều kiện cho một số tệ nạn du nhập làm thay đổi cách nghĩ, cách sống của không ít đồng bào vùng cao. Tệ lạm dụng ma túy từ những năm 80 của thế kỷ XX đã làm cho một bộ phận không nhỏ dân cư trở nên nghiện ngập.
Hiện tại, tệ nạn nghiện ma túy vẫn là hiện tượng phổ biến trong toàn tỉnh. Trong các cơ quan nhà nước tình hình nghiện ngập không đáng kể, nhưng hầu hết ở địa bàn các xã, phường, thị trấn đều có người nghiện ma túy. Số liệu thống kê cho thấy hiện cả tỉnh có 5.464 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, thực tế số nghiện chưa được phát hiện và chưa có hồ sơ không phải là nhỏ. Nếu trước đây người nghiện chỉ sử dụng thuốc phiện với hình thức hút bằng tẩu (điếu) thì nay đã thay đổi bằng nhiều hình thức khác, cả
ở vùng đồng bào dân tộc ít người. Đó là việc sử dụng các chất ma túy tinh chế như hêrôin, hoặc ma túy tổng hợp và sử dụng với hình thức tiêm chích hoặc nuốt, uống.
Cơ cấu giới tính của người nghiện ma túy ở Điện Biên chủ yếu nam giới. Một hiện tượng đáng lo ngại không chỉ riêng Điện Biên đó là tình trạng thanh thiếu niên và người trong độ tuổi lao động nghiện ma túy. Số liệu thống kê cho thấy nông dân, người không có việc làm vẫn là đối tượng chính của tệ nạn nghiện ma túy, chiếm 95,14%. Về thành phần dân tộc người Mông, người Thái và người Kinh là những dân tộc có tỷ lệ người mắc nghiện cao. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, phần lớn chỉ giới hạn ở bậc trung học cơ sở trở xuống. Nguyên nhân của tình trạng tệ nạn nghiện ma túy ở Điện Biên rất đa dạng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do đua đòi, tò mò muốn thử để biết cảm giác... lâu dần thành nghiện. Thực trạng của tệ nạn ma túy này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tội phạm mua bán trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp.
- Tình hình diễn biến hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên: Từ năm 2002 đến tháng 6/2006, tội phạm ma túy bị phát hiện, bắt giữ, điều tra xử lý 1.517 vụ; gồm 2.296 đối tượng. Vật chứng thu giữ gồm: 154,9 kg thuốc phiện; 26,8 kg hêrôin; 4.634 viên ma túy tổng hợp; 2,785 tỷ VND và 6.800,0 USD ngoài ra còn thu giữ: 05 khẩu súng quân dụng; 70 khẩu súng tự tạo; 04 quả lựu đạn và nhiều đồ vật tài sản khác có liên quan đến hoạt động của tội phạm ma túy. (Xem bảng 1 phần phụ lục).
Trong số đó, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy là: 1.196 vụ chiếm 78,83% số vụ phạm tội về ma túy; gồm 1.794 đối tượng, chiếm 78,13% số đối tượng bị phát hiện bắt giữ. Số vật chứng thu giữ gồm: 152 kg thuốc phiện; 26,17 kg hêrôin; 4.528 viên ma túy tổng hợp; 2,719 tỷ VND và 6.800,0 USD; 05 khẩu súng quân dụng; 70 khẩu súng tự tạo; 04 quả lựu đạn và nhiều đồ vật tài sản khác có liên quan đến hoạt động của tội phạm ma túy. (Xem bảng 2 phần phụ lục).
Tình hình diễn biến hoạt động của tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy do người dân tộc ít người gây án trong thời gian từ năm 2002 đến tháng 6/2006, được thể hiện: trong tổng số 1.196 vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép
chất ma túy được phát hiện thì số vụ do người dân tộc ít người gây án: 915 vụ, chiếm 76,5%; gồm 1.350 đối tượng, chiếm 75,25%. Cụ thể:
- Mua bán trái phép chất ma túy: 434 vụ; gồm 734 đối tượng; - Vận chuyển trái phép chất ma túy: 289 vụ; gồm 389 đối tượng; - Tàng trữ trái phép chất ma túy: 192 vụ; gồm 227 đối tượng. (Xem bảng 3 phần phụ lục).
Từ năm 2002 đến hết tháng 6/2006, Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Điện Biên xét xử 1.506 vụ; gồm 2.219 bị cáo phạm tội về ma túy. Các mức án đã tuyên: tử hình 35 bị cáo; Tù chung thân: 74 bị cáo; Tù từ 15 năm đến 20 năm: 406 bị cáo; Tù từ 7 năm đến 15 năm: 669 bị cáo; Tù dưới 7 năm: 948 bị cáo; Tù cho hưởng án treo: 87 bị cáo. Trong đó đối tượng là người dân tộc ít người chiếm tỷ lệ cao và cũng bị xử lý với các mức án trên.
Thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm cho thấy, mặc dù bị tấn công quyết liệt và xử lý rất nghiêm minh, nhưng do nhiều lý do như khó khăn kinh tế, nhận thức pháp luật thấp... Đặc biệt chủ yếu do lợi nhuận cao đem lại nên trong các năm gần đây tội phạm tàng trữ, vận chuyển,mua bán trái phép chất ma túy do người dân tộc ít người gây án được phát hiện bắt giữ ngày càng nhiều. Nếu năm 2002 có 185/367 vụ (do người dân tộc ít người gây án), chiếm 50,4% số vụ án về tội phạm ma túy, thì 6 tháng đầu năm 2006 tỷ lệ này là 123/149 vụ, chiếm 85,55% số vụ án về tội phạm ma túy được phát hiện, bắt giữ. Tính chất gây án ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, số lượng người gây án và số lượng ma túy thu giữ trong một số vụ án rất lớn, nhiều vụ đối tượng sử dụng vũ khí nóng để bảo vệ khi gây án như vụ Vàng A Sùng - sinh năm 1975 trú tại xã Na Ư và Và A Mua - sinh năm 1974, quốc tịch Lào bắt ngày 25/5/2006, khi bị bắt chúng mang theo 566,7 gam hêrôin, 01 khẩu K59 - 06 viên đạn và 01 khẩu AK cùng 44 viên đạn lắp đầy trong 2 băng; có vụ khi bị bắt giữ chúng hô hào dân bản chống đối để đánh tháo như vụ Sùng A Di - sinh năm 1965 và Sùng A Tùng - sinh năm 1984, mua bán 1,5 kg thuốc phiện bị bắt ngày 03 tháng 4 năm 2006 tại bản Nà Côm - xã Núa Ngam - Điện Biên. Điều đó thể hiện sự gay go, quyết liệt và nguy hiểm của cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy.
Số liệu trên theo tác giả mới chỉ phản ánh được sự tăng lên của số vụ được phát hiện, nhưng chưa phản ánh đầy đủ được diễn biến hoạt động của tội phạm này. Với thực
tế cho thấy, tấn công mạnh phát hiện nhiều và số vụ án có quy mô lớn vẫn phát hiện nhiều hàng năm, mặt khác số người nghiện ma túy trên địa bàn không giảm, hàng năm đối tượng nghiện mới vẫn phát sinh nhiều. Điều đó thể hiện tính chất nghiêm trọng, phức tạp của tội phạm ẩn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Cần lưu ý, phải có tội phạm sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy tồn tại và hoạt động thì người nghiện mới có ma túy sử dụng. Đó là một trong những cơ sở để tác giả đưa ra quan điểm: Số liệu về công tác đấu tranh
chống ma túy, mới chỉ phản ánh sự tăng giảm của vụ việc được phát hiện, mà chưa phản ánh được sự tăng giảm hoạt động của tội phạm ma túy. Đó cũng là cơ sở để chứng minh
sự phức tạp trong đấu tranh chống ma túy hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó tội phạm này do người dân tộc ít người gây án chiếm tỷ lệ cao.