0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (146 trang)

Nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác giáo dục đào tạo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở TỈNH THANH HÓA PPT (Trang 108 -115 )

Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò then chốt trong sự nghiệp "trồng người", xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho CNH, HĐH. Nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ VIII khẳng định: "Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Coi trọng cả 3 mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong 5 năm tới là phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên có việc làm; khắc phục những tiêu cực, yếu kém trong giáo dục và đào tạo"[40 - 107].

Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, phát huy mặt tích cực và khắc phục những yếu kém trong công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục - đào tạo, cụ thể:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục - đào tạo.

Từ đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta cũng đã được đổi mới. Đổi mới trong nhận thức về vị trí và vai trò của giáo dục đào tạo

đã dẫn đến đổi mới trong hoạt động thực tiễn giáo dục và đào tạo. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước ta một bước tiến mới: Đã làm được nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục - đào tạo.

Đổi mới công tác giáo dục đào tạo là nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục - đào tạo. Để thực hiện được điều này trước hết cần phải xây dựng đội ngũ giáo viên - nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Sự nghiệp CHN, HĐH của đất nước cũng như của tỉnh Thanh Hóa rất cần một đội ngũ giáo viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất ở nhiều ngành, nghề, bậc học khác nhau. Chính họ là người sẽ trực tiếp đào tạo cho xã hội một đội ngũ những người lao động có chuyên môn giỏi và phẩm chất tốt.

Thanh Hóa có đội ngũ giáo viên phần lớn là có trình độ chuyên môn vững vàng, có tâm huyết với nghề nghiệp. Song vẫn còn một số giáo viên, chưa đạt chuẩn ở hầu hết các ngành học, bậc học. Vì vậy, tỉnh phải có lịch trình triển khai việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cả các trường. Đối với giáo viên mầm non, tiểu học nên được đào tạo ở trình độ cao đẳng. Hiện nay giáo viên mầm non chiếm 70% là trình độ trung cấp và sơ cấp, giáo viên tiểu học chiếm tới một phần ba là ở trình độ 12+2. Đối với giáo viên bậc phổ thông trung học phải tốt nghiệp đại học chính quy và phấn đấu 10% phải được đào tạo ở trình độ cao học. ở đại học phải hầu hết có trình độ cao học, trong đó 30% phải ở trình độ tiến sĩ. Thực tế ở trường đại học Hồng Đức Thanh Hóa hiện nay trình độ trên đại học mới đạt 33%.

Một vấn đề cần phải tiếp tục đổi mới trong thực tiễn giáo dục - đào tạo ở Thanh Hóa nữa là cần phải có sự phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc hướng dẫn thực hành nâng cao tay nghề cho người học. Bởi các cơ sở thí nghiệm thực tập trong nhà trường "nhỏ bé" và "eo hẹp" nhất là các trường dạy nghề. Vì vậy, phần lớn người học chỉ được

đào tạo về lý thuyết và thực hành quanh quẩn trong các cơ sở thí nghiệm của nhà trường. Kết quả điều tra phỏng vấn một số sinh viên các trường dạy nghề cho thấy sinh viên phần lớn là được thực hành trong xưởng của trường với phương tiện hầu hết đã cũ kỹ, thậm chí đã lạc hậu. Vì vậy, cần phải gắn kết giữa việc đào tạo của nhà trường với các cơ sở sản xuất kinh doanh để có thể rèn luyện mặt thực hành nâng cao tay nghề cho người học.

Một việc cần phải đổi mới ở Thanh Hóa cũng như Việt Nam là cách nhìn nhận đánh giá chất giáo dục - đào tạo.

Từ trước đến nay chúng ta đánh giá theo chiều đạt thành tích. Trường nào thi tốt nghiệp tỉ lệ cao là tốt, là đạt thành tích (nhất là phổ thông trung học), nếu bộ môn nào điểm tổng kết có tỉ lệ điểm khá giỏi cao là bộ môn đó giảng dạy tốt có chất lượng, giáo viên cũng đạt thành tích và ngược lại tỉ lệ tốt nghiệp của trường nào thấp là không đạt thành tích là chất lượng giáo dục - đào tạo chưa cao. Ngược lại bộ môn nào điểm thấp thì giáo viên giảng dạy chưa tốt. Do đó, trường nào cũng sợ không đạt thành tích, giáo viên nào cũng sợ sẽ bị đánh giá là dạy không tốt nên nhiều khi đánh giá và xét kết quả học tập không trung thực. Vì vậy, cần phải đổi mới cách nhìn nhận trong việc đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo. Khi đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo cần tìm nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp là do đâu.

Do cơ sở vật chất, điều kiện học tập, điều kiện học tập thiếu thốn hay do người học không chịu học hoặc là do người dạy chưa tốt, để mà tìm ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Làm được điều này không phải do một vài giáo viên nào thực hiện là được, hoặc do một vài trường thực hiện là có thể thay đổi được cách nhìn nhận đánh giá đó. Mà điều chủ yếu là tỉnh phải có chủ trương, kế hoạch xây dựng hệ chuẩn đánh giá kết quả học tập và triển khai thành nghị quyết, được áp dụng trong thực tiễn giáo dục đào tạo của toàn tỉnh thì mới đem lại kết quả trung thực trong việc đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo.

Hai là, tăng cường ngân sách cho giáo dục đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giáo dục đào tạo.

Để giáo dục - đào tạo trở thành "quốc sách hàng đầu" và xây dựng được nguồn nhân lực thì trước hết cần phải "tăng cường các nguồn lực cho giáo dục đào tạo" [24- 37].

Sức mạnh của mỗi quốc gia trước hết là sức mạnh kinh tế - xã hội dựa trên cơ sở nền dân trí phát triển, với nguồn nhân lực khoa học công nghệ ngày càng tăng, năng động trong đổi mới sản xuất, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng dịch vụ, nâng cao các hoạt động văn hóa tinh thần. Với ý nghĩa đó, thì tốc độ phát triển của mỗi nước đều phụ thuộc vào quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục - đào tạo. Song bản thân lĩnh vực giáo dục - đào tạo không thể tự phát triển nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, của các ban ngành của các ngành kinh tế và của tổ chức xã hội.

Đầu tư cho giáo dục đào tạo là quá trình bỏ vốn nhằm tạo ra lực lượng lao động có kiến thức khoa học- công nghệ, có khả năng phát minh sáng chế, áp dụng kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất lao động, đưa lại giá trị lớn hơn. Nếu chúng ta không tập trung thực hiện chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể làm chủ được tri thức mới của thời đại thì không thể CNH, HĐH đất nước được.

Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục đào tạo của Thanh Hóa còn hạn hẹp, lạc hậu, ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn ở mức thấp, chế độ chính sách còn nhiều bất hợp... do vậy, mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nhưng cũng phải từng bước tăng cường nguồn ngân sách cho giáo dục và đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giáo dục đào tạo. Vì đầu tư cho giáo dục - đào tạo cũng là đầu tư cho phát triển.

Vậy cho nên, UBND tỉnh và các ban ngành phải hết sức chú trọng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phải tăng cường nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục - đào tạo đúng với vai trò "quốc sách hàng đầu". Cho dù Thanh Hóa đang còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng không thể để tổng kinh tế đầu tư cho giáo dục - đào tạo dưới 15% trong tổng chi ngân sách. Từ nay đến 2010 tỉnh phải phấn đấu tăng tỉ lệ ngân sách chi cho giáo dục đào tạo từ 15% đến 20%. Cần phân định ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong phát triển giáo dục - đào tạo. Hội đồng nhân dân tỉnh nên quy định trích 40% khoản thu vượt chỉ tiêu kế hoạch để bổ sung cho giáo dục đào tạo, thực hiện đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục - đào tạo, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, tranh thủ sự viện trợ của các nước và tổ chức quốc tế, phát triển tín dụng trong tỉnh vì mục đích giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH, HĐH. Từ sự nhận thức đúng về sự đầu tư cho giáo dục - đào tạo cần xây dựng ý thức trách nhiệm, ý thức chăm lo, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đào tạo cho nhân dân trong tỉnh, cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phát triển giáo dục và đào tạo. Việc đầu tư cho giáo dục đào tạo không chỉ là công việc của Nhà nước. Chúng ta cần thông suốt quan điểm "Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân". Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, coi đó là quan điểm chỉ đạo quan trọng, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo. Từ nhận thức đúng về sự đầu tư cho giáo dục - đào tạo, chúng ta thấy việc tăng ngân sách cho giáo dục - đào tạo là việc làm cần thiết. Nhưng việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách, còn là việc làm cần thiết hơn. Nếu sử dụng ngân sách cho giáo dục đào tạo không hợp lý thì sẽ gây ra lãng phí nguồn ngân sách. Trong khi kinh phí cho giáo dục đào tạo của tỉnh còn hạn hẹp thì chỉ nên đầu tư vào khâu chủ yếu, trọng điểm trong giáo dục đào tạo như: Chú trọng đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đội ngũ giáo viên mạnh mới tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp CNH, HĐH. Trong thực tế đội ngũ giáo viên của Thanh Hóa chưa đủ mạnh. Do đó phải bồi dưỡng, chuyển hóa đội ngũ giáo viên, phấn đấu đến năm 2010 nâng tỉ lệ giáo viên trung học phổ thông có trình độ đại học lên 15%, tỷ lệ giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ lên 10%, tỷ lệ số cán bộ giảng dạy của trường Đại học Hồng Đức có trình độ sau đại học lên 50% và có trình độ tiến sĩ

là 25%. Cùng với việc đầu tư bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là việc đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một số ngành trọng điểm, mũi nhọn (công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…). Đồng thời phân bổ hợp lý ngân sách cho các cấp học, bậc học, cho các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trường lớp tranh tre ở vùng sâu, vùng xa đang còn nhiều, từ nay đến năm 2010 cần đầu tư lớn để xây dựng các trường phổ thông đều có cơ sở kiên cố và bán kiên cố, có phòng học và trang thiết bị cơ bản; xây dựng, cải tạo các phòng thí nghiệm, thực hành; xây dựng và nâng cấp thư viện để tất cả các trường trong tỉnh có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng đòi hỏi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy trong nhà trường…

Thực hiện tốt những tiêu chuẩn trên là nhằm tạo ra mặt bằng trong giáo dục về việc nâng cao dân trí, đồng thời bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhằm phát triển nhân tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, và đó cũng chính là chúng ta đã sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách giáo dục - đào tạo.

Ba là, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng người lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nền kinh tế Thanh Hóa chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện CNH, HĐH trước hết Thanh Hóa thực hiện CNH nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy, phải bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, và phải coi đây là nhiệm vụ đầu tiên cấp bách cần ưu tiên giải quyết.

Do nông nghiệp Thanh Hóa mang nặng tính thuần nông, trồng trọt chiếm 70%, chăn nuôi chiếm 30%, hoạt động phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hầu như rất ít. Từ trước đến nay người dân cày cấy, gieo trồng, chăn nuôi gần như theo kinh nghiệm. Những giống mới được đem áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi thì khi nào hợp tác xã phổ biến và hướng dẫn quy trình thì người lao động sẽ làm theo một cách thụ động. Phần lớn, lao động trong nông nghiệp không có trình độ chuyên môn, nên không

dám nghĩ, không dám làm, không dám tìm tòi sáng tạo, thậm chí thực hiện những phương án mà tỉnh, huyện triển khai rất lúng túng. Do vậy, mà hiệu quả lao động chưa cao. Mấy năm gần đây tỉnh huyện có mở những lớp đào tạo tại Trung tâm chính trị huyện, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên đó là những lớp đại học, cao đẳng, thú y, nông học, kế toán song số người tham gia theo học chủ yếu là cán bộ quản lý, xã phường, thị trấn. Mục đích học của họ cũng chỉ là lấy bằng cấp để làm nhiệm vụ quản lý, còn xã viên đi học thì chiếm 1 tỷ lệ "khiêm tốn" là 0,5% và chủ yếu là học sinh phổ thông thi chưa đậu đại học, nên theo học tại huyện nhằm cơ may tìm việc làm. Tình hình này cho thấy, thực trạng đào tạo người lao động ở khu vực nông nghiệp đang tồn tại một nghịch lý là: Trong khi lao động nông nghiệp qua đào tạo ít, trình độ chuyên môn thấp thì các cơ sở đào tạo ngành nông nghiệp lại gặp khó khăn về tuyển sinh. Có một số năm trường Đại học Hồng Đức tuyển sinh các ngành Nông nghiệp không đủ chỉ tiêu. Tuyển sinh 2 năm được một lớp cao đẳng nông học.

Nguyên nhân của việc tuyển sinh - đào tạo lao động ngành nông nghiệp gặp khó khăn là do sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa thấp, trình độ lao động lạc hậu, lao động vất vả mà thu nhập thấp, ít cơ hội tìm việc làm, nên không thu hút được nhiều người theo học, nhất là thanh niên. Vì vậy, tỉnh phải có biện pháp, chính sách cụ thể để đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng người lao động thuộc khu vực nông nghiệp nông thôn. Để làm được điều đó trước hết tỉnh phải có kế hoạch gắn chặt việc đào tạo người lao động khu vực này với việc ứng dụng triệt để thành tựu của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, mở mang ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, đầu tư sản xuất chế biến trong nông nghiệp, phát triển các hoạt động phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Tỉnh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người nông dân những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực phi nông nghiệp, xây dựng phương án, lập kế hoạch triển khai sản xuất kinh doanh, tìm thị trường đầu ra

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở TỈNH THANH HÓA PPT (Trang 108 -115 )

×