Thanh Hóa có nguồn lực dồi dào, nhưng trên nhiều mặt nguồn lực con người ở Thanh Hóa chưa đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH. Mặt khác, nguồn lực quan trọng này vẫn chưa được khai thác và phát huy triệt để, do tình trạng sử dụng không hiệu quả, lãng phí tiềm năng, nguồn lực con người hiện có ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Để nhanh chóng phát huy hiệu quả nguồn lực con người với tư cách là nguồn lực cơ bản trong CNH, HĐH thì vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải sử dụng hết nguồn lực con người hiện có, bằng cách:
* Phải thay đổi nhận thức, thực sự coi con người là nguồn vốn quý nhất trong tất cả các nguồn lực để CNH, HĐH ở tỉnh Thanh Hóa
Thông thường, những nguồn lực làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội là nguồn lực tự nhiên như: tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý; là nguồn cơ sở vật chất - kỹ thuật đã được tạo ra trong các giai đoạn trước đó, là những nguồn lực nước ngoài như vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường... Nhưng xét cho cùng, nguồn lực lâu bền nhất và quan trọng nhất trong sự phát triển vẫn là nguồn lực con người. Bởi có đủ các nguồn lực khác mà không có những con người tương xứng, đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó và nếu không có một môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý và dư luận xã hội thuận lợi cho con người hành động thì không thể đạt được sự phát triển mong muốn. Bởi vậy, chúng ta phải thực sự coi con người là nguồn vốn quý nhất trong tất cả các nguồn lực sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đã có một thời trong thực tế (10 năm cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp), chúng ta coi con người chỉ là một chiếc đinh ốc nhỏ của một cỗ máy lớn, con người đó bị hòa tan vào trong khối người. Hoặc con người thời kỳ đó được nhào nặn theo một khuôn mẫu chung nhằm tạo ra một lớp những "con người lý tưởng" biết thắt lưng buộc bụng, phấn đấu vì một "ngày mai tươi đẹp". ảo tưởng về việc tạo ra những con tốt chỉ biết hy sinh được đem thực hiện trong cuộc sống đã bị đổ vỡ. ảo tưởng và sai lầm đó tất yếu dẫn đến chủ nghĩa bình quân, cào bằng làm triệt tiêu động lực, làm cho mọi người chấp nhận sự nghèo khổ, thiếu thốn được chia đều, do đó làm cho không ít tài năng bẩm sinh bị thui chột.
Rút kinh nghiệm của thời "bình quân", chúng ta cần phải đặt con người vào vị trí trung tâm của các quá trình xã hội, coi con người là yếu tố cấu thành hữu cơ quan trọng nhất của lực lượng sản xuất mà khi tác động qua lại với các yếu tố khác có tác dụng quyết định làm nên những biến đổi kinh tế - xã hội lớn lao.
Con người làm ra những sản phẩm cho xã hội, làm ra những máy móc hiện đại. Nhưng con người chỉ có thể phát huy vai trò của mình trong sự tương tác của các yếu tố vật chất như vốn, khoa học - công nghệ… Trong sự tương tác đó, con người luôn có vai trò nổi trội hơn so với các yếu tố vật chất. Vì vậy, cần có sự đổi mới một cách căn bản ở cấp độ toàn xã hội nhận thức về vai trò của nhân tố con người trong phát triển. Cần phải thấy rằng, tài nguyên lớn nhất của một quốc gia, dân tộc không phải là vốn liếng hay máy móc, mà chính là con người cùng tiềm năng trí tuệ đang ẩn giấu trong đầu của mỗi con người. Nhận thức được điều đó, Đảng ta luôn xác định ưu thế lớn nhất ở Việt Nam là nguồn lực con người và mấu chốt để đi lên là khai thác và phát huy triệt để nguồn tiềm năng sẵn có này. Trong các chủ trương, chính sách của tỉnh Thanh Hóa phải quán triệt điều này, có như vậy việc khai thác và sử dụng tiềm năng nguồn lực con người mới trở thành công việc của từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp. Trong đó Nhà nước đóng vai trò là người khởi xướng vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Trong những năm vừa qua, Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa đã quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đã thu được những thành tựu nhất định. Đường lối đổi mới của Đảng đã mang nhiều ý nghĩa tích cực, nhất là trong việc phát huy nguồn lực con người.
Tuy nhiên, do tồn tại trong một thời gian dài với cơ chế tập trung, bao cấp, việc phát huy nguồn lực con người vẫn chưa kịp thời; hiện nay, việc sử dụng nguồn lực con người còn bất hợp lý, chưa phát huy tốt nguồn lực con người. Tình trạng tiền lương còn quá thấp, không đủ tái sản xuất ra sức lao động của con người và có nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Tình trạng không có chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ khoa học nghiên cứu, tình trạng không có chính sách để sử dụng nhân tài đã làm cho nhân tài mai một, "chất xám" chảy ra ngoài tỉnh…
Tiềm năng của con người Thanh Hóa rất lớn, nó phát triển tỷ lệ thuận với việc khai thác và sử dụng nguồn lực con người. Để nguồn lực con người phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và trở thành động lực thì một mặt tỉnh phải có cách kích
thích nó, trước hết thông qua khâu cơ bản là nhu cầu và lợi ích; mặt khác, phải tạo được một môi trường thuận lợi nhất cho các cá nhân và cho cả cộng đồng cống hiến được ở mức cao nhất. Muốn vậy, đòi hỏi tỉnh phải có những thay đổi mạnh bạo, kiên quyết và nhanh chóng trong trong cách nghĩ, cách làm, trong tổ chức và trong các chính sách cụ thể đối với con người, chú trọng đến các chính sách như giải quyết việc làm, chính sách và chế độ tiền lương, chính sách thuế... Mọi biện pháp và chính sách mới đều phải đảm bảo giải phóng tất cả những năng lực sản xuất, chăm lo đến lợi ích và cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nuôi dưỡng sức dân. Làm được như vậy sẽ biến tiềm năng thành sức mạnh nội lực để đưa Thanh Hóa đi lên.
* Giải quyết tốt giữa chất lượng việc làm với việc sử dụng nguồn nhân lực
Tính đến năm 2004, Thanh Hóa có hơn 3,6 triệu dân với hơn 1,8 triệu lao động. Đó là nguồn nhân lực quan trọng nhất để Thanh Hóa đẩy mạnh tốc độ CNH, HĐH. Vì vậy, tạo ra việc làm cho tất cả mọi người lao động, bảo đảm sử dụng hết số lao động hiện có là một nhiệm vụ cấp bách. Song phải giải quyết tốt việc kết hợp sử dụng nguồn nhân lực với tạo ra và nâng cao chất lượng việc làm thì mới đem lại hiệu quả lao động cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc CNH, HĐH.
Sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH không hoàn toàn đồng nhất với chính sách giải quyết việc làm. Yêu cầu đặt ra trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực con người cho CNH, HĐH không chỉ đơn thuần là tạo ra nhiều việc làm, giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động, mà quan trọng hơn là phải tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao, phát huy triệt để các tiềm năng và sức mạnh của nhân tố con người. Trong đó, khai thác và sử dụng tiềm năng trí tuệ, phát huy năng lực sáng tạo là yêu cầu quan trọng nhất.
Trong điều kiện nguồn lực con người dồi dào nhưng chất lượng còn hạn chế, quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH ở Thanh Hóa sẽ gặp phải mâu thuẫn giữa hai xu hướng: Thứ nhất, để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH Thanh Hóa cần phải sử dụng nguồn lực con người có chất lượng cao, cần phải tạo ra việc làm với năng suất cao, điều chỉnh cơ cấu lao động cho phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế, tổ chức lại lao động trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng dư thừa lao động; thứ hai, nếu quá chú trọng đến yêu cầu về toàn dụng nguồn lực con người, cố gắng giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động, mà không tính đến chất lượng và hiệu quả sử dụng thì sẽ không phát huy được vai trò của nhân tố con người cho mục tiêu CNH, HĐH.
Quán triệt quan điểm của Đảng ta, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của CNH, HĐH. Chúng ta cần khai thác, phát huy tốt nhất những yếu tốt tích cực của nhân tố con người, đồng thời phải giải quyết việc làm cho người lao động nhất là số lao động dư thừa của Thanh Hóa đang ngày một tăng lên. Thực tế này là bài toán khó cho Thanh Hóa có thể giải quyết được đồng thời cả hai mục tiêu: Vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao CNH, HĐH, vừa thực hiện mục tiêu toàn dụng nguồn nhân lực. Bởi vậy, cần có sự lựa chọn, phải biết ưu tiên cho tiêu chí nào theo hướng có lợi cho sự phát triển chung của tỉnh cũng như của đất nước.
Để thực hiện CNH, HĐH, chúng tôi cho rằng, cần phải quan đến việc nâng cao chất lượng việc làm, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Chúng ta không nên vì sức ép giải quyết việc làm quá lớn mà chạy theo số lượng tức là chỉ lo giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động mà không tính đến chất lượng việc làm, không tính đến mặt chất lượng trong sử dụng.
Thực tế cho thấy, chỉ có nguồn lao động đông về số lượng, thấp về chất lượng thì không thể thực hiện thành công CNH, HĐH. Kinh nghiệm các quốc gia đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa đất nước chỉ ra rằng: Một quốc gia có được lực lượng lao động khỏe mạnh, lành nghề cùng với việc quản lý sáng tạo, linh hoạt lực lượng lao động đó sẽ là yếu tố quyết định tăng trưởng và phát triển [23-41]. Từ đó có
thể thấy rằng, yêu cầu đặt ra ở Thanh Hóa là trong quá trình sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH một mặt phải nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn lực con người đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi của quá trình CNH. Mặt khác, phải tổ chức, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người hiện có.
* Khơi dạy và nuôi dưỡng tính tích cực của người lao động
Hiệu quả sử dụng nguồn lực con người phụ thuộc chủ yếu vào mức độ lành nghề và thái độ của người lao động đối với công việc, người lao động sau khi được đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn thì phải mất 3 - 5 năm mới phát huy được tác dụng tốt, vì vậy phải động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cơ hội, nuôi dưỡng và phát huy tích cực của người lao động, hướng nó vào thực hiện mục tiêu CNH, HĐH.
Để động viên có hiệu quả tính tích cực sáng tạo của người lao động thì vấn đề quan trọng nhất là tạo điều kiện để người lao động có việc làm, có thu nhập cao và thậm chí làm giàu bằng nghề nghiệp của mình, đây là những yếu tố có tác động mạnh nhất đến động cơ, thái độ làm việc của hầu hết người lao động trong cơ chế thị trường hiện nay. Nó cũng giúp giải quyết tình trạng người lao động có thu nhập thấp phải từ bỏ công việc chuyên môn để làm công việc không liên quan hoặc ít liên quan đến chuyên môn nhằm có thu nhập cao hơn, gây ra hiện tượng lãng phí "chất xám" trong tỉnh.
Tất nhiên, việc nâng cao mức thu nhập không thể thực hiện ngay lập tức, bởi thu nhập của người lao động không thể vượt quá sự đóng góp của họ. Cần phải làm cho người lao động nhận thức được rằng thu nhập do chính sự đóng góp và lao động của họ quyết định. Từ đó người lao động sẽ luôn có ý thức không ngừng nâng cao trình độ, nhằm mong muốn có mức thu nhập ngày càng cao hơn trong tương lai. Mặt khác, tăng cường động lực lợi ích kinh tế, đặc biệt chú ý đến lợi ích cá nhân người lao động. Ngày nay lợi ích kinh tế cá nhân người lao động tồn tại trong tất cả các thành phần kinh tế. Nếu lợi ích kinh tế của người lao động được đảm bảo thì nó sẽ là động lực thúc đẩy
người lao động hăng hái chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Vì vậy, tỉnh phải xây dựng một cơ chế kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế, phải được tiến hành cụ thể đối với từng thành phần kinh tế theo hướng đảm bảo lợi ích người lao động, qua việc đa dạng hóa hình thức sở hữu.
Để khơi dậy và nuôi dưỡng tính tích cực của người lao động còn cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị. Mục đích công tác này nhằm trang bị cho người lao động những quan điểm lý luận cơ bản, đường lối chính sách của Đảng và kỹ năng tư duy về chính trị, làm cho người lao động nhận thức sâu sắc về công cuộc đổi mới ở nước ta, từ đó có thái độ lao động với ý thức trách nhiệm cao và có ý thức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Qua giáo dục tư tưởng chính trị mà trình độ tri thức lý luận khoa học về chính trị, tình cảm, niềm tin chính trị, mặt phẩm chất, đạo đức, tác phong đặc biệt là ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tính năng động sáng tạo, tinh thần tự hào dân tộc... được nâng lên. Điều đó là động lực to lớn thúc đẩy người lao động tham gia tích cực, sáng tạo vào thực tiễn.
Bên cạnh yếu tố vật chất, tinh thần, môi trường tâm lý - xã hội nơi làm việc cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên động lực kích thích tích cực của con người lao động.
Để tạo môi trường tâm lý - xã hội thuận lợi cho việc động viên tính tích cực của người lao động, điều quan trọng nhất là phải đưa ra được những chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, vừa phù hợp với điều kiện và khả năng hiện thực xã hội, vừa kịp thời đáp ứng những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, của người tạo lao động.
Ngoài những vấn đề nêu trên, hiện nay, trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế ngày càng xa hơn của Việt Nam, trước thực tế nghèo nàn kém phát triển của tỉnh nhà, Đảng bộ và các cấp chính quyền cần phải khơi dậy khát vọng tăng trưởng, làm giàu trong nhân dân biến nó thành ý chí, thành nội lực cần thiết để đưa Thanh Hóa đi lên.
* Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng và quyết định sự phát triển. Do đó, Thanh Hóa cần phải sử dụng có hiệu quả và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo là vấn đề mấu chốt của sự phát triển; nếu sử dụng không hiệu quả thì không những gây lãng phí về tiềm năng nguồn nhân lực mà còn làm cho nền kinh tế của tỉnh trì trệ, năng suất, hiệu quả lao động không cao.
Nguồn nhân lực đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở Thanh Hóa hiện nay còn ít về số lượng nhưng lại chưa được phát huy có hiệu quả. Theo báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XV (2001-2005) thì số lao động đã qua đào tạo năm 2004 là: 24%; lao động được giải quyết việc làm là 35,1 nghìn người. Nhưng việc sử dụng lao động còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng không đúng người đúng việc vẫn còn - tức là làm việc không đúng nghề được đào tạo hoặc một số lao động đã qua đào tạo thì lại không được sử dụng và có những lao động không qua